TS. Hoàng Huệ Anh: Bắc Kinh - từ ngẫu nhiên đến sứ mệnh

Mong mỏi được cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc đã thôi thúc chúng tôi quyết định quay về Việt Nam làm việc sau hơn 16 năm sống, học tập và làm việc tại Bắc Kinh...

TS. Hoàng Huệ Anh và con trai. (Ảnh NVCC)

TS. Hoàng Huệ Anh và con trai. (Ảnh NVCC)

Tôi nhớ lại lần đầu tiên đặt chân đến Bắc Kinh, đó là một buổi chiều mùa Thu năm 1999, cả thành phố nhuộm vàng sắc lá ngân hạnh. Chuyến đi này là một sự tình cờ và vô định. Ở cái thời mà sự kết nối và hình dung về thế giới bên ngoài còn đầy trắc trở mông lung, vô tình nhận được suất học bổng tiếng Trung một năm, tôi lúc ấy chỉ xác định xách ba lô đi thám hiểm ngắn ngày, rồi trở về trường đại học trong nước với kết quả đã được bảo lưu cẩn thận…

Rồi mười năm trôi qua trong nháy mắt, Bắc Kinh đã nuôi tôi từ cô gái 18 tuổi trở thành một phụ nữ trưởng thành. “Nuôi” với nghĩa đen, vì tôi nhận học bổng trong suốt mười năm đó. Tôi đã “thiêu đốt” cả một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết trên mảnh đất này. Tôi cũng tìm thấy hạnh phúc của đời mình ở nơi đây!

Năm 2009, tôi tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Chính trị Quốc tế tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc và được mời làm chuyên gia giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Còn chồng tôi cũng vừa tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Quy hoạch đô thị và được giữ lại làm việc ở Viện Nghiên cứu Quy hoạch đô thị thuộc trường Đại học Thanh Hoa.

Có được việc làm tốt ở thành phố lớn và đầy cạnh tranh như Bắc Kinh, đối với một người bản địa còn khó khăn, huống chi là một người nước ngoài. Khi các bạn học của tôi còn đang bươn chải tìm chỗ thuê nhà, tôi được nhà trường chu cấp cho một căn hộ xinh xắn trong trường dành cho chuyên gia giữa khuôn viên xanh mướt. Khi tình yêu của tôi đối với mảnh đất này đủ lớn, khi sự giao thoa và đồng điệu về văn hóa đủ nhiều… thì cái gật đầu ở lại là chuyện đương nhiên. Và chúng tôi trân trọng cơ hội đó!

Sợi dây gắn kết giữa tôi với Bắc Kinh không chỉ là kỷ niệm, bởi vì nếu chỉ dừng lại ở hai chữ “kỷ niệm” thì dường như quá giản đơn, ở đâu đó nó còn có dấu ấn của “số phận” hay “định mệnh”. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những giây phút êm đềm và cũng cùng nhau đi qua nhiều thời khắc khó khăn, sóng gió.

Những kỷ niệm khó quên

Một điều tuyệt vời là tôi đã được tận mắt chứng kiến quá trình chuyển mình như vũ bão của Bắc Kinh, từ một thành phố cổ kính đơn sơ thành một đô thị hiện đại hóa, quốc tế hóa mang tầm thế giới chỉ trong vòng gần hai thập kỷ. Năm 2000, vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ tôi, Trung Quan Thôn - nay được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, khi ấy vẫn còn là đồng cỏ bao quanh và chúng tôi thường xuyên nhìn thấy những chiếc xe ngựa chở hoa quả từ ngoại thành vào bán buôn, giá thành rẻ hơn nhiều so với các chợ dân cư quanh đó. Thì nay, ngay đó mọc lên những công trình kiến trúc đồ sộ, những tổ hợp siêu thị tráng lệ, một hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt.

TS. Hoàng Huệ Anh (hàng đầu, thứ năm từ trái) trong một sự kiện diễn ra tại Trung Quốc.

TS. Hoàng Huệ Anh (hàng đầu, thứ năm từ trái) trong một sự kiện diễn ra tại Trung Quốc.

Thương mại điện tử phát triển đến mức người Bắc Kinh chỉ cần mang bên mình chiếc điện thoại là có thể giải quyết mọi việc từ A đến Z mà không phải băn khoăn vì tiền mặt, cũng chẳng chút ngạc nhiên khi một anh taxi hay chị bán hoa quả rút điện thoại bấm trả lại bạn năm xu qua phần mềm Wechat. Từ việc chỉ dám mua vài quyển sách trên trang web Dangdang khoảng năm 2009, đến nay, tôi có thể tìm thấy cả thế giới trên trang Taobao và chẳng mấy chốc trở thành Hội viên Kim cương của trang bán hàng online đình đám này.

Năm 1999, Bắc Kinh được mệnh danh là thành phố của xe đạp. Tôi từng sắm cho mình nhiều chiếc xe đạp đủ màu. Đến nay, bạn vẫn thấy xe đạp ngập phố phường, nhưng khác là những chiếc xe đạp công cộng giống hệt nhau, phục vụ cho người dân sử dụng dễ dàng ở bất cứ đâu, chỉ cần cài một phần mềm qua App.

Tôi từng được hưởng một bầu không khí Bắc Kinh trong lành, xanh mát những năm đầu thế kỷ XXI và cũng từng phải lo âu cho sức khỏe khi việc đầu tiên mỗi buổi sáng thức dậy là kiểm tra nồng độ PM2.5, mỗi lúc bước ra đường phải trang bị ngay một chiếc khẩu trang than hoạt tính.

Có hai thời điểm khiến tôi không bao giờ quên!

Đó là dịch SARS năm 2003. Chúng tôi phải đối mặt với ranh giới mong manh của sự sống và cái chết khi nằm giữa tâm dịch, tôi đã buồn đau khôn xiết khi chứng kiến vài người bạn trong trường chúng tôi phải ra đi. Nhưng cả thành phố đã kiên cường và mạnh mẽ chiến đấu và chiến thắng được bệnh dịch.

Đó là Thế vận hội Olympic năm 2008. Tôi nhớ lại cái đêm trước giờ khai mạc, cả thành phố như nín thở đợi chờ. Tôi và những người thích đạp xe lòng vòng trên các con phố xung quanh khu vực Sân vận động Tổ chim, những con phố được rào chắn cẩn thận, yên ắng và trang nghiêm. Người dân ở yên trong nhà, ngồi trước màn hình chờ đón chương trình truyền hình trực tiếp. Olympic 2008 như một phép màu khiến Bắc Kinh thay da đổi thịt. Cả thành phố trở nên lung linh và đầy sức sống, một sự trật tự và ngăn nắp hơn trước rất nhiều. Người Bắc Kinh hồ hởi và nhiệt huyết hơn bao giờ hết, họ lạc quan và tin tưởng vào tương lai. Tôi cảm nhận được sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc ở người Trung Quốc sau thời khắc lịch sử ấy.

TS. Hoàng Huệ Anh và sinh viên chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

TS. Hoàng Huệ Anh và sinh viên chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Chia tay Bắc Kinh là một “sứ mệnh”

Tôi dùng từ “sứ mệnh” để thêm chút chất thơ. Nhưng ý muốn nói ở đây là vấn đề “trách nhiệm”. Giờ đây, tôi vẫn cho rằng, quyết định về nước của gia đình tôi ở thời điểm ấy là đúng đắn.

Khi ước mơ lớn hơn, chúng tôi có nhu cầu được cống hiến nhiều hơn, cống hiến cho quê hương và cống hiến cho sự kết giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Tôi may mắn được giảng dạy tiếng Việt và Ngoại giao Việt Nam tại khoa Á-Phi, trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh trong khoảng thời gian tương đối dài - sáu năm. Chồng tôi lúc ấy làm quản lý cho một tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc. Như vậy, ngoài những kiến thức được tích lũy trong nhà trường, chúng tôi còn có những trải nghiệm thực tế trong đời sống xã hội Trung Quốc. Đó là những hành trang quan trọng và cần thiết để chúng tôi tiếp tục đóng góp một cách cụ thể cho sự trao đổi và hợp tác giữa hai nước.

Năm 2015, chúng tôi nhìn thấy những cơ hội lớn mà hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc mang lại, chúng tôi có những tấm gương thành công bền vững mà một nền kinh tế xã hội có độ mở lớn như Việt Nam có thể tạo nên. Chồng tôi bắt tay vào khai phá thị trường, đưa một trong những doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc về phát triển tốt ở Việt Nam, với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD cùng với một số lượng không ít nhân viên Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.

Bản thân tôi tiếp tục làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về Trung Quốc. Các lứa học sinh của tôi giờ đã trở thành những cán bộ ngoại giao, những ông chủ doanh nghiệp lớn, những nhân viên ngân hàng… có mặt ở khắp Việt Nam. Chúng tôi tự hào rằng, ước mơ và sự đóng góp từ của chúng tôi đã được nhân lên và lan tỏa tới rất nhiều người ở các khía cạnh và vị trí khác nhau.

Vậy đấy, đó là cuộc hành trình của tôi, bắt đầu từ một sự “ngẫu nhiên” đến một điều “tất nhiên”, và “sứ mệnh” thì vẫn tiếp tục là con đường tương lai rất dài phía trước!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-hoang-hue-anh-bac-kinh-tu-ngau-nhien-den-su-menh-125186.html