Từ hành trình về nguồn thăm Chiến khu Rừng Sác, nghĩ về sứ mệnh đảng viên trẻ hôm nay
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các đảng viên cũng như làm theo lời dạy của Bác Hồ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Chi bộ 2 (Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Bình Dương) đã tổ chức hành trình về nguồn thăm lại khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - căn cứ chiến đấu của bộ đội đặc công Trung đoàn 10 suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đặc công Rừng Sác - những chiến công lẫy lừng
Khi bước chân đến mảnh đất linh thiêng này, mỗi đảng viên trong Chi bộ đều cảm thấy tự hào và xúc động về tấm gương quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các đồng chí đặc công Rừng Sác. Nơi đây quy tập khoảng 2 nghìn ngôi mộ liệt sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có hơn 890 mộ của các chiến sỹ thuộc Đoàn 10 đặc công, đến nay còn hơn 500 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt... Tháng 4-1966, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thành lập theo quyết định của Bộ Chỉ huy quân sự Miền Nam tại căn cứ Rừng Sác - huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) với nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông (chủ yếu là sông Lòng Tàu), kiên quyết tiêu diệt và phá hủy thật nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng.
Để tiêu diệt lính đặc công Đoàn 10, quân đội Mỹ Ngụy đã rải xuống rừng Sác hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn khiến cho nơi đây trở nên hoang tàn, cây cối chết đè lên nhau, lục quân của ta hy sinh hết chỉ còn lại đặc công bám trụ tiếp tục chiến đấu. Ngoài chống chọi với mưa bom bão đạn, các chiến sỹ còn phải chiến đấu với nạn đói, có lúc ba năm không nhận được nguồn tiếp tế, gạo hết, anh em phải tìm hái ngọn chà là, rau kềm, đọt ráng, mò cua bắt ốc làm thức ăn; chiến đấu với nạn khát vì nước ở rừng Sác bị nhiễm mặn không thể nào uống được và nguy hiểm hơn nữa là chiến đấu với nạn cá sấu ăn thịt người.
Lực lượng đặc công Đoàn 10 chủ yếu là những cán bộ, chiến sỹ được đào tạo về đặc công nước đánh tàu, đánh cầu, kho tàng, đồn bốt... Với lối đánh tài tình, bất ngờ và táo bạo của đặc công nước, trong suốt 9 năm (1966-1975) ròng rã chịu đựng mọi gian khổ, ác liệt, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã không ngừng xây dựng, chiến đấu để lập nên những chiến công oanh liệt, chia cắt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí của Mỹ chi viện cho chính quyền Ngụy ở Sài Gòn.
Một trong những chiến công oanh liệt, ghi dấu ấn sâu đậm là trận đánh chìm tàu Victoria vào ngày 23-8-1966, trên con tàu này chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967. Tiếp theo, là trận đánh làm nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972. Một tổ chiến đấu thuộc Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã bí mật đột nhập vào kho bom, đặt 16 khối thuốc nổ hẹn giờ. Lúc 2 giờ 55 phút sáng ngày 12-12-1972, tiếng nổ dây chuyền của hàng ngàn quả bom đạn làm rung chuyển mặt đất, kéo dài như sấm liên hồi. Kho bom Thành Tuy Hạ ngập chìm trong biển lửa và phát nổ, cháy suốt 3 ngày đêm với hơn 100 ngàn tấn bom bị phá hủy hoàn toàn.
Tiếp nữa là trận đánh kho xăng nhà Bè, nơi cung ứng 60% nhu cầu xăng dầu quân sự khu vực miền Nam của quân địch. Bằng kỹ thuật điêu luyện, cách phối hợp ăn ý và lòng quả cảm, 8 dũng sỹ của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã vượt qua các chướng ngại vật để thâm nhập đốt cháy kho xăng vào lúc 0 giờ 35 phút sáng ngày 3-12-1973. Đám cháy mù mịt kéo dài suốt 12 ngày đêm. Tổng thiệt hại các tập đoàn dầu khí Mỹ phải hứng chịu sau trận đánh táo bạo này lên tới hơn 20 triệu USD.
Chín năm chiến đấu (1966-1975), Ðoàn 10 đã tham gia đánh 595 trận lớn nhỏ, diệt 6.200 tên địch, đánh chìm, cháy gần 700 tàu, thuyền chiến đấu và vận tải, bắn rơi 29 máy bay. Ðoàn 10 đã có hơn 890 cán bộ, chiến sĩ đặc công hy sinh, đến nay có hơn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
Sứ mệnh đảng viên trẻ hôm nay
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, đảng viên của Chi bộ 2 có thể đã nghe về các chiến công của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nhưng chỉ khi đặt chân lên mảnh đất này, được hòa mình vào màu xanh của cánh rừng ngập mặn, được trực tiếp nghe kể về các trận đánh, về sự hy sinh, mất mát của các anh chiến sỹ đặc công thì mỗi đảng viên mới càng dâng trào niềm xúc động, càng thấu hiểu hết những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh anh dũng và chiến công oanh liệt của Đoàn 10 Anh hùng.
Là thế hệ đảng viên trẻ sinh ra trong thời bình, sống trong những tiện nghi vật chất, chúng ta chưa cảm nhận hết được cái đói, cái khát, cái đau thương của thời chiến tranh; lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng của một số đảng viên có lúc bị phai nhạt, nhưng giây phút các thành viên trong đoàn cùng nhau dâng hương cho các anh hùng liệt sỹ, đặt tay lên những kỷ vật của các anh hẳn trong lòng mỗi người đều trỗi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí bất khuất của những người con đứng dưới lá Cờ Đảng.
Khi phải đối mặt với áp lực công việc, với chăm sóc gia đình, con cái, với những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, có thể giây phút nào đó không ít trong chúng ta cảm thấy nản lòng, mệt mỏi, muốn bỏ cuộc. Nhưng nếu chúng ta không nỗ lực, cố gắng, không cầu tiến thì tập thể, đơn vị và cả mỗi gia đình chắc chắn không thể phát triển được. Bài học từ các anh lính đặc công Rừng Sác còn đó, đối mặt với nạn đói, nạn khát, cá sấu ăn thịt hay với bom đạn giặc Mỹ, các anh vẫn bình tĩnh, giữ vững quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ, sáng tạo ra những giải pháp để vượt qua khó khăn. Chúng ta được sống trong hòa bình, điều kiện vật chất đầy đủ mà trong đó là đẫm những dòng máu đỏ, là cả thanh xuân của biết bao các anh hùng liệt sĩ, thì những khó khăn, những áp lực trong công việc hôm nay có là gì so với bao hy sinh, gian khó của các thế hệ cha anh, và vì vậy, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay phải ra sức nỗ lực tìm ra những giải pháp sáng tạo để vượt lên khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Và, điều quan trọng nhất là mỗi đảng viên cần thay đổi tư duy, không nên đòi hỏi quá nhiều điều kiện thuận lợi cho công việc, tránh những biểu hiện đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan mà không nhận trách nhiệm về mình. Như nhạc sĩ Trần Long Ẩn từng viết “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, trong công việc chuyên môn cũng như các nhiệm vụ khác, mỗi chúng ta cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, phải là “người lính xung kích” trên tất cả các mặt trận để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Thế hệ cha anh của chúng ta đã hy sinh xương máu thịt nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, để hai tiếng Việt Nam vang dội trên toàn thế giới, trở thành đại diện cho chính nghĩa và chiến thắng. Tự hào hai tiếng Việt Nam! Chúng ta tự hào là con dân của một dân tộc có ý chí quật cường, có nền văn hiến mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta tự hào về thành quả của Cách mạng, về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Thế hệ đảng viên trẻ hôm nay sẽ quyết tâm sáng tạo, cống hiến để hai tiếng Việt Nam trở thành biểu tượng của đổi mới và phát triển.