Truyền thuyết về Quán Tiên lên màn ảnh

Phim Việt duy nhất ra mắt khi rạp chiếu phim được hoạt động trở lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ.

Điện ảnh Việt có không ít tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính, tuy nhiên nhiều bộ phim rơi vào quên lãng. Thậm chí, một số phim như: Sống cùng lịch sử, Ký ức Điện Biên không có khán giả nên đơn vị phát hành phải rút khỏi rạp sau thời gian ngắn công chiếu, chỉ trình chiếu vào những dịp lễ lạt phù hợp nhằm mục đích tuyên truyền.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bộ phim khai thác đề tài chiến tranh và người lính không thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiện nay. Bởi cách xây dựng phim một chiều, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được minh họa một cách máy móc. Từ đó dẫn đến chuyện phim khô khan, những bài học trở nên khiên cưỡng, cứng nhắc. Trong khi đó, nhân vật mờ nhạt, không có số phận rõ ràng, tính cách đơn điệu.

Trong bối cảnh đó, Truyền thuyết về Quán Tiên - bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của tác giả Xuân Thiều, được xem là một luồng gió mát về dòng phim chiến tranh.

Phim lấy mốc thời gian vào năm 1967 tại cánh rừng Trường Sơn, ở đó có một chiếc hang bí ẩn tuyệt đẹp được quân đội trưng dụng làm quán nước dừng chân cho binh lính trên đường hành quân, gọi là Quán Tiên. Tại đó, ba cô gái trẻ Mùi (Thúy Hằng đóng), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh) cùng nhau sống, thay phiên nhau chăm sóc và tiếp đón các anh bộ đội. Ba cô gái mang 3 nét cá tính khác nhau, song đều mang trong mình một trái tim bỏng cháy với tình yêu. Cũng chính điều này đã đẩy ba cô gái và những người có liên quan đến tận cùng của đau khổ, đặc biệt là ở nơi trận địa tàn khốc.

Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.

Không chỉ khắc họa sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, phim còn thể hiện được số phận mỗi cô gái với đời sống nội tâm giằng xé và những khao khát rất con người. Bên cạnh những cảnh bom đạn, bộ phim tập trung vào tâm lý của Mùi, Phượng và Tuyết Lan trong thời chiến với nội tâm luôn phải chọn lựa giữa tình yêu đất nước với tình yêu lứa đôi và cả tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống hòa bình. Ba cô gái ấy, mỗi người đã có tình yêu đẹp và trong trẻo với anh chàng Ku Xê ít nói (Leo Nguyễn), Quỳnh (Lê Hoàng Long) lãng tử ôn nhu, và Thiệt (Trần Việt Hoàng) bị điếc nhưng thật thà chất phác... Cùng với cốt truyện đầy hứng thú và tuyến nhân vật trau chuốt, Truyền thuyết về Quán Tiên tạo ấn tượng với bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ quay tại Quảng Bình, cách thiết kế Quán Tiên hừng hực khí thế và tràn đầy cảm xúc. Chỉ tiếc, phần kỹ xảo tạo hình con vượn còn thiếu tinh tế, khiến cảnh tương tác giữa nữ nhân vật Mùi và con vượn bị gượng ép.

So với truyện ngắn, tác phẩm điện ảnh có nhiều nét mới. Nếu tác phẩm văn học dữ dội về tính cách, có tốt có xấu, nhấn mạnh sự tàn nhẫn của chiến tranh khi chia lìa con người thì trên phim, nhân vật theo chiều hướng tốt, kể cả người mắc lỗi. Sự trách móc hay luận tội không quá nặng nề và phim kết thúc có hậu hơn ở một vài nhân vật. Vì thế, trước khi chiếu rạp, Truyền thuyết về Quán Tiên đã đoạt Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 và gần đây đã “ẵm” Cánh diều Bạc giải Cánh diều 2020.

Để làm bộ phim này, đạo diễn 31 tuổi Đinh Tuấn Vũ cho biết đã đọc nhiều sách, xem những bộ phim chiến tranh về Việt Nam và đọc thêm nhiều truyện ngắn của chính nhà văn Xuân Thiều để hiểu rõ hơn về tác giả. Với sự nỗ lực của nam đạo diễn và cả ê-kíp, Truyền thuyết về Quán Tiên hiện lên một sự kỳ ảo, một sự lãng mạn của chiến tranh cách mạng. Và qua từng thước phim, khán giả trẻ ngày nay biết trân trọng hơn sự hy sinh mà một thời cha ông đã cống hiến tuổi thanh xuân và sức lực vì một nền hòa bình, thịnh vượng của dân tộc.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truyen-thuyet-ve-quan-tien-len-man-anh-n174783.html