TS. Trần Ngọc Cảnh: Luôn đau đáu với sự phát triển của ngành Dầu khí

Là một trong những nhân chứng của ngành Dầu khí Việt Nam từ khi còn sơ khai cho đến thời kỳ cực thịnh, TS. Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nguyên Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN) luôn đau đáu với ngành, với sự nghiệp phát triển chung của ngành Dầu khí và của đất nước.

TS. Trần Ngọc Cảnh

TS. Trần Ngọc Cảnh

Chúng tôi có mặt tại tư gia của TS. Trần Ngọc Cảnh vào một buổi sáng đầu thu xanh mát. Chúng tôi đã được ông kể lại quá trình trưởng thành của bản thân, gắn chặt với sự hình thành, phát triển hết sức mạnh mẽ của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

“Cuối năm 1975, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Bacu, Azerbaijan. Trước đó, tôi cùng anh em bạn bè đồng môn - cũng như người dân Việt Nam và kiều bào trên khắp thế giới - hết sức vui mừng và tự hào vì đất nước đã hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối. Càng tự hào hơn khi tháng 3-1975, thông tin về dòng khí đầu tiên được phát hiện từ mỏ khí Tiền Hải, Thái Bình đã báo hiệu cho một nền công nghiệp dầu khí chuẩn bị thành hình. Trong niềm hân hoan đó, tôi cũng có chút ít tiếc nuối vì nghĩ rằng, “vậy là thế hệ của mình đã quá muộn, đã không kịp trở thành những người xây những viên gạch đầu tiên cho nền công nghiệp Dầu khí Việt Nam” - TS. Trần Ngọc Cảnh bồi hồi nhớ lại.

Tuy nhiên, ông đã không phải quá tiếc nuối. Vì chỉ ít năm sau, ông và các đồng nghiệp ở Liên doanh Vietsovpetro đã được trực tiếp tham gia, xây dựng nền móng vững chắc cho công nghiệp Dầu khí hùng cường sau này.

Trở lại cơ duyên gắn với ngành Dầu khí, ông Cảnh cho biết, ông sinh ra tại một gia đình giàu truyền thống cách mạng (quê gốc ở Nam Đàn, Nghệ An), từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông được chọn đi tu nghiệp ở nước ngoài. Cũng chính từ tầm nhìn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng và Chính phủ, ông Cảnh và nhiều bạn đồng môn đã được cử sang học tại trường đại học dầu khí ở thủ đô Bacu.

Lấy xong tấm bằng kỹ sư, do có thành tích học tập tốt và được thầy cô nước bạn hết sức quý mến, Trần Ngọc Cảnh được giữ lại tiếp tục làm nghiên cứu sinh cho đến năm 1975 thì ông lấy xong bằng tiến sĩ.

Năm 1976 khi về nước, TS. Cảnh được biên chế về Tổng cục Địa chất, được cử xuống công tác tại Thái Bình và Hưng Yên. Ít năm sau ông được cấp trên tin tưởng giao tham gia Liên doanh Vietsovpetro, làm Phó Trưởng phòng Kỹ thuật.

Sau nhiều năm công tác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 1990 ông Cảnh trở lại Hà Nội và được đề bạt làm Trưởng phòng Khoa học - Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Dầu khí, quản lý công tác thăm dò - khai thác, lọc hóa dầu…

Khi có thay đổi về mô hình tổ chức của Tổng cục Dầu khí, tách một số phòng, ban, ông được phân công làm Trưởng phòng Thăm dò - Khai thác (thuộc Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam).

Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Đặng Vũ Minh trao tặng Hội DKVN bức trướng 8 chữ vàng “Đoàn kết - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”

Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Đặng Vũ Minh trao tặng Hội DKVN bức trướng 8 chữ vàng “Đoàn kết - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”

Năm 1993, ông Cảnh được giao làm Ủy viên Ủy ban Quản lý hợp đồng mỏ Đại Hùng.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Từ năm 2003-2006 là Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và từ năm 2006-2009 làm Tổng Giám đốc Petrovietnam.

