Tự hào Đăk Tô - Tân Cảnh...

k Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) đang đổi thay từng ngày trên đà phát triển. Những người lính năm xưa, những người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khét mùi bom rơi, đạn lạc của 50 năm trước, giờ đây đều ngỡ ngàng và tự hào, về một Đăk Tô - Tân Cảnh khang trang, tươi đẹp.

Chiến thắng vẻ vang và đáng tự hào

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh dù cách đây đã 50 năm mùa Xuân nhưng thế hệ những người lính và nhân dân tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh Xuân - Hè năm 1972 vẫn còn nhắc nhớ về chiến thắng này với một niềm tự hào. Tự hào về truyền thống, tự hào về sự vươn mình của vùng đất đã từng hứng chịu bom rơi, đạn lạc, đói cơm, lạc muối nay đang trỗi dậy đổi thay.

Tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 vào đêm 23/4 do tỉnh Kon Tum tổ chức tại Quảng trường 24/4 của huyện Đăk Tô, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 đã có 10 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Kon Tum, góp phần vào Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022) đã nhấn mạnh: "Ngày ấy, nếu không có sự bao bọc, chở che, hỗ trợ về tinh thần, vật chất của bà con dân tộc tại chỗ thì khó nói về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh".

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 đã có 10 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Kon Tum, góp phần vào Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Cùng hướng về những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã gặp được những cán bộ, chiến sỹ, đội công tác binh vận từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, nay là lớp người cao tuổi, “cây cao bóng cả” ở huyện Đăk Tô, ở thành phố Kon Tum...

Ông Võ Văn Mẹo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của xã Tân Cảnh trò chuyện với phóng viên về sự đổi thay của mảnh đất này

Ôn lại chuyện “một thời hoa lửa xuân - hè 1972”, ông A Tủi, cựu chiến binh thị trấn Đăk Tô; ông Nguyễn Trọng Khiên, từng là lính pháo binh Trung đoàn 40, hiện đang ở số nhà 12, ngách 28, ngõ 463 Đội Cấn, Hà Nội vẫn hừng hực khí thế khi nói đến Đăk Tô - Tân Cảnh với niềm tự hào về ý chí, về tinh thần tiến công cách mạng; đồng thời xúc động khi nhắc đến đồng đội hy sinh anh dũng để góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang và đáng tự hào này.

Ông A Tủi, cựu chiến binh thị trấn Đăk Tô chia sẻ

Tự hào thế hệ cha ông cầm súng để giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị Y Việt Sa, người Rơ Ngao (nhánh dân tộc BaNa) hiện làm việc tại Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết: nhắc nhớ về quá khứ hào hùng, thế hệ con cháu chúng tôi phải có trách nhiệm dựng xây, làm cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Không tự hào, không xúc động sao được khi cách đây tròn 50 năm, với quyết tâm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và khí thế “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, toàn Đảng bộ, quân, dân huyện Đăk Tô và tỉnh Kon Tum đã tập trung cho chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh, trải qua 08 giờ chiến đấu thần tốc, ác liệt và anh dũng, đúng 11 giờ trưa ngày 24/4/1972, lá cờ giải phóng của Tỉnh ủy Kon Tum đã tung bay ở đỉnh trung tâm căn cứ 42 của địch, loan tin chiến thắng.

Ông Nguyễn Trọng Khiên, từng là lính pháo binh Trung đoàn 40 kể về những năm tháng xưa

Có thể nói, chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đi vào lịch sử, có ý nghĩa to lớn góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo bước đà cho đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Viết tiếp những trang sử vẻ vang

Trở về thăm lại Đăk Tô - Tân Cảnh, thăm các cứ điểm một thời, giờ đây đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử Điểm cao 1015 (Charlie) và Điểm cao 1049 (Delta), Trung tướng Nguyễn Quốc Thước không khỏi nghẹn ngào xúc động khi chứng kiến mảnh đất năm xưa nay đã có nhiều đổi khác. Ông chia sẻ: "Rất khó để nhận ra một Đăk Tô - Tân Cảnh của 50 năm trước hoang tàn, đổ nát nay đã vươn mình trỗi dậy, quá tươi mới".

Không chỉ với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, những người lính năm xưa, những người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khét mùi bom rơi, đạn lạc của 50 năm trước, giờ đây đều ngỡ ngàng và tự hào, về một Đăk Tô - Tân Cảnh khang trang, tươi đẹp. Ông Võ Văn Mẹo, đã từng làm trong lực lượng an ninh vũ trang của tỉnh, được phân công về làm công an xã, rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của xã Tân Cảnh từ năm 1989 -1999 cho hay: những đồi núi trọc, những hố bom đạn năm xưa, những thôn làng hoang tàn sau chiến tranh, giờ đã xanh màu của cây trái.

Tự hào về Đăk Tô - Tân Cảnh, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đăk Tô tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh các phòng trào thi đua, lập nên nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Thế hệ trẻ được nghe về chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh

Trải qua 2 năm 2021, 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như nhiều địa phương khác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của huyện tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh, song kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp đà chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 2010) đạt 850 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 151 tỷ đồng, vượt hơn 140%; thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Huyện đã huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Chất lượng giáo dục được nâng lên; an sinh, phúc lợi xã hội, chính sách người có công với cách mạng được quan tâm thường xuyên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thật vinh dự và tự hào, địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016. Các di tích là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: chiến dịch Đăk Tô 01 năm 1967, chiến dịch Đăk Tô 02 năm 1969 và đặc biệt là chiến dịch Xuân - Hè 1972.

Ngày ấy, Đăk Tô nói riêng và Kon Tum nói chung đã trở thành hậu phương vững chắc cho lực lượng chủ lực của ta hoạt động (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh tiền phương đường Trường Sơn); địa điểm lập kho tàng, tích trữ lương thực, tập hợp lực lượng, bảo đảm an toàn cho hành lang chiến lược đường dây 559 thông suốt vào tận Đăk Lăk, Tây Ninh, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho chiến thắng 10/3/1975 tại Tây Nguyên và 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tự hào về Đăk Tô - Tân Cảnh - Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - di tích quốc gia đặc biệt - đây là nơi tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, khơi nguồn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Tô viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và phát triển, góp phần vào xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển hơn.

Bài và ảnh: Đào Nguyên – Ngọc Mẫn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-hao-dak-to--tan-canh-post191392.html