TS Nguyễn Thị Trúc Mai: Gửi đam mê vào cây sắn

TS Nguyễn Thị Trúc Mai kiểm tra mô hình trồng sắn KM419 tại huyện Sông Hinh. Ảnh: CTV

Trong suốt 10 năm công tác, TS Nguyễn Thị Trúc Mai, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh. Một trong những đóng góp nổi bật của Trúc Mai là đã nghiên cứu chọn tạo giống sắn có năng suất tinh bột cao, biện pháp kỹ thuật thâm canh phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng trồng sắn.

Miệt mài đi về với người dân

Niên vụ sắn 2018-2019, giống KM419 do TS Nguyễn Thị Trúc Mai nghiên cứu lai tạo chiếm 85% diện tích sắn toàn tỉnh. Năng suất bình quân năm 2016 từ 17 tấn/ha đến hơn 23,5 tấn/ha ở năm 2018, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng trồng sắn của tỉnh.

TS Nguyễn Thị Trúc Mai sinh năm 1987 tại xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân. Chị tốt nghiệp ngành Nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chi Minh và về công tác tại Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân trước khi trở thành một chuyên gia về cây sắn.

Chia sẻ về những ngày đầu công tác, TS Mai cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ ngành học này không phù hợp với mình và rất phân vân không biết sẽ gắn bó được bao lâu nhưng sau khi về quê công tác, tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người dân, nhìn họ thật thà, chất phác luôn trăn trở tìm kiếm các giống cây mang lại hiệu quả kinh tế, tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của họ cũng như tìm kiếm các giải pháp để công việc của họ hiệu quả hơn”.

Duyên may trong quá trình học thạc sĩ, Mai gặp được TS Hoàng Kim, chuyên gia hàng đầu về cây sắn tại Việt Nam và được giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ tìm ra giống sắn KM419 từ dòng sắn triển vọng. Từ đó, Trúc Mai dành nhiều thời gian, tâm huyết, nỗ lực nghiên cứu lai tạo và cho ra giống sắn có nhiều ưu điểm vượt trội sau đó được sử dụng rộng rãi trên cả nước.

Nhớ lại thời gian ấy, nữ tiến sĩ không biết mình lấy đâu ra nhiều sức lực đến vậy. Trong hai năm rưỡi, mỗi tuần, Trúc Mai đều sắp xếp vài ngày chạy xe máy từ Đồng Xuân sang huyện Sông Hinh theo dõi mô hình chọn tạo giống sắn, mặc cho nắng đổ lửa hay mưa gió. “Mọi người cứ bảo cây sắn phá đất, trồng nó rồi thì đất trở nên bạc màu, không làm gì được nữa. Vì vậy, tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, giới thiệu các giống sắn mới, giới thiệu cách canh tác hiệu quả và khẳng định rằng cây sắn vốn có khả năng thích ứng và chịu đựng rất tốt trong những điều kiện tự nhiên bất lợi, cứ canh tác theo đúng kỹ thuật là đất sẽ không bị bạc màu”, TS Mai chia sẻ.

Còn nhớ rất rõ những ngày TS Mai về xã Đức Bình Đông chuyển giao giống sắn mới và kỹ thuật canh tác sắn cho bà con, ông Bùi Văn Nhương (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) cho biết, suốt thời gian thực hiện mô hình, TS Mai đi về địa phương liên tục để kiểm tra tình hình phát triển của cây sắn và chuyển giao cho người dân kỹ thuật canh tác. Cô ấy làm việc rất trách nhiệm và nhiệt tình nên ai cũng quý. Riêng gia đình tôi, ban đầu tham gia mô hình với diện tích nhỏ nhưng sau đó thấy hiệu quả nên dùng cả 10ha đất của gia đình và thuê thêm 15ha nữa để canh tác sắn”.

Trong thời gian công tác, Trúc Mai tranh thủ vừa làm, vừa học, lần lượt bảo vệ thạc sĩ, rồi tiến sĩ khoa học cây trồng tại Trường đại học Nông Lâm Huế. Tháng 12/2017, Trúc Mai xin chuyển công tác về làm việc ở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên (thuộc Sở NN-PTNT).