Trên cương vị nào, TS. Cảnh cũng luôn tận tân, tận lực, tận hiến cho ngành Dầu khí Việt Nam.

2. Từ một cán bộ kỹ thuật bình thường, cho đến khi được đề bạt làm Tổng Giám đốc Petrovietnam - một tập đoàn kinh tế lớn mạnh của Việt Nam - ông Cảnh cho rằng, cuộc đời đã dành cho ông nhiều ưu ái.

“Ngày đầu về nước, tôi được giao làm cán bộ kỹ thuật thuộc Đoàn 36F đóng tại tỉnh Hưng Yên. Tiếp đó tôi được điều chuyển về Công ty Dầu khí 1 đóng tại tỉnh Thái Bình. Ngay vào thời kỳ đó tôi và các đồng nghiệp đã được hưởng những sự ưu ái nhất định của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục.

Bên cạnh sự ưu ái về điều kiện sinh hoạt, các đồng chí lãnh đạo bấy giờ cũng có những chỉ đạo rất đúng đắn, sáng suốt. Ví dụ như thời gian đầu đặt ra mục tiêu chính cho chúng tôi là cần một trung tâm tính toán xử lý tài liệu địa chấn. Chúng tôi cùng với các chuyên gia Nga đã thành lập trung tâm, sau này đã đóng góp rất nhiều cho công tác khai thác - thăm dò.

TS. Trần Ngọc Cảnh: Luôn đau đáu với sự phát triển của ngành Dầu khí

TS. Trần Ngọc Cảnh: Luôn đau đáu với sự phát triển của ngành Dầu khí

Sau đó, một đồng chí lãnh đạo Tổng cục lại nói với tôi, rằng ta đã có Viện Dầu khí rồi, nhưng cần phải có Viện bám sát vào sản xuất. Từ đó chúng tôi đã xây dựng được Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển ở Liên doanh Vietsovpetro. Từ đó chúng ta có thể tự chủ trong việc thăm dò, khai thác. Tất cả những dự án lớn như mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng… không còn phải đem dữ liệu sang Liên Xô để thực hiện các bước nữa. Ta có thể tính toán trữ lượng, lên kế hoạch sơ đồ khai thác, xử lý số liệu phục vụ cho sản xuất… ngay ở Việt Nam”.

Cũng theo TS. Trần Ngọc Cảnh, năm 1986 có hai sự kiện mà ông cho là “bước ngoặt” trong lịch sử của Việt Nam. Đó là sự kiện Liên doanh Vietsovpetro thu được tấn dầu đầu tiên và công cuộc đổi mới của Đảng, Chính phủ mà ngành nông nghiệp được “cởi trói” đầu tiên.

Ngành Dầu khí đã đem lại nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước. Còn ngành nông nghiệp được cởi trói với Khoán 10 đã giúp Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước dư thừa thóc gạo. Công cuộc đổi mới thành công là nhờ “hai trụ đỡ” đó và có thể thấy vai trò của ngành Dầu khí là không hề nhỏ.

“Từ đó về sau, dầu khí tiếp tục là “mỏ vàng” cho đất nước khi mang về không ít ngoại tệ. Thời kỳ năm 1993-1994, Nhà nước cho phép mời gọi đầu tư từ nước ngoài. Ngay từ việc cho đối tác đọc hồ sơ ta đã thu được 200 nghìn USD/lượt. Rồi đến khi mở hồ sơ đấu thầu ta cũng có khoản tiền “bonus” chữ ký (hoa hồng chữ ký). Riêng khoản này cũng rất lớn. Như mỏ Đại Hùng khi mở chào thầu, tiền bonus lên đến 81 triệu USD, mỏ Thanh Long hơn 20 triệu USD. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhất mạnh, số tiền trên đã góp phần vào việc xây dựng thành công đường dây 500 kV Bắc - Nam” - ông Cảnh cho biết.

Còn theo một cán bộ dưới quyền, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Cảnh là một người hết sức quyết liệt. Khi đã có nghị quyết, ông lập tức bắt tay vào hành động, chỉ đạo cấp dưới thực hiện rất quyết liệt. Và không chỉ riêng Tổng Giám đốc Trần Ngọc Cảnh mà các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc ai ai cũng đều cố gắng, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp chung.

Cũng trong giai đoạn năm 1990-2006, ngành Dầu khí có sự lột xác mạnh mẽ khi chuyển đổi mô hình từ Tổng cục Dầu khí sang mô hình Tổng công ty, rồi sang Tập đoàn. Là lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty và Tập đoàn, ông Cảnh và các cộng sự đã có những quyết sách đột phá, táo bạo khi thúc đẩy các dự án chế biến, hóa dầu, sản xuất phân bón… góp phần khép kín dây chuyền hoạt động, chuỗi giá trị của ngành.

Không những khép kín, chuyên môn hóa mà Tập đoàn còn mở ra các tàu xử lý, đội tàu vận chuyển, phát triển dịch vụ bán lẻ xăng dầu, làm đường ống kinh doanh và xử lý khí... dẫn đến sự ra đời của các doanh nghiệp như PVTrans, PVOIL, PV GAS...

Chưa dừng lại ở việc thăm dò khai thác tại Việt Nam, Petrovietnam còn táo bạo “mang chuông đi đánh xứ người”. Nói về thời kỳ này, ông Cảnh nhớ lại: “Những năm đầu đi ra nước ngoài, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, tất cả mọi thứ đều phải báo cáo, nhưng với bạn thì họ lại sử dụng phương thức đấu thầu. Do vậy, lẽ đương nhiên không thể có thời hạn dài cho chúng ta cân nhắc, báo cáo được. Cho nên, việc ngành Dầu khí đầu tư ra nước ngoài đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo Tập đoàn với các bộ, ngành và Chính phủ”.

TS. Trần Ngọc Cảnh: Luôn đau đáu với sự phát triển của ngành Dầu khí

TS. Trần Ngọc Cảnh: Luôn đau đáu với sự phát triển của ngành Dầu khí

Chia sẻ về những kỳ tích đạt được thời điểm ấy, ông Cảnh cho rằng, nguyên nhân chính là ngay từ thời kỳ còn rất non trẻ, Petrovietnam đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, của Bộ Chính trị. Hằng tuần lãnh đạo Tổng công ty (sau là Tập đoàn) phải báo cáo tình hình công việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi có những khó khăn có thể lên gặp trực tiếp để trình bày các kiến nghị, đề xuất. Sau đó sẽ được bàn bạc và có biện pháp tháo gỡ rất kịp thời...

Chia tay chúng tôi, ông Cảnh tâm tình, biết bao thế hệ cha anh đã góp phần xây dựng nên một nền công nghiệp dầu khí lớn mạnh, hùng cường. Bởi vậy, các thế hệ sau cần phải không ngừng học hỏi, sáng tạo, mở rộng thêm các lĩnh vực mới, nắm các công nghệ mới để theo kịp sự phát triển của đất nước, nắm những vận hội mới trong thời đại mới...

Biết bao thế hệ cha anh đã góp phần xây dựng nên một nền công nghiệp dầu khí lớn mạnh, hùng cường. Bởi vậy, các thế hệ sau cần phải không ngừng học hỏi, sáng tạo, mở rộng thêm các lĩnh vực mới, nắm các công nghệ mới để theo kịp sự phát triển của đất nước, nắm những vận hội mới trong thời đại mới...

Minh Tiến

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ts-tran-ngoc-canh-luon-dau-dau-voi-su-phat-trien-cua-nganh-dau-khi-717252.html