Từ 1/1/2018, 90 dòng thuế của ASEAN về 0

Trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – cho hay, Từ 1/1/2018, 90 dòng thuế của ASEAN về 0, trong đó có ô tô. Bộ trưởng cũng cho biết: Uber và Grab đã tự giác kê khai thuế.

Từ 1/1/2018, 90 dòng thuế của ASEAN về 0, trong đó có ô tô. Ảnh minh họa/internet

Giảm thuế toàn bộ linh kiện ô tô nhập khẩu

Liên quan đến lộ trình cắt giảm thuế ô tô, xe nhập khẩu sẽ tăng và thất thu ngân sách, vì thế cần có giải pháp để ổn định tâm lý người dân; Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội như sau: Theo lộ trình cam kết thì chúng ta phải cắt giảm thuế quan.

Đến ngày 1/1/2018 thì 90 dòng thuế của ASEAN về 0, trong đó có ô tô. Nhưng đây không phải là thất thu mà giảm thu trực tiếp từ ngân sách về thuế nhập khẩu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – cho biết: Đúng là thực trạng năm 2017 tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam tăng, 6 tháng đầu năm tăng đến 50,4% về lượng và 82,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo năm 2018, nhập khẩu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng, mà theo Hiệp hội ô tô thì tính đến tháng 9/2017 thì tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

“Có phương tiện thông tin đại chúng cũng nêu là người mua, khách hàng của chúng ta đang trông chờ sau 31/12 cắt giảm thì sẽ mua, hiện nay còn đang ở tình trạng như thế”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực trạng trên đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm, kể cả thu ngân sách rất lớn. Trước tình hình đó, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116, quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm thuế xuất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với toàn bộ linh kiện ô tô nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được xuống 0% trong giai đoạn 5 năm, từ 2018 đến 2022 và gắn với điều kiện sản lượng xe phải sản xuất lắp ráp hàng năm.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – cho biết: Mục tiêu của giải pháp này là kích thích sản xuất trong nước và cũng là để triển khai Nghị quyết số 33/2016 của Quốc hội. Qua đó hỗ trợ cho thị trường ô tô trong nước tăng trưởng, duy trì được sản xuất và sức cạnh tranh, qua đó sẽ tăng thu thuế nội địa.

Uber và Grab vừa qua cũng đã làm, đã tự giác kê khai, rồi thanh tra, kiểm tra cũng đã thu thêm. Ảnh minh họa/internet

Uber và Grab vừa qua cũng đã làm, đã tự giác kê khai, rồi thanh tra, kiểm tra cũng đã thu thêm. Ảnh minh họa/internet

Uber và Grab vừa đã tự giác kê khai

Liên quan đến việc thu thuế đối với Uber, Grab, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – cho biết: Luật Quản lý thuế hiện đang được hoàn thiện. Bộ Tài chính cũng đã trình cấp có thẩm quyền. Uber và Grab vừa qua cũng đã làm, đã tự giác kê khai, rồi thanh tra, kiểm tra cũng đã thu thêm.

“Bây giờ còn kinh doanh thương mại điện tử trên Google thì hiện nay cũng đã kê khai và chúng tôi cũng đã tổ chức phối hợp với các cơ quan Bộ Thông tin, Truyền thông, các nhà mạng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tìm ra mỗi một địa phương có rất nhiều địa chỉ kinh doanh trên mạng.

Một số người cũng đã đăng ký mã số thuế. Chúng tôi tiếp tục làm mạnh việc này hơn nhưng về lâu dài thì phải phối hợp được với Bộ Thông tin, Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt; các nhà mạng, thậm chí yêu cầu các tổ chức (kể cả facebook) cũng phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để kê khai nộp thuế thay thì rất khó quản lý, cho nên những việc này phải phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý tốt hơn. Đúng là người ta đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tu-112018-90-dong-thue-cua-asean-ve-0-3906731-v.html