TS Mai thực hiện mô hình trồng sắn KM419 tại huyện Sông Hinh. Ảnh: CTV

TS Mai thực hiện mô hình trồng sắn KM419 tại huyện Sông Hinh. Ảnh: CTV

Giữ vững vị thế cho cây sắn

Theo TS Mai, sắn là cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhưng trước đây người dân canh tác chưa hiệu quả. Từ khi bắt đầu thực hiện đề tài (năm 2014) về cây sắn KM419 và chuyển giao thành công cho người dân, các vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh đã khoát lên mình diện mạo mới.

Nếu như ban đầu TS Mai và nhóm cộng sự khảo nghiệm sản xuất chỉ với quy mô 4ha thì sau 3 năm diện tích canh tác giống sắn KM419 đã lên đến 500-750ha. Năng suất giống sắn mới vượt hơn 6-8 tấn/ha so với giống sắn truyền thống. Bắt đầu từ năm 2015, giống sắn KM419 đã được chuyển giao rộng rãi khắp các vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh. Trong niên vụ sắn 2019-2020, KM419 là giống sắn chủ lực trong cơ cấu bộ giống sắn của Phú Yên, chiếm gần 85% diện tích sản xuất sắn toàn tỉnh. Hiện nay, KM419 là giống sắn thương mại tốt nhất trong bộ giống sắn hiện có của Việt Nam, chiếm 42% diện tích trồng sắn của cả nước.

Để có được một giống sắn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, TS Mai cho biết, ngoài nỗ lực bản thân, cô còn nhận được sự dìu dắt, chỉ bảo của TS Hoàng Kim, người thầy đồng tác giả trong các đề tài về cây sắn và đồng hành cùng Mai nhiều năm liền trong công tác nghiên cứu về cây sắn. Hiểu và rất yêu mến học trò của mình, TS Hoàng Kim cho biết: “Mai có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và năng lực chuyên môn giỏi; lại rất nghị lực và cố gắng vượt lên hoàn cảnh, điều kiện khó khăn để làm công tác nghiên cứu. Mai được thầy cô tín nhiệm, quý trọng và đánh giá tốt. Em là tác giả chính đã chọn tạo được giống sắn KM419 và xây dựng được quy trình canh tác sắn thích hợp tại tỉnh Phú Yên, giúp nông dân canh tác sắn hiệu quả. Hiện, giống sắn KM419 không chỉ chủ lực ở Phú Yên mà còn là giống sắn phổ biến nhất ở Việt Nam”.

Nói về hiệu quả mà công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Trúc Mai mang lại, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết TS Mai đã tìm ra giống sắn phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế. Công trình nghiên cứu của TS Mai mang tính ứng dụng cao, được các huyện miền núi áp dụng rất rộng rãi. TS Trúc Mai đã nhận được nhiều giấy khen của ngành NN-PTNT, được UBND tỉnh tặng bằng khen và trong năm 2019, giải pháp “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn năng suất tinh bột cao và kỹ thuật thâm canh tại tỉnh Phú Yên” của TS Mai đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8 (2018-2019).

Dù đã thực hiện khá nhiều đề tài, dự án liên quan đến cây sắn; đã chọn tạo được giống sắn phù hợp và kỹ thuật canh tác hiệu quả nhưng TS Mai cho biết, công cuộc đi tìm những giống sắn thích nghi với biến đổi khí hậu, có khả năng kháng bệnh vẫn là một nhiệm vụ cấp bách, đầy khó khăn và thử thách. “Thời gian qua, Phú Yên và nhiều tỉnh thành khác bị ảnh hưởng nặng nề vì bệnh khảm lá trên cây sắn, trong đó, giống sắn KM419 cũng bị giảm năng suất rõ rệt. Tôi vẫn đang tiếp tục làm các nghiên cứu chọn tạo để tìm ra giống sắn có khả năng kháng bệnh và thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết bất lợi. Với tôi, làm khoa học tuy vất vả nhưng luôn mang lại niềm hạnh phúc và sự say mê”, TS Mai chia sẻ.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/243264/ts-nguyen-thi-truc-mai--gui-dam-me-vao-cay-san.html