Từ Giấy: Nhà báo tài năng, nhà dinh dưỡng học xuất sắc
GS Từ Giấy, một con người toàn tài. Rất khó nói chính xác ông là ai, vì vậy chỉ có thể viết về ông một cách tản mạn, và chắc tản mạn mới là phương thức để phác họa con người ông.
Ông là con nhà nghèo, sinh ra ở làng quê Thường Tín, Phủ Hà Đông xưa. Thời thơ ấu ông có tên là Ráy, hay Giáy như cách đọc ở vùng quê Bắc, tôi đoán rằng các cụ thân sinh chỉ giám coi ông đơn giản như củ ráy làng quê. Thế mà thi đâu ông đỗ đấy: xong thủ khoa Quốc Văn Phủ Hà Đông năm 1936, Tú tài toàn phần tại trường Bưởi, ông chọn thi và đỗ vào Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine) vào năm 1942 tại Hà Nội, một đại học khó nhất thời đó và có lẽ cả bây giờ. Ông ở trọ trên gác xép nhỏ phố Hàng Nón, làm gia sư kiếm sống ăn học. Chàng sinh viên Y khoa giỏi, không kịp tốt nghiệp Trường Thuốc của Pháp thời các GS Pháp, Việt làm hiệu trưởng như Galliard, Huard và Hồ Đắc Di (1935-1945), song khi Cách mạng về đã được gọi là ông đốc tờ trẻ.
Như bao thanh niên trí thức khác, ông theo Việt Minh từ 1944. Sau Cách mạng, năm 1945, ông Nam Tiến, cứu thương tại Trạm quân y Tiền phương Bình Định, Phú Yên. Nhưng rồi như định mệnh, ông trở lại Hà Nội làm báo Vui sống năm 1946.
Vui sống năm 1946 của Từ Giấy có thể coi là một “Khoa” của một Đại học Y, đấy có thể là Khoa Vệ sinh phòng bệnh, Khoa về Y học thường thức, Khoa Dinh dưỡng học phổ thông và rộng hơn là Khoa về cách sống khoa học thủa người Việt ta mới vừa thoát ra từ đói nghèo, hủ tục, lạc hậu và bắt đầu chập choạng bước vào cách sống văn minh. Thầy dạy trong các Khoa ấy là ai? Trước hết là ông Lang Khoai (Từ Giấy), ông Lang của đồng ruộng, của củ Khoai, hạt gạo. Một ông Lang ta vừa được tiếp cận với một nền y học Tây Phương tiên tiến nhất thời đó. Nhưng không phải chỉ có thế, với tài vận động, bên ông có cả một đội ngũ trí thức Việt xuất sắc nhất lúc đó: Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trương Công Quyền, Nguyễn Ngọc Doãn, Vũ Văn Cẩn, Vũ Công Hòe, Vũ Công Thuyết, Trần Hữu Tước, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Trinh Cơ, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Đỗ Tất Lợi... những tên tuổi lớn trong ngành Y - Dược Việt Nam và thế giới cho tới tận hôm nay. Các vị đó viết cho Vui sống thì cũng chính là đọc các bài giảng về y học giản đơn nhất, và viết rất bình dị: “Chải và xỉa răng” (Nghiêm Mỹ), “Dưa chua” (Trương Công Quyền), “Con ruồi” (Phạm Khuê), “Không quá kiêng khem sau khi đẻ” (Đặng Văn Chung), “Vui tai ngày Xuân” (Trần Hữu Tước) và hàng trăm bài như thế. Họ truyền bá vệ sinh, phổ biến các phương pháp phòng ngừa bệnh tật, trước hết là các bệnh sốt rét, bệnh nhiễm khuẩn như tả, lỵ, đau mắt hột... thường gặp ở vùng nông thôn thời đó. Đồng bào, chiến sĩ vào những năm 47, 48 thế kỷ trước sẽ không hiểu gì nếu GS Trần Hữu Tước đọc một bài giảng về Tai – Mũi - Họng, nhưng đọc “Vui tai ngày Xuân”, người vừa thoát nạn mù chữ cười vui và sẽ không ngoáy tai bằng cọng tre nữa. Viết mộc mạc là cách tuyên truyền sống khoa học của Vui sống. Không chỉ thế, Vui sống còn có