TS. Phan Minh Liêm, người hùng thầm lặng của bệnh nhân ung thư
TS. Phan Minh Liêm là người Việt Nam đầu tiên 4 lần được vinh danh trên bức tường danh dự của Viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Aderson. Ở tuổi ngoài 30, anh có gần 30 công trình nghiên cứu chuyên sâu về ung thư công bố trên nhiều tạp chí uy tín thế giới...
Từ thi chơi thử sức
“Vì sao lại nghiên cứu về ung thư trong khi có nhiều sự lựa chọn khác ở Mỹ?”, đó là câu hỏi nhiều người đặt cho nhà khoa học trẻ - TS. Phan Minh Liêm. Và câu trả lời lại rất bất ngờ.
TS. Phan Minh Liêm kể, nhờ thành tích đoạt giải nhì môn tiếng Pháp trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia anh nhận được học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học. Tại đây, anh bị thu hút bởi các môn khoa học tự nhiênt, đặc biệt là môn sinh học.
Khi thi đại học (năm 2001), nhà khoa học Phan Minh Liêm (sinh năm 1983) đứng trước hai lựa chọn: đại học y để trở thành bác sĩ và ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH KHTN TPHCM để trở thành một nhà nghiên cứu. Anh đã lựa chọn phương án thứ hai.
Tuy nhiên, năm thứ 3 đại học, tình cờ hay tin Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tổ chức kỳ thi giành học bổng đào tạo tiến sĩ tại Mỹ, anh đánh liều đi thi, dù biết đó là học bổng dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Anh kể, lúc đó xác định thi chơi thử sức vì chưa tốt nghiệp, không ngờ lại được chọn và bắt đầu hành trình đến nước Mỹ.
Khi bước chân sang Mỹ (2005), anh cho biết, mình có nhiều lựa chọn, nhưng cuối cùng ngã rẽ là nghiên cứu về ung thư, một ngành nghiên cứu rất khó và vất vả.
Anh kể, ở thời điểm chọn lựa, anh sẵn có một mối quan tâm đặc biệt về căn bệnh ung thư vì nhiều người thân của anh (và sau này là mẹ anh) từng lần lượt mắc phải căn bệnh bị cho là “án tử” này.
“Tôi muốn góp phần giúp người bệnh chiến thắng được căn bệnh này. Khi nghe tôi trình bày, vị giáo sư phỏng vấn khuyên tôi nên tìm đến Trung tâm ung thư MD Anderson, nơi chuyên về điều trị ung thư”. Con đường TS. Phan Minh Liêm đến với ung thư bắt đầu từ đây.
Đến người hùng của bệnh nhân ung thư
Thành quả nổi bật khiến cộng đồng quốc tế ghi nhận của TS. Phan Minh Liêm là việc lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tìm ra protein 14-3-3 sigma có khả năng tiến công hữu hiệu quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào ung thư.
Đồng thời, nghiên cứu tìm ra một cơ chế mới có khả năng đảo ngược quá trình phát sinh ung thư và tiêu diệt ung thư hiệu quả, thắp sáng hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên thế giới.
Nói về thành công này, nhà khoa học trẻ cho biết, khoa học chưa bao giờ là dễ dàng, nếu không muốn nói là có rất nhiều thử thách. Với khoa học nghiên cứu ung thư thì lại càng khó khăn gấp bội vì thất bại luôn chực chờ ở phía trước, cả khi mình tưởng như sắp chạm được vào nó.
TS. Phan Minh Liêm kể, anh và nhóm cộng sự đã mất gần 4 năm cho những giả thiết, dữ liệu có vẻ như đi ngược lại với những nghiên cứu kinh điển đã được thừa nhận trước đó. Trong khi đó, các cơ quan cấp tài trợ cho nhóm không thể chờ lâu hơn, vì họ ngờ rằng nhóm của anh có thể đã đi sai hướng.
Sau rất nhiều bế tắc, mất tới 8 năm, TS. Phan Minh Liêm và các cộng sự mới tìm ra protein 14-3-3 sigma có khả năng tiến công hữu hiệu quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào ung thư mới hoàn thành xong nghiên cứu cơ bản.
Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu cơ bản. Từ nghiên cứu cơ bản này, anh và các cộng sự mới chuyển qua nghiên cứu ứng dụng, nhằm hoàn thiện và khảo sát chuyên sâu mức độ khả thi, độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Anh cho biết, anh và cộng sự cần thêm 8-10 năm nữa để hoàn thành mục tiêu này.
Tuy nhiên, TS. Phan Minh Liêm chưa bao giờ nản chí. Nhờ ý chí và những đóng góp của mình, anh trở thành người Việt đầu tiên được bốn lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện MD Anderson trong thời gian từ 2009 - 2013.
Ngoài ra, mới ở độ tuổi ngoài 30, TS. Phan Minh Liêm đã có 24 công trình nghiên cứu về ung thư, trong đó có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí danh tiếng.
Đặc biệt, mặc dù vang danh trên đất Mỹ, nhưng TS. Phan Minh Liêm vẫn luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong muốn làm được điều gì đó để đẩy lùi căn bệnh ung thư đang trở thành “đại dịch” ở Việt Nam.
Năm 2012, anh góp phần bắc nhịp cầu đưa các giáo sư hàng đầu của Viện MD Anderson giảng dạy về ung thư cho hơn 100 bác sĩ, nhà khoa học và sinh viên Việt Nam. Năm 2013, khóa học này tăng lên 300 học viên, được tổ chức ở Hà Nội và TP HCM, cung cấp nhiều kiến thức và kỹ năng mới cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đào tạo.