Từ điều tra của Báo Người Lao Động: Chủ tịch Thừa Thiên - Huế chỉ đạo 'nóng' xử xe quá tải
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo lắp camera, thu hồi giấy phép khai thác, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý xe quá khổ, quá tải
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe tại địa phương này.
Tước giấy phép khai thác nếu có xe quá tải
Theo đó, đối với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Thọ yêu cầu lực lượng này chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng. Trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng công an, GTVT, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu. Đồng thời chỉ đạo công an cấp huyện phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, chế tài, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quá khổ, quá tải trọng nhằm chấn chỉnh, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải.
Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì, làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh triển khai lắp đặt các camera giám sát giao thông tại một số điểm, trục giao thông trọng điểm nhằm quản lý, giám sát, chia sẻ dữ liệu về tình trạng xe chở hàng quá tải, quá khổ, chở hàng để rơi vãi, xe đi vào giờ cấm... bảo đảm điều kiện để lực lượng chức năng xử lý, xử phạt.
Ông Thọ đồng ý trước mắt ưu tiên lắp đặt tại 4 điểm giao lộ trên trục đường Tự Đức - Thuận An đoạn qua TP Huế; ngã ba Tỉnh lộ 7 (đường Dạ Lê) - Quốc lộ 1 ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; ngã ba Tỉnh lộ 15 - Nguyễn Tất Thành (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy); ngã ba đường 2 Tháng 9 - Nguyễn Tất Thành (phường Phú Bài); ngã ba Nguyễn Tất Thành (Quốc lộ 1A) - KCN Phú Bài. Đây là những địa điểm, tuyến đường mà Báo Người Lao Động có loạt bài điều tra về xe tải tự đổ (xe ben) chở vật liệu rời cơi nới thùng hàng, có dấu hiệu chở quá tải hoành hành tại địa phương này.
Ngoài ra, lực lượng công an cũng được yêu cầu phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xử lý hoặc tham mưu xử lý đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác mỏ vật liệu đối với các đơn vị có nhiều xe vi phạm, tái phạm.
Văn bản cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát công trình thực hiện ký thỏa thuận, cam kết không tiếp nhận hàng hóa, vật liệu vào san lấp, xây dựng công trình đối với các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm, tái phạm. Báo cáo định kỳ vào ngày 15 của tháng cuối hằng quý.
Bước đầu xác định có vi phạm
Trước đó, vào ngày 11 và 12-3, Báo Người Lao Động đăng tải loạt bài điều tra "Xe quá tải ung dung vượt chốt" phản ánh tình trạng xe tải tự đổ (xe ben) ở Thừa Thiên - Huế cơi nới thùng hàng, chở vật liệu rời vượt quá chiều cao thùng (vượt be) dẫn đến dấu hiệu chở quá tải, lực lượng CSGT bị "qua mặt".
Vào ngày 17-3, thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có công văn phản hồi gửi Báo Người Lao Động. Theo thượng tá Tuấn, có 2 đơn vị liên quan trong loạt bài điều tra nói trên, gồm Phòng CSGT và CSGT Công an thị xã Hương Thủy.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ, xác định cán bộ, chiến sĩ trong phóng sự của Báo Người Lao Động, yêu cầu tạm dừng thực hiện nhiệm vụ để giải trình cụ thể. Đồng thời tổ chức thu thập tài liệu, làm việc với các tài xế được báo phản ánh để ghi nhận lời khai, xác định có vi phạm hay không.
"Bước đầu đã phát hiện một số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ có dấu hiệu vi phạm quy trình trong hoạt động tuần tra kiểm soát. Căn cứ vào các nội dung được làm rõ, các quy định của ngành và của đơn vị, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định, tuyệt đối không bao che. Kết quả xử lý đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm, chúng tôi sẽ thông báo sớm đến Báo Người Lao Động" - công văn nêu. Hiện vụ việc đang được Hội đồng Kỷ luật Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận.