Tự hào nghề giáo
Khác với mọi ngành nghề, ngành giáo dục có tính xã hội rất cao nên ai cũng có thể nói, bàn thảo về giáo dục; yêu cầu của xã hội đối với người làm trong nghề này cũng rất cao.
Người thầy giáo được tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn” bởi việc dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn là định hướng nhân cách, tâm hồn… Sự nghiệp và sứ mệnh của nghề giáo, vì vậy, là vô tận; nó là thứ ánh sáng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bao giờ tắt…
Hai kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục Quảng Nam gần đây, các ứng viên trúng tuyển được lựa chọn trường mà mình mong muốn giảng dạy dựa trên chỉ tiêu của từng trường học, theo thứ tự ưu tiên người nào điểm cao nhất thì được chọn trước. Các giáo viên mới sẽ có 12 tháng tập sự chứ “không như trước đây, khi cầm quyết định trên tay là nghiễm nhiên trở thành giáo viên cho đến khi nghỉ hưu. Sau 12 tháng tập sự, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét năng lực của từng người, nếu ai không đáp ứng thì buộc phải rời bục giảng” – ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết.
Nhằm giúp giáo viên trẻ nắm bắt được chức trách, nhiệm vụ của mình khi bước vào công việc giảng dạy, ông Quốc cũng chia sẻ với các giáo viên mới nhận quyết định bố trí nhiệm sở về những nhiệm vụ của nhà giáo và cho rằng “cần phải nỗ lực nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức nhà giáo, để mỗi khi “bỏ viên phấn xuống thì bản thân cảm thấy hài lòng”. Những đổi mới trong tuyển dụng, bố trí giáo viên như cách mà ngành GD&ĐT Quảng Nam và Đà Nẵng đang thực hiện vừa đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng trong tuyển dụng; giúp chính các ứng viên có một tâm thế thoải mái, tự tin vào khả năng của mình mà xã hội và chính các thầy cô giáo trẻ cũng có những suy nghĩ tốt đẹp hơn về ngành sư phạm: trung thực và công bằng.
Môi trường xã hội có sự tác động mạnh mẽ đến môi trường học đường ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Người thầy, muốn giữ được sự tôn trọng của cả học trò và xã hội, hơn bao giờ hết, phải luôn giữ vững bản lĩnh cũng như lòng tự trọng, tự tôn với nghề nghiệp. Sự nghiệp GD&ĐT chưa bao giờ là dễ dàng; ai cũng có thể tham gia góp ý kiến nhưng không phải ai cũng làm tốt được công việc gian khó này. Ở những vùng núi cao heo hút hay ở hải đảo xa xôi, vẫn có hàng vạn các thầy cô gáo trẻ gắn bó tuổi xuân, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để gắn bó “3 cùng” với đồng bào và HS. Họ còn là thầy thuốc, hướng dẫn đồng bào những phương cách xóa đói giảm nghèo, là người cha người mẹ thứ hai bảo bọc, nuôi dưỡng học sinh để các em không dở dang đường học. Họ tình nguyện là chiếc bản lề, giúp học sinh khép lại phía bóng tối, mở ra phía ánh sáng.
Câu hỏi có lúc nào mong muốn chuyển về xuôi hay không đã được chúng tôi đặt ra với rất nhiều giáo viên đang giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa. Và điều bất ngờ là đều nhận được một câu trả lời, rằng nói không hề nghĩ thì không đúng, những dịp lễ tết thiếu nhi, những mùa khai giảng trôi qua, nhiều lúc họ nghĩ thương con lắm vì cha, mẹ hầu như vắng mặt trong những dịp quan trọng, cũng may là còn có ông bà chăm sóc giúp. Nhưng rồi nghĩ lại, ai cũng mong muốn về xuôi thì việc học của các em ở đây sẽ thế nào, ở đâu thì mình cũng làm công việc của một người giáo viên, xác định thế nên mình yên tâm ở lại. Những đóng góp và hy sinh to lớn của các thế hệ nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng làm nên một nền giáo dục nhân dân.
Trước những tác động cả hai chiều của sự phát triển kinh tế - xã hội, người thầy, muốn giữ được sự tôn trọng của cả học trò và xã hội, hơn bao giờ hết, phải luôn giữ vững bản lĩnh cũng như lòng tự trọng, tự tôn với nghề nghiệp. Để làm một giáo viên tốt thì việc học của người thầy là chưa bao giờ ngừng nghỉ, bởi chỉ cần không trau dồi, không tự cập nhật kiến thức, thông tin thì giáo viên sẽ tụt hậu so với cả học sinh. Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không hề làm suy giảm đi vai trò của người dạy và cũng không có gì thay thế được người thầy. Trong điều kiện học sinh có nhiều nguồn để tham khảo và cập nhật kiến thức, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà còn là người dẫn dắt và truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo cho người học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/tu-hao-nghe-giao-8QtWoSTMg.html