Từ Hội nghị quân sự Trung Giã đến tiếp quản Thủ đô

Trong khi Hội nghị Geneva đi vào giai đoạn cuối cùng, từ ngày 4 đến 27-7-1954, Hội nghị quân sự giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương họp tại Trung Giã, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bàn và đề xuất các vấn đề quân sự do Hội nghị Geneva đặt ra; bàn và quyết định biện pháp thực hiện những vấn đề quân sự mà Hội nghị Geneva đã thỏa thuận, trong đó có chuyển giao Thủ đô Hà Nội theo những nguyên tắc của ta.

Hội nghị Trung Giã - tầm quan trọng trong quá trình thực hiện ngừng bắn

Ngày 4-7-1954, Đoàn đại biểu quân sự của ta do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam làm trưởng đoàn; phía Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương do Đại tá Lennuyeux làm trưởng đoàn. Sau 23 ngày họp bàn căng thẳng, ngày 27-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tại phiên bế mạc, hai bên ra tuyến bố chung về kết quả của hội nghị: Một là, mệnh lệnh ngừng bắn của hai bộ tư lệnh đã được thực hiện ở Bắc Bộ và có điều kiện được thực hiện đúng thời gian ở Trung Bộ và Nam Bộ. Hai là, thảo luận cụ thể cách thi hành những quyết định của Ủy ban quân sự Geneva về vấn đề tù binh.

Hội nghị quân sự Trung Giã đã thu được kết quả tốt, tạo thuận lợi cho việc đình chiến và góp phần vào sự thành công của Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đã nêu quan điểm tập trung giải quyết tốt các vấn đề: Quy chế khu phi quân sự, trao trả tù binh, chuyển quân, tập kết lực lượng của hai bên, chuyển giao tiếp quản các khu vực.

 Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, Hà Nội (chiều 9-10-1954). Ảnh tư liệu

Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, Hà Nội (chiều 9-10-1954). Ảnh tư liệu

Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc tiếp xúc chính thức giữa Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, thể hiện mong muốn của hai bên là chấm dứt chiến tranh và đàm phán tìm giải pháp chấp nhận được cho cả Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Pháp. Hội nghị đã giải quyết các vấn đề cấp bách của giải pháp ngừng bắn trong cuộc chiến tranh mà lực lượng hai bên ở trong trạng thái xen kẽ, cài răng lược; đồng thời cải thiện chế độ sinh hoạt cho tù binh trong khi chờ trao trả. Việc ngừng bắn và trao trả tù binh được thực hiện đúng thời hạn và triệt để như các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia quy định.

Sau khi Hội nghị quân sự Trung Giã kết thúc, ngày 28 và 29-7-1954, Ủy ban Liên hợp đình chiến chuyển về họp ở xã Phù Lỗ, huyện Đa Phúc để triển khai bước một nội dung của Hội nghị Trung Giã, Pháp rút quân khỏi miền Bắc và việc tiếp quản Thủ đô khi thực dân Pháp rút đi. Trung tuần tháng 9-1954, Hội nghị Ủy ban Liên hợp đình chiến ở Phù Lỗ bàn đến việc chuyển giao Hà Nội. Đoàn đại biểu của ta yêu cầu phía Pháp phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva, rút quân khỏi Hà Nội đúng thời hạn, chuyển giao từng khu vực cho ta trước khi rút, tránh việc gián đoạn về hành chính ở những khu vực của Pháp rút đi, ngăn ngừa việc phá hoại tài sản công cộng, cướp bóc, cưỡng bức nhân dân di cư vào Nam. Quân đội Pháp phải bảo đảm tuyệt đối an toàn khi quân ta vào tiếp quản thành phố, phải tháo gỡ hết mìn trước khi rút. Ngay trong phiên họp đầu tiên, phái đoàn ta đã đưa ra kế hoạch chuyển giao thành phố và tổ chức các đội hành chính trật tự vào trước để chuẩn bị tiếp thu.

