Từ cái cúi đầu của Châu Ngọc Quang đến chuyện bầu Đức 'trồng người'
Độc giả sẽ nghĩ gì khi cầu thủ Châu Ngọc Quang ghi bàn xong, cúi đầu chào người hâm mộ HAGL trong tư thế nghiêm trang nhất?
1. Trong ngày CLB HAGL hạ Đà Nẵng 2-1 ở phố Núi, câu chuyện đá 100% cầu thủ nội binh, CĐV SLNA đến sân Pleiku tiếp lửa cho “đám trẻ của bầu Đức”, hay HLV Lê Huỳnh Đức chê HAGL đá không đẹp, tất cả gần như chiếm sóng dư luận. Có một chuyện đẹp đã bị bỏ sót, dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn lao để nhìn về sự giáo dục trong bóng đá.
Phút 78, Châu Ngọc Quang có cú dứt điểm đẹp mắt ấn định chiến thắng 2-1 cho HAGL trước Đà Nẵng. Tiền vệ người Quảng Nam chạy ra đường biên ôm người thầy trong hạnh phúc, sau đó cúi thấp người để chào khán giả trên khán đài - một hành động thay lời cảm ơn người hâm mộ đã đến cổ vũ cho CLB HAGL.
Ở V.League hay nhìn rộng ra bóng đá thế giới, liệu người hâm mộ có bao giờ được thấy một hành động như thế từ một cầu thủ vừa ghi bàn thắng rất quan trọng cho đội nhà?
Cách đây không lâu, Châu Ngọc Quang đã bị chính CĐV HAGL phê phán vì bỏ lỡ 2 cơ hội trong trận hòa 2-2 trước Nam Định. Những nhận xét không hay, thậm chí chê trách Châu Ngọc Quang xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội, kể diễn đàn dành cho người hâm mộ yêu CLB HAGL.
Hành động của Châu Ngọc Quang thực sự ý nghĩa để thấy văn hóa bóng đá ở CLB HAGL là một điều khác biệt. Châu Ngọc Quang trưởng thành từ lớp năng khiếu HAGL chứ không phải Học viện bóng đá HAGL - JMG. Nhưng điểm chung của Quang hay những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… là được giáo dục rất bài bản theo đúng phương châm “tiên học lễ, hậu học bóng đá”.
2. Hình ảnh Châu Ngọc Quang càng ý nghĩa hơn với CLB HAGL khi 1 ngày sau trận đấu với Đà Nẵng thì lứa năng khiếu khóa 5 chính thức tựu trường.
Ở HAGL, bầu Đức làm bóng đá theo một cách bài bản khi có đến 2 lớp đào tạo trẻ gồm: Lứa cầu thủ Học viện và năng khiếu. Nhờ vậy, CLB HAGL mới có những Minh Vương, Châu Ngọc Quang, A Hoàng - những cầu thủ tiêu biểu của lớp năng khiếu chơi ở đội I.
Tại ngày khai giảng khóa 5 năng khiếu, giám đốc điều hành CLB HAGL - ông Nguyễn Tấn Anh nói về phương châm đào tạo cầu thủ của đội bóng phố Núi: “Suốt 20 năm qua, Chủ tịch Câu lạc bộ HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức đã đưa ra tôn chỉ, mục đích xây dựng lối đá đẹp, cống hiến, Fair Play, tất cả vì tương lai bóng đá Việt Nam. Sự giáo dục cầu thủ luôn được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến chuyện học bóng đá…”.
Nhiều phụ huynh đưa con đến lớp năng khiếu HAGL đều nở nụ cười hạnh phúc khi nghe lời phát biểu của ông Nguyễn Tấn Anh. Họ cảm thấy rất vui khi những đứa con không chỉ được học bóng đá mà còn có được sự giáo dục bài bản.
Phụ huynh của 24 mầm non lớp năng khiếu khóa 5 HAGL không chỉ tin tưởng từ lời nói của ông Nguyễn Tấn Anh, phải có bài học thực tế kiểu như cái cúi đầu của Châu Ngọc Quang, hay câu chuyện giáo dục về cầu thủ của bầu Đức lan rộng trong nhiều năm qua.
Bóng đá đòi hỏi thành tích, nhưng giáo dục trong bóng đá có ý nghĩa tách bạch. Một cầu thủ nhí được dạy dỗ, nuôi dưỡng ý thức từ bé đến trưởng thành sẽ tự tạo ra những ý nghĩa lớn lao. Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh không phải ngẫu nhiên mà trả lời bằng tiếng Anh một cách mạch lạc, hay chuyện Châu Ngọc Quang cúi đầu sau bàn thắng cũng thế. Tất cả đều được ăn tập trong một môi trường tử tế, giáo dục bài bản và nhất quán về mục đích “trồng người”.
3. Bầu Đức đã “trồng người” cho CLB HAGL như thế nào? Một mẩu chuyện nhỏ sau đây để độc giả có cái nhìn chính xác hơn về chuyện đào tạo một cầu thủ tử tế và giỏi chuyên môn cho bóng đá.
Hồi tháng 3 năm nay, bầu Đức đến xem đàn em Công Phượng đá vòng loại U19 quốc gia. Bầu Đức xem xong đến nói chuyện trước các cầu thủ: “Bác thấy các con hôm nay đá rất tốt. Nhưng bác muốn dặn rằng: Các con chơi bóng thì cấm đá láo, không tranh cãi trọng tài. Đá bóng phải có văn hóa chuẩn mực…”.
Hôm sau, bầu Đức nhìn thấy các cầu thủ trẻ mang cặp đi học văn hóa về vào buổi trưa, ông tiếp tục gọi họ đến để nói chuyện.
“Mấy đứa nay lớn rồi, chuẩn bị được thi đấu và bác sẽ cho đi nước ngoài để tập huấn như các đàn anh (lứa Công Phượng). Tuy nhiên, các con phải nhớ điều này, đá bóng là không được chơi láo, đá xấu, cãi trọng tài. Bác ghét nhất là điều này nên đừng đứa nào vi phạm nhé”, bầu Đức dạy trong tư thế của một người thầy, người cha chứ không phải ông chủ với các cầu thủ trẻ HAGL.
Vòng đời của các cầu thủ HAGL sẽ trải qua các bước như sau: Quá trình thi tuyển được sàng lọc nghiêm túc trên cả nước, từ vòng sơ loại đến chung kết để chọn ra các em ưu tú nhất. Sau đó, các cầu thủ không chỉ học bóng đá mà còn phải cắp sách đến trường học như các đứa trẻ khác. Bên cạnh đó, các học viên của HAGL còn phải học tiếng Anh vào các buổi tối, cũng như chuyện học Đại học khi bầu Đức mời giảng viên đến dạy ngay tại Học viện bóng đá HAGL - JMG.
Bóng đá ở HAGL không giống như “lò” luyện cầu thủ vì thành tích. Dù chuyện đào tạo để có thành tích, cống hiến cho ĐTQG là mục tiêu quan trọng, nhưng nền móng được xây dựng dưới góc độ giáo dục. Dĩ nhiên, khi bàn đến yếu tố giáo dục thì không chỉ có ý nghĩa riêng trong bóng đá, bởi cuộc đời cầu thủ hay mỗi con người thì giáo dục là một câu chuyện rất quan trọng để làm hành trang cho tương lai.