Từ hôm nay, bán điện thoại xách tay có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Người kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu còn có thể bị tịch thu tang vật và phương tiện vận chuyển theo quy định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Kể từ ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020 của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý khi theo Điều 15 của Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Ở đây, hàng hóa nhập lậu được hiểu là những hàng hóa thuộc danh mục cấm, hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa nhập lậu còn là hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục. Bên cạnh đó, hàng hóa nhập lậu còn được hiểu là hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ, hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không hợp pháp.
Với cách giải thích này, tất cả các sản phẩm điện thoại, máy tính “xách tay” được bày bán trên thị trường hiện nay đều được xếp vào dạng hàng hóa nhập lậu. Điều đó cũng có nghĩa, người bày bán các sản phẩm này đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 của Nghị định 98/2020.
Theo đó, tùy vào giá trị của hàng hóa nhập lậu mà những người kinh doanh mặt hàng này có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng.
Mức xử phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng sẽ được dành cho trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng. Ở mức phạt cao nhất, người kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt 50 triệu nếu giá trị của mặt hàng trên 100 triệu đồng.
Đáng chú ý khi trong trường hợp người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, họ sẽ phải nộp gấp hai lần mức tiền phạt theo quy định.
Các mức xử phạt này cũng được áp dụng với hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu, cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu hoặc cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
Không chỉ vậy, người kinh doanh, vận chuyển các loại hàng này còn bị tịch thu tang vật. Trong trường hợp tang vật có trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nhiều lần, người kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị tịch thu phương tiện vận chuyển theo quy định về hình thức xử phạt bổ sung ở Khoản 4, Điều 15 của Nghị định này.