Từ lục bình đến phân bón hữu cơ

Nhận thấy lục bình làm trở ngại việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, gây ảnh hưởng đến môi trường nước, trong khi vớt bằng tay tốn nhiều công sức và không hiệu quả, anh Nguyễn Văn Dạn (ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) mày mò sáng tạo máy vớt lục bình dù không học qua trường lớp nào. Chưa dừng lại ở đó, anh còn nghiên cứu ủ lục bình thành phân bón hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Dạn (ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) bên hệ thống băng tải trung chuyển lục bình

Anh Nguyễn Văn Dạn (ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) bên hệ thống băng tải trung chuyển lục bình

Thấy lục bình dày đặc trên các sông, kênh, rạch gây khó khăn cho ghe, tàu qua lại, anh Dạn bàn với vợ gom vốn liếng mua vật liệu sáng tạo máy vớt lục bình.

Qua nhiều lần thất bại, đến giữa năm 2022, chiếc máy đầu tiên của anh được “xuất xưởng”. Máy được lắp đặt trên một phà lớn di chuyển bằng hệ thống cánh quạt hai bên nên không bị vướng rác trong quá trình di chuyển. Vận hành máy cần 1 tài công, 1 người hứng lục bình và 1 người trung chuyển sản phẩm vào bờ.

Khi phà di chuyển, lục bình bị chém đứt 2 bên, sau đó được băng tải cuộn lên phà. Trong quá trình rơi xuống, lục bình sẽ bị hệ thống trục lưỡi dao băm nhuyễn. Nhờ hệ thống nhông cải tiến tăng tốc trong quá trình băm, lượng nước trong lục bình sẽ mất khoảng 40%.

Sau đó, lục bình rơi xuống băng tải thứ 2 để cho vào bao tải của phà trung chuyển. Trong quá trình lục bình rơi xuống có đi ngang hệ thống phun nước vôi để khử trùng. Ước tính, mỗi giờ, máy có thể trục vớt và băm nhuyễn gần 5 tấn lục bình.

Mỗi bao tải lục bình nặng 400kg, sau khi vào đến bờ sẽ được hệ thống băng tải trung chuyển về kho sản xuất và ủ làm phân hữu cơ vi sinh. Từ khi vớt lục bình đến thành phẩm kéo dài khoảng 3 tuần.

Hiện cơ sở của anh Dạn có 2 loại thành phẩm là giá thể lục bình (để ươm cây con) và phân hữu cơ dạng viên. Anh đang làm hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP.

Với giải pháp này, anh Dạn đoạt giải Ba Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông" lần VIII, năm 2023-2024, do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Đến nay, anh Dạn bán ra thị trường hơn 10 tấn phân bón hữu cơ từ lục bình. Sản phẩm của anh được thử nghiệm trên nhiều loại cây trồng như lúa, mai, thanh long, rau màu,… bước đầu mang lại hiệu quả. Ruộng bí của ông Bùi Điền Thanh (ấp 2, xã Long Thạnh) chia làm đôi, một bên bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ lục bình, một bên dùng kết hợp phân bón hóa học và các loại phân bón hữu cơ khác.

Ông Thanh cho biết: “Hiện tại, những luống bí dùng phân hữu cơ lục bình xanh tốt hơn và bắt đầu cho trái, giảm được phân hóa học. Tôi còn dùng giá thể lục bình ươm cây con, nảy mầm đạt 99%”.

Hướng tới, anh Dạn lên kế hoạch đầu tư thêm 2 máy vớt lục bình với công suất lớn hơn để có thể đến những kênh, rạch xa cơ sở sản xuất. “Tôi mong sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, góp phần giảm lượng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường cũng như hướng đến sản xuất sạch”. Đó cũng là cách anh Dạn có vốn tái đầu tư vì chi phí sản xuất 1 máy vớt và phà chở hơn 1 tỉ đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thạnh - Trần Bảo Tồn, xã có nhiều sông, rạch. Vào mùa thu hoạch lúa, nếu lục bình quá dày thì ghe không thể vào được, nông dân phải chở lúa ra đường lớn đi xa, chi phí tăng lên. Từ khi có máy vớt lục bình của anh Dạn giúp ích rất nhiều cho người dân.

Đồng thời, sản phