TS. Hoàng Ngọc Vinh: Bao giờ hết bệnh sính bằng cấp?
Tôi vẫn thường tự hỏi, vì sao tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ lại quan trọng với khá nhiều người Việt Nam như vậy? Và đến bao giờ mới hết căn bệnh sính bằng cấp?
Sẽ không có gì đáng nói nếu tấm bằng phản ánh đúng giá trị của người sở hữu nó. Đã có một số người học chưa xong trung học phổ thông, chưa đủ yêu cầu đầu vào của hệ trung cấp rồi một ngày kia cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ theo kiểu học liên thông và rơi xuống đáy của sự nghiệp vì cái sự sính bằng cấp bằng mọi giá.
Sính bằng cấp, từ đâu ra?
Thói quen sinh bằng cấp có lẽ có từ thời xa xưa dần hình thành văn hóa. Đó là văn hóa học để làm Quan trong chế độ phong kiến xưa vẫn còn rơi rớt cho đến ngày hôm nay. Một người làm quan sẽ làm vẻ vang dòng tộc, làng xóm, tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” đã tạo ra động cơ thúc đẩy việc học và thi.
Trong xã hội có tâm lý khá phổ biến là người có học vị cao hơn dường như được tôn trọng và vị nể hơn mà chưa cần biết đến giá trị của người đó, sự đóng góp cho cộng đồng và cho xã hội. Nói cách khác, người Việt nhìn nhận và đánh giá con người thường mang nặng cảm tính. Bản thân người sở hữu bằng cấp cao cũng tự cảm thấy hơn người về trí tuệ và sự quan trọng trong xã hội.
TS. Hoàng Ngọc Vinh. (Ảnh: NVCC)
Bằng cấp ở các nước khác cũng được coi trọng nhưng gắn liền với đó là các yếu tố kinh tế, địa vị xã hội, là sự tự do trong tư duy. Ở Mỹ, đối với nhiều ngành kinh tế, học càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng thấp, thu nhập càng cao. Người ta cũng quan niệm học cao sẽ dễ kiếm việc làm, thu nhập cao, dễ đáp ứng các nhu cầu của cá nhân, dễ lấy được vợ đẹp và có con khôn...
Nhưng ở ta, ngoài yếu tố văn hóa của người sở hữu tấm bằng sinh ra động cơ phấn đấu đạt bằng cấp, chính các cơ quan làm chính sách đào tạo cũng "thả thính" bằng cấp để hút người học nhẹ dạ cả tin. Ngay trong một số cơ quan tuyển dụng và sử dụng lao động cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa sính bằng cấp, dẫn đến quá chú trọng bằng cấp mà ít chú ý đến năng lực thực sự của người lao động. Nếu so sánh sơ yếu lý lịch của ta và cái CV của nhà tuyển dụng nhiều nước khác, người ta không có mục kê khai trình độ văn hóa, bằng cấp mà thay vào đó là lịch sử quá trình giáo dục, kinh nghiệm làm việc và những vị trí việc làm, sản phẩm (công trình công bố) được tạo ra do cá nhân người đó.
Trong thực tế, việc tuyển dụng tại nhiều cơ quan, người có bằng cấp cao hơn sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế hơn. Vô hình trung đẩy người ta vào cuộc chạy đua bằng cấp chưa biết khi nào dừng lại.
Có thể nói, bằng cấp là để ghi nhận năng lực, giá trị của người sở hữu nó sau một thời gian trải nghiệm học tập. Tùy theo quan niệm về nhu cầu, người ta có thể coi trọng tấm bằng. Có người là giảng viên đại học hoặc nghiên cứu viên thì nhu cầu là để tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Đối với những người khác do nhu cầu muốn học hỏi làm giàu tri thức, năng lực tư duy khoa học của mình và áp dụng cho công việc, có người coi bằng cấp là sự “trang điểm” cho cái sĩ diện bản thân coi đó là biểu tượng của địa vị trong xã hội...
Thật khó trả lời từ bao giờ bằng cấp trở thành "phương tiện" để người ta đạt được mục đích ngoài việc làm giàu tri thức. Nhưng bằng cấp là thước đo, sự khẳng định giá trị học vấn do lao động học tập mà có được và dùng làm hành trang trong thị trường lao động.
Ngoài ý nghĩa mang tính chính trị, văn hóa bằng cấp mang ý nghĩa kinh tế. Về nguyên tắc, học vấn cao thì được trả lương cao trong bộ máy hành chính. Nhưng điều này có thể không đúng trong nhiều trường hợp ở môi trường kinh doanh, do người ta trả lương theo vị trí việc làm và năng suất lao động.
Một khi sử dụng bằng cấp làm phương tiện đạt đến những mục đích khác ngoài làm giàu giá trị thì khi ấy quan niệm bằng cấp sẽ bị… méo mó. Tùy theo nhu cầu, động cơ, người ta sẽ cố gắng để có bằng cấp sử dụng vào mục đích nào. Điều quan trọng là động cơ ấy đúng đắn hay lệch lạc tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân người sở hữu bằng cấp và cơ quan người sử dụng lao động cũng như quan niệm về bằng cấp trong xã hội.
Trọng bằng cấp thái quá dễ sinh ra những gian dối?
Từ bao giờ bằng cấp trở thành "phương tiện" để đạt mục đích ngoài tri thức đích thực? Có lẽ, đó là khi cá nhân người ta có động cơ thỏa mãn nhu cầu nào đó và đồng thời có điều kiện của bản thân và của môi trường người đó đang sống và làm việc. Một môi trường đào tạo ra bằng cấp trong sạch, không có gian lận kiểu học giả bằng thật. Môi trường sử dụng lao động hiệu quả, minh bạch, đánh giá con người theo năng lực và kết quả công việc ở vị trí việc làm chuẩn xác thì động cơ để có bằng cấp sẽ giảm bớt. Mặt khác, không phải cứ có bằng cấp là đã giàu tri thức, điều quan trọng là văn hóa học hỏi lẫn nhau và không ngừng trau dồi.
Nhiều người "thần thánh hóa" tấm bằng, nên không? (Nguồn: Internet)
Câu hỏi đặt ra, việc quá trọng bằng cấp có phải là nguyên nhân của những gian dối trong đào tạo và tuyển sinh thời gian qua?
Một cô giáo dạy tiểu học từng hỏi tôi có cần đến trình độ tiến sĩ không? Khi tìm hiểu, tôi được biết cô giáo ấy muốn có cái danh để “nổ” với đồng nghiệp và cũng muốn khoác cái “áo choàng” tiến sĩ để hy vọng có cơ hội dạy thêm ở các trường đại học, cao đẳng.
Tôi góp ý với cô rằng, làm nghiên cứu sinh vừa tốn kém lại lắm rủi ro cho việc làm, chắc gì có bằng cấp đã dạy được đại học. Hơn nữa, giảng viên đại học thường được chọn lọc từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất, có năng lực tiềm tàng hoặc lấy những người được đào tạo có trình độ tốt nghiệp xuất sắc từ nước ngoài về. Bởi vậy, việc đánh bóng bản thân bằng tấm bằng là do quan niệm và phông văn hóa của từng người.
Cần thay đổi như thế nào?
Chung quy lại, sính bằng cấp trong xã hội có thể xem như một loại dịch bệnh, lệch lạc về giá trị, nhất là trong bối cảnh có cầu ắt có cung đã làm tha hóa cả một bộ phận người “cầm cân nảy mực” trong việc đo lường, đánh giá giá trị học vấn của người học. Thị trường lao động thiếu người lao động có năng lực để tuyển dụng cùng với tâm lý sính bằng cấp sẽ là những tác nhân gây ra gian dối trong tuyển sinh, đào tạo, đánh giá và bổ nhiệm.
Thực trạng này chắc chắn phải thay đổi vì nó để lại di chứng nặng nề cho xã hội và làm cho người dân mất lòng tin vào hệ thống giáo dục. Do có yếu tố văn hóa chi phối nên câu chuyện này không hy vọng thay đổi trong một sớm một chiều.
Một khi hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chưa hiệu quả, người học chưa thật sự "lao tâm khổ tứ" học hỏi, nghiên cứu nghiêm túc để có trình độ và năng lực thật sự, cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý chất lượng, dễ dãi trong đánh giá thì cơ quan tuyển dụng hoặc nhân sự cần tuyển chọn nhân tài chú trọng nhiều hơn đến phẩm chất và năng lực.
Một chuyên viên hay một lãnh đạo cơ quan hành chính cấp Bộ không nhất thiết phải có bằng cấp tiến sĩ vì bằng cấp ấy chỉ phản ánh chuyên môn của anh ta ở một lĩnh vực chuyên ngành hẹp. Nhưng nếu mỗi người không tự trau dồi kỹ năng, kiến thức sẽ trở thành "gà công nghiệp" trong bối cảnh đổi mới.
Theo tôi, thực trạng này chỉ có thể thay đổi nếu muốn có bằng cấp không hề dễ dãi đi qua các "lò ấp" như hiện nay. Việc này là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của người đứng đầu đơn vị đào tạo và cấp bằng. Cơ quan quản lý một mặt rà soát các quy định đào tạo tiến sĩ, sớm chấn chỉnh các "lò ấp" thậm chí đi đến tạm dừng đào tạo nếu có hiện tượng mua bán bằng cấp, thả lỏng chất lượng đào tạo.
Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đào tạo tiến sĩ triển khai Khung trình độ quốc gia xây dựng chuẩn đầu ra cụ thể kèm theo các giải pháp đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, cũng nên xem xét tư cách, năng lực của một số Giáo sư, Phó Giáo sư hướng dẫn và ngồi chấm trong hội đồng đánh giá nghiên cứu sinh, để không còn “xuê xoa, tình cảm” và dễ dàng cho qua các luận án kém chất lượng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-hoang-ngoc-vinh-bao-gio-het-benh-sinh-bang-cap-102672.html