Tự chữa lành sau khi kết thúc một mối quan hệ

Đời người hợp hay tan là chuyện khó biết trước. Sau khi buông bỏ một mối quan hệ tưởng chừng sẽ bền lâu, đau khổ là lẽ thường. Lúc này, tự xoa dịu nỗi buồn chính là bản lĩnh nên có của người trưởng thành.

 Nên học cách tĩnh tâm để thấy thanh thản hơn khi gặp chuyện không vui. Ảnh: T.H.

Nên học cách tĩnh tâm để thấy thanh thản hơn khi gặp chuyện không vui. Ảnh: T.H.

Có những người không thể nói lời cảm ơn một cách chân thành khi được người khác đối xử tốt đẹp.

Lại có những người cự tuyệt thiện ý của người khác, nhưng trong vô thức điều đó lại khiến họ cảm thấy yên tâm. Lý do là bởi nếu cự tuyệt đối phương trước, họ có thể sống thoải mái mà không phải lo mình sẽ bị đối phương bỏ mặc.

Với những người không tự tin vào bản thân, dù người khác có đối tốt với họ thì việc biết ơn hay cảm thấy hạnh phúc về điều đó vẫn là “nỗi sợ”.

Có thể lúc này đối phương sẽ tốt với mình nhưng ai mà biết được một lúc nào đó, họ sẽ phản bội rồi vứt bỏ mình thì sao? Đó là nỗi bất an khiến họ luôn canh cánh trong lòng.

Khi tưởng tượng ra cú sốc lúc bị người khác bỏ rơi, họ sẽ bắt đầu cảm thấy bản thân thật thảm hại vì đã đón nhận những điều tốt đẹp ấy và họ sẽ không thể nào hạnh phúc được với hiện tại.

Họ luôn lo lắng không biết người yêu mình có đang ngoại tình không, họ theo dõi, nghi ngờ, đọc trộm tin nhắn. Những người này sẽ vừa sợ bị bỏ rơi vừa âm thầm hy vọng rằng người yêu mình là một kẻ xấu xa đang lén lút ngoại tình.

Nếu chẳng may bị người yêu phản bội, khiến mối quan hệ tan vỡ, kiểu người này sẽ lấy cớ rằng: “Do đối phương là kẻ xấu xa” chứ không phải lỗi tại họ không có giá trị để được yêu. Và thế là họ trở thành “người bị hại đáng thương”.

Điều mà những người này sợ hơn cả việc bị người yêu ngoại tình là bị đối phương khẳng định chắc nịch rằng: “Không phải vì anh/em thích người khác mà vì anh/em không thích em/anh nữa.”

Bị người mình thương nói không còn thương mình nữa là một cú sốc không thể chịu đựng được với họ, thế nên bằng mọi cách họ sẽ khiến đối phương trở thành một kẻ xấu xa.

Lo sợ bị bỏ rơi sẽ khiến họ mãi mãi không thể có được một mối quan hệ bền chặt với bất kỳ ai.

Các bạn đừng nghĩ rằng: ngoài kia người ta vẫn bỏ nhau đấy thôi, nên tôi chỉ còn biết lo lắng. Chính vì cứ suốt ngày lo lắng đâu đâu nên bạn sẽ thực sự bị vứt bỏ đấy.

Cũng có những người chẳng hề lo lắng khi bị vứt bỏ, nhưng mối quan hệ của họ với người yêu vẫn tan tành. Đó là điều có thể xảy ra với bất cứ ai.

Dù có lo lắng đến đâu, bạn cũng không thể nào hoàn toàn tránh được điều đó. Bạn cần phải nhận ra rằng: Dù có lo lắng hay không thì việc gì phải đến cũng sẽ đến.

Ngược lại, nếu bạn quẳng nỗi lo ấy đi, khả năng bạn bị người khác ghét bỏ sẽ giảm đi đáng kể. Những người cứ canh cánh trong lòng nỗi sợ, là vì sợ nên mới bị ghét hay vì bị ghét nên mới sợ, luôn sống trong mớ bòng bong hỗn độn ấy.

Những người từng bị người khác cự tuyệt hãy thử tưởng tượng rằng: Nếu bạn bị mọi người trên đời làm ngơ, điều đó có phải rất đáng sợ không?

Nếu bạn không muốn bị đối phương cự tuyệt, dĩ nhiên bạn cũng không được cự tuyệt đối phương. Vì thế, việc chọn người làm bạn rất quan trọng. Bạn không cần phải làm những việc vô lý như hạ thấp bản thân và chịu tổn thương chỉ để kết giao với người khác.

Không ai có thể cô độc sống một mình. Việc có ai đó ở bên, cùng bạn gánh vác một phần cuộc sống quả là rất đáng trân trọng. Đôi khi bạn và những người bạn yêu thương có thể xảy ra xung đột, cãi vã, nhưng nếu xét một cách tổng thể, việc có những người bạn để kết giao chắc chắn là một điều tích cực đối với chính bạn.

Bạn cần nhận thức được rằng bạn kết giao với ai đó vì bạn cần họ và hãy trân trọng điều đó.

Masahiro Takata/ Best Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-chua-lanh-sau-khi-ket-thuc-mot-moi-quan-he-post1501926.html