Trong những phiên họp từ ngày 17 đến 25-9-1954, ta và Pháp đã thảo luận những vấn đề cụ thể về ngày và thể thức Pháp rút quân, chuyển giao cho ta từng khu vực ở Hà Nội; về số lượng, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động của đội hành chính trật tự vào trước; thể thức bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng. Phía Pháp đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện như: Pháp bắt đầu rút khỏi chu vi Hà Nội từ ngày 30-9 (tức là trước 10 ngày) về đến sát đường Đê La Thành; 3 ngày sau rút đến ranh giới giữa nội thành và ngoại thành ở phía trong đường Đê La Thành; 3 ngày sau nữa rút hết khỏi nội thành, 3 ngày cuối cùng rút hết khỏi Gia Lâm, nhưng Pháp chỉ chấp nhận bắt đầu rút quân trước 5 ngày và không công bố ngay lịch rút quân, âm mưu của Pháp là định dồn ta vào thế bị động.

Về đội hành chính trật tự vào trước, Pháp cũng tìm mọi cách hạn chế thời gian, hạn chế số lượng của đội và phạm vi hoạt động của đội. Tuy nhiên, ta đã cho công bố một danh sách công sở, công trình công cộng do Đảng ủy tiếp quản tiến hành điều tra và cung cấp, lấy đó làm căn cứ để tính số lượng cán bộ, nhân viên của đội hành chính trật tự vào trước và phía Pháp buộc phải chấp nhận. Việc canh gác chung những nơi quan trọng cũng là một vấn đề thảo luận kéo dài, lúc đầu Pháp cho là không cần thiết, cuối cùng mới chịu thỏa thuận. Âm mưu của Pháp trước sau vẫn là gây khó khăn cho công việc tiếp quản của ta hòng gây tình trạng rối loạn khi Pháp rút. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, thực dân Pháp đã phải chấp nhận rút quân khỏi Hà Nội đúng thời hạn quy định và chuyển giao thành phố theo những nguyên tắc của ta.

Niềm tự hào của quân dân Thủ đô

Hà Nội được giải phóng là sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô và cả nước. Đây là thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng, của 8 năm trường kỳ chiến đấu gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước kẻ thù. Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30-9-1954.

Từ ngày 2-10-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tổ chức các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản. Những năm tháng chiến tranh đã gây bao đau thương, mất mát cho Hà Nội nên việc thu nhận thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố. Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội giữ vững trật tự, an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đề ra, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Tiếp quản quận lỵ Văn Điển, Hà Nội, ngày 6-10-1954. Ảnh tư liệu

Tiếp quản quận lỵ Văn Điển, Hà Nội, ngày 6-10-1954. Ảnh tư liệu

Theo các nội dung đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ, từ ngày 2 đến 5-10-1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Ngày 8-10, phía ta đã hoàn thành việc ký kết nhận bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nhận bàn giao những vị trí quân sự. Chiều cùng ngày, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Sáng 9-10, bộ đội ta từ Đê La Thành chia làm hai mũi tiến vào tổ chức tiếp quản các khu vực quân sự, như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội...

Ở ngoại thành, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6-10. Sáng 9-10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long. 16 giờ ngày 9-10, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội. Đến 16 giờ 30 phút, QĐND Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9-10, thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.

Sáng 10-10-1954, các đơn vị QĐND Việt Nam gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... do Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Hàng chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa tập trung ở các tuyến phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”. 15 giờ chiều 10-10, quân dân Thủ đô phấn khởi dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính thành phố, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”. Cuộc tiếp quản Thủ đô đã thành công tốt đẹp. Hà Nội bước vào thời kỳ lịch sử mới với những nhiệm vụ mới.

NGUYỄN HOÀNG SƠN, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/tu-hoi-nghi-quan-su-trung-gia-den-tiep-quan-thu-do-797395