Từ đường dây bán dâm nghìn đô, quản lý mại dâm vẫn ở tình trạng 'đèn vàng'
Từ vụ mua bán dâm gồm các hoa hậu, người mẫu, MC nổi tiếng 'đi khách' với giá từ 7.000 - 25.000 USD/đêm vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý mại dâm ở Việt Nam vẫn ở tình trạng... 'đèn vàng'.
Trước thông tin nhiều á hậu, người mẫu khác đang bị cơ quan công an triệu tập lấy lời khai trong đường dây bán dâm nghìn USD, Luật gia Đặng Văn Thành, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay: Điều này không quá ngạc nhiên bởi hoạt động mại dâm tại Việt Nam, pháp luật “vừa không cấm, vừa không cho phép”.
“Nếu cấm hoạt động mại dâm thì phải được quy định trong Bộ luật hình sự. Bởi vì nguyên tắc bất biến chỉ coi một hành vi là tội phạm nếu được quy định trong Bộ luật này. Trong trường hợp nếu thừa nhận hợp pháp, Việt Nam phải có quy định về cấp phép, quản lý, thu thuế..., tức là các điều kiện kinh doanh. Quản lý mại dâm ở Việt Nam đang ở trạng thái "đèn vàng", ông Thành ví von.
Liên quan tới thắc mắc việc những cô gái bán dâm bị bắt quả tang thì bị xử phạt hành chính tức là đã vi phạm pháp luật Việt Nam, ông Thành nhấn mạnh: Họ không phải tội phạm. Bộ luật hình sự chỉ xử lý với hành vi tổ chức, chứa mại dâm là “tú ông, tú bà” và hành vi môi giới (cò mồi). Trong trường hợp nếu các cô chân dài, người đẹp... kiêm luôn nghề môi giới mà cơ quan điều tra chứng minh được có hưởng tỷ lệ hoa hồng thì sẽ bị phạt tù và phạt tiền (xử lý hình sự và hành chính).
Đồng tình ý kiến này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, đa phần đều có quan điểm: Người bán dâm không phải là tội phạm, không phải là đối tượng gây ra hành vi nguy hiểm trong xã hội nên không bị quy định trong Bộ luật hình sự. Tại một số nước tiên tiến, họ còn coi mại dâm là một nghề hoạt động cởi mở, công khai. Còn Việt Nam hiện nay, chưa thể phi hình sự hóa hoàn toàn, phát triển nghề mại dâm bởi còn liên quan đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, các vấn đề liên quan đến luật giáo dục nghề nghiệp, mô hình thành lập nghề nếu công nhận cũng rất phức tạp.
Theo ông Thơm, nếu mức xử phạt hành chính hiện còn quá nhẹ, phải điều chỉnh tăng để nâng cao tính răng đe, giáo dục thì cũng không giải quyết được tận gốc của vấn đề, tệ nạn mại dâm. Theo quy định, người bán dâm bị xử phạt hành chính tại Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể là bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm; phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
“Không thể đánh đồng với các cô hoa hậu chân dài có giá 'đi khách' từ vài nghìn đến vài chục nghìn đô với nhiều cô gái "buôn phấn, bán hoa" đứng hè đường", ông Thơm nói.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, có khoảng 75.000 người là nữ giới.
“Đa phần gái bán hoa đứng đường không có tiền nên có những trường hợp, công an bắt phạt tiền, họ cũng chẳng có đồng nào, trong khi theo quy định, công an không được phép giữ người. Thế nên có tình trạng, lực lượng chức năng thỉnh thoảng mở các đợt truy quét cao điểm, bắt, đưa đi trại cải tạo phục hồi nhân phẩm thì cũng lại phải thả; truy quét, xua đuổi họ tại địa điểm này thì họ lại chạy sang địa bàn khác”, Luật sư Thơm nói.
Đại diện Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cũng cho rằng: Xu hướng cùng với thế giới sau này, khi điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam phát triển thì cũng có thể tiến tới sẽ coi mại dâm là một nghề đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới đã công nhận mại dâm là một nghề, ví dụ ở New Zealand đã có luật bảo vệ nghề mại dâm. Nếu Việt Nam đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, tình trạng hoạt động mại dâm sẽ không bùng phát trên diện rộng. Quản lý chặt chẽ giúp giảm những hậu quả tiêu cực tới xã hội.