Truyền thông Mỹ trong cuộc đua xướng tên người đắc cử
Để gọi tên người chiến thắng, những 'gã khổng lồ tin tức' như Fox News, CNN, AP sử dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ từ cơ quan bầu cử, mô hình thống kê, thăm dò ý kiến cử tri.
Trước ngày 5/11, hàng triệu người Mỹ dán mắt vào TV hoặc lướt tin tức Internet để xem thông tin bầu cử. Tất cả mong chờ kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Trump và bà Harris.
Quá trình kiểm phiếu có thể tốn thời gian. Song, các cơ quan tin tức quốc tế không cần đợi mọi lá phiếu được bỏ và cơ quan bầu cử công bố người chiến thắng cuối cùng. Họ có thể tuyên bố Tổng thống Mỹ mà không cần kết quả đầy đủ dựa trên “ủy ban quyết định” (decision desks). Đây là một nhóm nhà khoa học chính trị, chuyên gia thống kê, phóng viên đưa tin hiện trường có khả năng gọi tên ứng viên giành chiến thắng ở khu vực, quận hay tiểu bang cụ thể.
“Hãy nhớ chúng tôi không bầu cho bất kỳ ai”, Anthony Salvanto, giám đốc điều hành ủy ban bầu cử và khảo sát của CBS News, nói với Vox. “Các cử tri làm điều đó. Các viên chức bầu cử báo cáo kết quả bỏ phiếu và chúng tôi phân tích báo cáo cùng tin tức, khảo sát cử tri được phóng viên hiện trường gửi về”.
Ba hệ thống phân tích
Các tổ chức tin tức "gọi tên" (call), chứ không "xác định" (determine) người chiến thắng. Các viên chức tại các văn phòng bầu cử kiểm phiếu và xác nhận kết quả bầu cử sẽ xác định người chiến thắng. Việc xác nhận đó diễn ra vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau cuộc bầu cử.
Để gọi tên người chiến thắng, những “gã khổng lồ tin tức” như Fox News, CNN, AP sử dụng cơ sở dữ liệu từ cơ quan bầu cử, mô hình thống kê, thăm dò ý kiến cử tri.
Không những đưa tin về kết quả hiện tại, cơ quan báo chí còn dự đoán kết quả bầu cử. Họ đưa ra các dự đoán dựa trên số phiếu bầu thô được bỏ ở các quận, tiểu bang. Đồng thời, họ sử dụng dữ liệu lịch sử, thông tin cử tri như vị trí địa lý, giới tính, độ tuổi…
Năm nay, có ba hệ thống chính được giới tin tức sử dụng.
AP và Fox News dùng hệ thống AP VoteCast ra mắt năm 2018 và được sử dụng trong mọi cuộc bầu cử quốc gia. VoteCast thu thập dữ liệu bằng cách khảo sát trực tuyến quy mô lớn với những cử tri được chọn ngẫu nhiên. Phương pháp chọn mẫu đại diện này đưa ra kết quả chính xác và khách quan nhất có thể.
Một hệ thống khác tên là National Election Pool (NEP) cung cấp dữ liệu cho ABC News, CBS News, CNN và NBC News. NEP dựa vào Edison Research để thực hiện ba loại khảo sát: thăm dò ý kiến cử tri vào ngày bầu cử, thăm dò ý kiến cử tri bỏ phiếu sớm, thu thập dữ liệu từ người có khả năng bỏ phiếu qua thư, theo Rob Farbman, phó chủ tịch điều hành tại Edison Research. (AP và Fox News từng dùng hệ thống này trước năm 2016).
Economist và The Hill sử dụng Decision Desk HQ, hệ thống khảo sát khác sử dụng phương pháp thống kê độc quyền để dự đoán người chiến thắng. Mỗi cơ quan báo chí và đơn vị tin tức có tiêu chí riêng để giải thích và phân tích kết quả khảo sát của hệ thống.
Điều đó có thể dẫn đến ban quyết định của tòa soạn này đi trước tòa soạn khác. Ví dụ, trong năm 2020, người đứng đầu ban quyết định của Fox News, Arnon Mishkin, gọi Arizona là nơi bầu cho Tổng thống Joe Biden sớm hơn so với các cơ quan khác, bao gồm AP.
Nhìn chung, khi đến lúc ra quyết định, “ban quyết định của chúng tôi sẽ xem xét các mô hình thống kê, tham khảo ý kiến đối thủ và phân tích mọi dữ liệu có thể để đảm bảo đưa tin chính xác nhất”, Farbman nói. “Chúng tôi không ra quyết định nếu độ chính xác thấp hơn 99,5%”.
Còn David Scott, giám đốc chiến lược và hoạt động tin tức tại AP, cho biết: “Tiêu chuẩn của chúng tôi là sự chắc chắn tuyệt đối. Chúng tôi không tuyên bố người chiến thắng cho đến khi chúng tôi tự tin 100% rằng các ứng cử viên xếp sau không thể bắt kịp”.
Tính minh bạch
Sử dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ cho phép cơ quan tin tức gọi tên người chiến thắng trong những cuộc bầu cử. Ở Mỹ, có đến 5.000 cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024, từ bầu cử tổng thống đến các cuộc đua địa phương.
Các cơ quan báo chí có thể đưa tin nhanh hơn tốc độ viên chức bầu cử đếm phiếu bầu. Quy trình này gần như chính xác trong những cuộc đua căng thẳng như bầu cử Tổng thống Mỹ vào tối 5/11 (theo giờ địa phương).
Để tránh bị chỉ trích thao túng kết quả bầu cử dựa trên tin tức, các cơ quan cập nhật cho khán giả thông tin thời gian các điểm bỏ phiếu đóng cửa và số phiếu bầu được bỏ. Họ minh bạch trong việc sử dụng nguồn dữ liệu phân tích.
“Chúng tôi cho công chúng biết mô hình hoạt động như thế nào và uy tín của nó trong giới chuyên môn”, Salvanto của CBS News chia sẻ với Vox. “Chúng tôi có thể đưa tin dựa trên thời gian thực tế, nơi phiếu bầu đang được kiểm tra và đếm - từ các phiếu bầu cấp quận cho đến tiểu bang. Chúng tôi biết rõ nơi nào chưa bỏ phiếu 100% và cho độc giả nhìn rõ toàn cảnh cuộc bầu cử”.
Các phương pháp thống kê không hoàn hảo. Sai sót vẫn xảy ra vì, xét cho cùng, các ủy ban quyết định là do con người tạo ra. Tuy nhiên, các tổ chức tin tức luôn nỗ lực để điều chỉnh sai lầm và đưa tin càng đúng càng tốt, theo Vox.