các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ như Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Vũ Bằng, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Trần Duy, Lê Thanh Đức... Họ vẽ, họ làm thơ, làm nhạc cho báo vui hơn, sống động hơn. Chính vì vậy sức lan tỏa của Vui sống thời đó rất lớn: mỗi số xuất bản 2-3 vạn bản, vượt xa các báo khác thời bấy giờ. Ông phải xây cả một xưởng giấy ở Ao Châu, Phú Thọ để in báo. Rồi Vui sống Nam Bộ, Vui sống Khu Năm lần lượt ra đời. Vui sống thời đầu kháng chiến chống Pháp đã đóng vai trò như một Đại học Y tế Cộng đồng với hàng chục các thầy và bạn học của ông - người “Chủ bút” kiêm “Hiệu trưởng”, giảng viên, biên tập, in ấn, trình bày... Ở ông, nhà báo Vui sống và thầy thuốc như hòa vào một. Ở bệnh viện ông có thể chữa bệnh cho nghìn người còn ở Vui sống ông chữa bệnh cho cả triệu đồng bào, chiến sĩ hồi đầu kháng chiến. Vào nửa cuối năm 1946, khi các tướng Pháp Jean Étienne Valluy và Philippe Leclerc đang gây hấn ở Hải Phòng, ông vẫn vận động tổ chức cuộc thi “Trẻ em Khỏe và Đẹp” tại Thủ đô. Quyền Chủ tịch nước khi ấy đã đến tận Ấu trĩ Viên Hà Nội trao quà thưởng.
Tôi đã “phát hiện” ra ông Từ Giấy như thế
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), thời Vui sống đi qua, rồi cuộc kháng chiến tiếp theo lại bắt đầu và cũng đã giành thắng lợi (1975). Ông làm bữa ăn cho quân đội trong chiến tranh chống Mỹ. Những cụm từ thời chiến tranh còn lưu đến giờ như "gạo 4 túi", "Rau rừng", "Trạm chế biến ở chiến trường", "Lương khô N70, N71" một thời quen thuộc hàng ngày với cuộc sống của hàng vạn giao liên và bộ đội Trường Sơn và mãi gắn với tên tuổi của ông. Trong “Rau rừng”, ông chỉ ra hàng trăm loại rau củ mọc hoang tạm nuôi sống được con người và tôi đoán, chắc có cả “củ Ráy” một vị thuốc Nam quí. Với việc sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ông làm bữa ăn cho toàn dân. Những năm khó khăn thời bao cấp, đất nước bị bao vây cấm vận, ông mang về cho các bà mẹ có thai, các mẹ đang cho con bú và trẻ em suy dinh dưỡng một số lượng lương thực - thực phẩm trị giá tới 24 triệu USD (Chương trình PAM 2651). Ông sớm đưa vào và phát triển tháp dinh dưỡng (do người Thụy Điển đề xuất lần đầu năm 1974) cho người Việt, làm cho bữa ăn bổ và hợp lý hơn. Ông nhận ra và nâng tập quán canh tác của làng quê Việt thành một hệ sinh thái Vườn – Ao - Chuồng (VAC). VAC chính là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, một hệ sinh thái tuần hoàn ít chất thải, ít dùng năng lượng mà ngày nay đang phát triển trên toàn cầu. Thời bần hàn, ông nhấn lời các cụ: “tương cà là gia bản”, câu nói tưởng mộc mạc nhưng rất đúng: tương có rất nhiều chất đạm gần như thịt, còn cà cho dù vô bổ nhưng nó đưa được bát cơm dù là nguội vào miệng. Sinh ra từ làng quê nên Lang Khoai hiểu điều đó sâu sắc nhất. Thời bao cấp, thiếu gạo, ông lại nói “ngô bổ hơn gạo”. Lại đúng: ngô giầu chất đạm, nhiều vitamin và chất khoáng hơn gạo, chỉ thua gạo một chút chất bột. Ông Giấy coi ngô bổ cũng như ông Khơrutsov Bí thư Liên Xô năm 1959 sang Mỹ để học kinh nghiệm trồng ngô.
