Truyền thông tốt hơn về biến đổi khí hậu

Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH) trong hàng chục năm tới. Để nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng BĐKH của toàn xã hội, công tác truyền thông về BĐKH đã được các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng triển khai khá đồng bộ và bước đầu thu được một số kết quả nhất định.

Lực lượng chức năng gia cố một đoạn đê biển Tây (tỉnh Cà Mau) bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: GIA BÁCH

Lực lượng chức năng gia cố một đoạn đê biển Tây (tỉnh Cà Mau) bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: GIA BÁCH

Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BÐKH do có bờ biển dài. BÐKH tại Việt Nam sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, do mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư. Ðồng thời mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển... Nhận thức được các nguy cơ, thách thức của BÐKH, Việt Nam đã chủ động ban hành các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả. Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013 về chủ động ứng phó với BÐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1474/QÐ-TTg ngày 5-12-2011 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về BÐKH giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BÐKH... Việt Nam cũng đã tham gia, ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BÐKH; Nghị định thư Ki-ô-tô; Thỏa thuận Pa-ri về BÐKH... Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ và bước đầu thu được một số kết quả trong lĩnh vực này.

Ðể tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức ứng phó BÐKH của cộng đồng, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về ứng phó với BÐKH; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với BÐKH; tổ chức các chiến dịch truyền thông như: Ngày Môi trường thế giới; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới... Thông qua đó, giúp người dân hiểu đúng hơn về bản chất của BÐKH để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi tiến tới sống chung
với BÐKH.

Tuy nhiên, công tác truyền thông về BÐKH ở nước ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Việc hiểu về các vấn đề của BÐKH chưa thật sự đầy đủ và toàn diện; phương pháp truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn người dân; dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về BÐKH chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ðặc biệt, tính lan tỏa, chuyên nghiệp của công tác truyền thông về BÐKH chưa cao, chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Tại không ít địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về BÐKH và tầm quan trọng của công tác ứng phó BÐKH. Nhận thức về BÐKH của cộng đồng còn hạn chế, phiến diện, mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực, chưa quan tâm đến nguyên nhân gây BÐKH để có những hành động đúng đắn thông qua việc chuyển đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp và tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả cụ thể của ứng phó BÐKH, giải pháp và các bài học để các cơ quan báo chí tuyên truyền; một số nội dung truyền thông BÐKH phức tạp, dùng ngôn ngữ khó hiểu, nhất là chưa xác định được từng nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội để tổ chức tuyên truyền, vận động...

Giáo sư, TS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BÐKH cho rằng: Ðể nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông BÐKH, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần cung cấp kịp thời thông tin về BÐKH cho các cơ quan truyền thông. Phân công rõ ràng trách nhiệm các bên liên quan trong truyền thông BÐKH, như: thu thập, tổng hợp, hệ thống hóa cung cấp thông tin, dữ liệu. Công tác truyền thông cần tập trung tuyên truyền các mô hình, cách làm hay trong chủ động thích ứng BÐKH như: các phương án, cách thức thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh, tổ chức đời sống dân cư để thích nghi với điều kiện BÐKH. Các cơ quan báo chí, truyền thông phải là cầu nối, đưa các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề BÐKH vào thực tiễn cuộc sống; phản ánh kịp thời những tác động của cơ chế, chính sách để đưa ra các giải pháp, mô hình cụ thể cho từng vùng trước sự tác động của BÐKH. Ngoài ra, cần đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho người làm công tác truyền thông về BÐKH.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/41171102-truyen-thong-tot-hon-ve-bien-doi-khi-hau.html