TS. Võ Trí Thành: Báo Công Thương là một tờ báo đặc biệt!

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, Báo Công Thương là một tờ báo đặc biệt!

Ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà - thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Nghị định số 08-BKT/VP về tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san. Sau nhiều thời kỳ, nhiều lần đổi tên, ngày nay, Việt Nam Kinh tế tập san có tên Báo Công Thương. Trải qua 79 năm xây dựng và phát triển, Báo Công Thương là một trong những tờ báo có tuổi đời lâu nhất trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, một tờ báo kinh tế lớn của bộ kinh tế đa ngành, quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế đất nước.

TS. Võ Trí Thành đánh giá, Báo Công Thương là một tờ báo rất đặc biệt!

TS. Võ Trí Thành đánh giá, Báo Công Thương là một tờ báo rất đặc biệt!

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống Báo Công Thương, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - một trong những chuyên gia kinh tế đã hợp tác và hỗ trợ thông tin, phân tích chuyên sâu liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã có những chia sẻ với phóng viên Báo.

TS. Võ Trí Thành đánh giá, Báo Công Thương là một tờ báo rất đặc biệt. Theo ông, đặc biệt ở chỗ, Báo gần như đồng hành với cả quá trình cách mạng, sau này là quá trình đổi mới, cải cách gần 40 năm của Việt Nam.

Đặc biệt thứ hai, đây là tờ Báo gắn với một lĩnh vực giữ vai trò rất trọng yếu trong phát triển kinh tế nói riêng và trong phát triển đất nước nói chung. “Điều đặc biệt này không chỉ thể hiện ở câu chuyện nhận thức mà cả về dấu ấn lịch sử trong thư Bác Hồ gửi giới Công Thương; trong đó, Bác nhấn mạnh hai từ “Công Thương”. Hay trước đó, ông cha ta cũng có câu “Phi Công bất phú, phi Thương bất hoạt” đã thể hiện rõ vai trò của ngành” - TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Đặc biệt thứ ba, cũng giống như nhiều tờ báo, ấn phẩm và công cụ truyền thông khác, Báo Công Thương là một tờ báo rất năng động, chấp nhận mạo hiểm, luôn thích nghi, đổi mới sáng tạo để vai trò, ý nghĩa của truyền thông ngày càng tốt hơn, thiết thực hơn.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, dòng chảy báo chí là không ngừng nghỉ, ở vị trí, vai trò của báo chí ngành Công Thương, Báo Công Thương phải làm sao “để ta biết ta tốt hơn, ta biết thế giới tốt hơn”. Nhất là lĩnh vực tuyên truyền của Báo lại là các lĩnh vực liên quan đến mở cửa hội nhập, thương mại và các dòng chảy, nguồn lực khác. Như vậy, “tầm nhìn, định hướng hay câu chuyện của Báo cần có điểm nhấn, điểm tập trung,… thế nhưng lại phải rất rộng do đòi hỏi mới” - vị chuyên gia khuyến nghị.

TS. Võ Trí Thành và các chuyên gia, doanh nghiệp trong buổi tọa đàm trực tuyến của Báo Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng

TS. Võ Trí Thành và các chuyên gia, doanh nghiệp trong buổi tọa đàm trực tuyến của Báo Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng

Bên cạnh đó, Báo cần bắt nhịp với xu thế - đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong giai đoạn Việt Nam cần có những bước ngoặt về điểm tựa, bước ngoặt để phát triển như giai đoạn hiện nay. Ở đây, có nhiều xu hướng mới gắn với ngành Công Thương, nó không chỉ là lĩnh vực Công Thương theo nghĩa truyền thống, nó còn là hệ sinh thái, là kết nối, sự giao thoa của rất nhiều lĩnh vực hoạt động. Là bắt nhịp với các xu thế mới như Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nó không phải chỉ là câu chuyện hoạt động mà nó là câu chuyện con người, là nguồn nhân lực có chất lượng, là tài năng,…

Đặc biệt, “tôi muốn chia sẻ với Báo Công Thương câu chuyện làm sao để toàn diện cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là làm sao thu hút được nhiều tiếng nói, cách nói, giọng nói của nhiều tầng lớp khác nhau để cung cấp cái nhìn tốt nhất, mang tính tích cực” - TS. Võ Trí Thành nói.

Cùng đó, ông cho rằng, Báo cũng cần có cái nhìn khác về đối tượng hay gọi là bạn đọc của Báo. “Bên cạnh những điều chung thì cũng cần có sự phân tầng, phương lượng và đánh giá để làm sao có sự lan tỏa. Hay có thể là những câu chuyện về quản trị, những nhân tố có thể làm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để gắn kết đối tác, thị trường tốt hơn,… để có các góc nhìn, các phân tầng bên cạnh cái chung từ đầu vào là thông tin” - vị chuyên gia phân tích.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ts-vo-tri-thanh-bao-cong-thuong-la-mot-to-bao-dac-biet-349578.html