Tử Hải thư - những văn bản bí ẩn nằm 1.800 năm ở Biển Chết

981 cuộn giấy nằm trong hang suốt 1.800 năm. Từ khi Tử Hải thư được khám phá năm 1947, tới nay, các chuyên gia, nhà khảo cổ học vẫn chưa biết ai là chủ nhân của chúng.

Câu chuyện về Tử Hải thư - những cuộn giấy Biển Chết - bắt đầu từ câu chuyện năm 1947, tại vùng duyên hải tây bắc Biển Chết (Israel), cậu bé du mục tên Edh-Dhib đi tìm con dê bị lạc. Đến trước cửa hang, chú ném đá vào trong và nghe thấy tiếng vỡ. Chú phát hiện trong hang có hũ đất sét chứa các cuộn giấy.

Mang những cuộn giấy này về, dù nhiều người trong làng nói chúng không có giá trị, chú vẫn mang bán cho người buôn đồ cổ.

Sau đó, những cuộn giấy được John Trever - một học giả Mỹ - chú ý. Năm 1949, một cuộc tìm kiếm cổ vật quy mô được thực hiện.

Năm 1953, bản thảo bằng đồng được tìm thấy. Người ta cho rằng đó là bản đồ chỉ đường tới kho báu. Năm 1956, đội khảo cổ đã khai quật 11 hang động và tìm thấy hàng trăm cuộn giấy, bản thảo, theo Những cuốn sách thay đổi lịch sử.

 Một văn bản Tử Hải thư.

Một văn bản Tử Hải thư.

Những cuộn giấy, bản thảo này được gọi là Tử Hải thư (các cuộn giấy Biển Chết). Tử Hải thư đã mở đầu cho một trong những cuộc săn lùng khảo cổ lớn nhất thế kỷ 20. Đến tháng 2/2017, một hang khác được phát hiện nhưng chưa tìm thêm được bản thảo nào.

Tới nay, 981 cuộn giấy đựng trong các hũ gốm của 11 hang động đã được tìm thấy cùng bản thảo là nhiều hiện vật như đồng xu, lọ mực… Trong những tài liệu này, một số ít cuộn giấy còn nguyên vẹn, đầy đủ, còn lại là 25.000 mảnh giấy.

Người ta xác định được những cuộn giấy này có niên đại khoảng năm 250 trước Công nguyên đến năm 68 sau Công nguyên. Các bản thảo này có chất liệu chủ yếu là giấy vellum, số khác là giấy papyrus, da thú, đồng.

Hầu hết bản thảo được viết bằng chữ Hebrew, một số bản được viết bằng tiếng Aram, Hy Lạp. Nội dung những văn bản này hé lộ kiến thức về kinh thánh của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.

 Câu chuyện về Tử Hải thư được kể trong cuốn "Những cuốn sách thay đổi lịch sử".

Câu chuyện về Tử Hải thư được kể trong cuốn "Những cuốn sách thay đổi lịch sử".

Qua tìm hiểu, nghiên cứu nội dung các văn bản, người ta phân những văn bản này thành Bản thảo Đền thờ, Bản thảo Đại Isaiah, Chú giải Habakuk, Bản thảo Chiến tranh.

Thuộc nhóm Bản thảo Đền thờ, văn bản dài nhất được tìm thấy năm 1956. Cuộn giấy này có độ dài 8,15 m, được ghép từ 18 đoạn giấy vellum.

Nội dung văn bản viết về mặc khải Thiên Chúa ban cho Moses, mô tả việc xây một đền thờ ở nơi người Do Thái hạ trại trong chuyến xuất hành.

Bên cạnh phần giữa còn khá hoàn chỉnh, nhiều văn bản bị rách do nhét quá chặt trong hũ. Bằng công nghệ hình ảnh hiện đại, các chuyên gia có thể giải mã chữ viết ở những phần hư hại.

Bản thảo Đại Isaiah gồm đủ 6 chương Sách Isaiah, sách trích từ Kinh Thánh. Đây là cuộn bản thảo được bảo quản tốt, phần rìa chỉ rách nhẹ. Văn bản này có niên đại thế kỷ 2 Trước Công nguyên, và là văn bản Cựu Ước xưa nhất được biết tới.

Chú giải Habakuk kể chuyện tiên tri Habakuk thấy dân Israel gặp nạn ngoại bang, mối nguy từ người La Mã.

Bản thảo Chiến tranh là cẩm nang về chiến tranh, chiến lược quân sự.

Đến nay, các chuyên gia, nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định ai chôn những cuộn giấy này. Có giả thuyết rằng đây là hành động nhằm bảo vệ các tư liệu cùng các tài sản khác trước cuộc xâm chiếm Jerusalem của người La Mã vào khoảng năm 60.

Hiện, Tử Hải thư được cất giữ trong bảo tàng đặc biệt thuộc khuôn viên Bảo tàng Quốc gia Israel.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-hai-thu-nhung-van-ban-bi-an-nam-1800-nam-o-bien-chet-post1072832.html