Đến đây tôi lại phát hiện thêm về ông Từ Giấy
Ông là nhà quân sự, một vị đại tá, một lãnh đạo Cục Quân nhu, ông là nhà khoa học dinh dưỡng, lo bữa ăn cho chiến sĩ và đồng bào, ông là nhà quản lý và thiết kế bữa ăn cho người Việt: Viện trưởng đầu tiên của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhà giáo Chủ nhiệm các Khoa hay Bộ môn ở Đại học Y Hà Nội, Học Viện Quân Y 103... Có rất nhiều thứ trong người ông, nhưng chúng không rời rạc mà có một sự liên kết rất hữu cơ: Ông là người suốt đời nghĩ và làm công tác vệ sinh phòng bệnh và bữa ăn cho đồng bào và chiến sĩ trong suốt cuộc đời từ thời trẻ cho tới khi qua đời.
Cả nước ta và thế giới đều biết như vậy khi phong tặng ông huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động (Việt Nam) và "Huyền thoại sống của ngành Dinh dưỡng thế giới" (thế giới).
Đời thường, đôi khi ông xướng vài câu trong bài “Về miền Trung” của Phạm Duy. Lúc xa nhà, nơi chiến trường ông nhận ra sự phũ phàng của “những nếp nhăn tàn phá” trên gương mặt những người đàn bà đợi chờ trong thư gửi vợ. Ông hướng ba con trai vào binh nghiệp, họ đều thành đạt: có quân hàm cao hơn ông, là Anh hùng như ông và chuyên gia dinh dưỡng như ông... Hồi trẻ nhiệt huyết, đầu 1947, khi chiến tranh bùng nổ ở Hà Nội, ông dũng cảm đưa toàn thể đại gia đình đông tới vài chục người, cả các trẻ nhỏ hai ba tuổi lên rừng Việt Bắc. Với con cháu, ông vui đùa mô tả quy luật tuy khắc nghiệt của cuộc đời qua biến cảnh từ bầy con trẻ đến từng cặp đôi rồi lủi thủi một mình cho đến lúc chỉ còn “hồn ở đâu bây giờ”. Ông cũng biết những bi kịch luôn ẩn hiện trong cuộc đời thật chẳng trừ gia đình ai. Trong nghề ông muốn “phổ biến” cách ăn cho người Việt, điều đó có lẽ rất thành công cho một đại đội, một tiểu đoàn, cho các nhà trẻ hoặc bữa cơm giữa ca cho công nhân khi họ sống trong một đội hình. Dinh dưỡng sẽ tốt hơn, bữa ăn sẽ tốt hơn nếu chúng ta có Bộ Dinh Dưỡng và người xứng đáng nhất làm Bộ trưởng Bộ ấy là GS Từ Giấy.
Người đời dựng nhiều tượng ông, ông có tên trên phố. Nhưng giá trị của ông không chỉ ở chỗ đó mà bằng những thứ mà ông đã làm cho chiến sĩ lúc gian nan nhất của đất nước và các di sản về khoa học dinh dưỡng ông để lại. Bây giờ, có lẽ nên để ông lên cõi Niết Bàn, ông xứng đáng được hưởng cái đó. Dù ở cõi đó, nhiều thế hệ chúng ta đang và sẽ vẫn nhớ về ông như người có công lo bữa ăn cho chúng ta, cái cần nhất cho sự sống.