Từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa bão, lũ
Mùa mưa lũ năm 2022 đang đến gần. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, trong công tác phòng, chống mưa, lũ năm nay, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường quản lý rủi ro, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.
Thành phố Lào Cai diễn tập ứng phó bão, lũ và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Viết Vinh
Với đặc thù địa hình dốc, bị chia cắt mạnh nên huyện Bát Xát thường bị thiệt hại mỗi khi có mưa, lũ. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều năm nay, Bát Xát đã chủ động phòng ngừa và có nhiều cách làm sáng tạo trong phòng, chống mưa, lũ để giảm thiểu thiệt hại. Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Công tác phòng, chống thiên tai, mưa, lũ được Bát Xát xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Huyện đã nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý rủi ro, chủ động phòng ngừa phù hợp với thực tế và phát huy hiệu quả. Đơn cử như xây dựng khu nhà tránh trú tại xã Phìn Ngan (địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai) để di chuyển các hộ ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến. Hoặc như huyện đã sử dụng ngân sách địa phương gửi tin nhắn SMS về tình hình thời tiết, cảnh báo nguy cơ mưa lốc, lũ quét, lũ ống đến bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và người dân. Với sự thay đổi về công tác quản lý rủi ro và chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, huyện Bát Xát đã giảm thiểu được thiệt hại do mưa, lũ gây ra trong những năm qua.
Không chỉ Bát Xát, các địa phương khác trong tỉnh cũng chủ động phòng ngừa và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế của từng vùng, từng khu vực, đặc biệt là địa bàn các xã. Ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Phòng ngừa là giải pháp hiệu quả nhất và kinh tế nhất, bởi 1 đồng chi cho phòng ngừa bằng 10 đồng cho việc khắc phục. Vậy nên vấn đề mấu chốt trong công tác phòng, chống thiên tai, mưa, lũ là phải nêu cao tính chủ động phòng ngừa ngay từ cấp xã. Do đó, cũng như những năm trước, năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, đặc biệt là phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Trong đó, lãnh đạo cấp xã phải nắm chắc nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thiên tai; các khu vực có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá lăn; hiểu rõ phong tục, tập quán của người dân để có cách quản lý và phòng ngừa hiệu quả.
Tổ chức diễn tập góp phần chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa bão, lũ. Ảnh: Viết Vinh
Từ đầu tháng 5 đến nay, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 270 người là cán bộ xã, thôn, bản những kỹ năng về quản lý rủi ro, phòng ngừa thiên tai, như cách nhận biết các loại hình thiên tai, phản ứng khi nhận được thông tin cảnh báo, khả năng chống chịu trước các loại thiên tai, cách ứng phó khi thiên tai, mưa, lũ xảy ra...
Để phục vụ công tác quản lý rủi ro và chủ động phòng ngừa, việc đầu tư hệ thống dự báo, cảnh báo sớm được tỉnh Lào Cai quan tâm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 trạm, hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, trong đó 4 trạm khí tượng tại các địa phương có khí hậu đặc thù như thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bảo Yên và thành phố Lào Cai; 5 trạm thủy văn tại thành phố Lào Cai, Ngòi Nhù, Bảo Yên, Vĩnh Yên và Bảo Hà; 3 trạm thời tiết tổng hợp thuộc Văn Bàn, Bát Xát và Bắc Hà; 55 trạm đo mưa chuyên dùng và 8 trạm quan trắc khí tượng tự động. Từ khi lắp đặt, thuê các dịch vụ cảnh báo thiên tai, công tác chỉ đạo được kịp thời, năng lực phòng, chống thiên tai của tỉnh được tăng cường, nhất là trong phòng ngừa, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. “Trong 3 năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác quản lý rủi ro và chủ động phòng ngừa nên thiệt hại do thiên tai, mưa, lũ gây ra trên địa bàn đã giảm mạnh”, ông Quảng Văn Việt khẳng định.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, diễn biến thời tiết năm 2022 rất phức tạp, khó lường, tần suất và lượng mưa lớn hơn so với mọi năm, nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, với việc tăng cường quản lý rủi ro, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hy vọng thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh sẽ giảm tới mức thấp nhất.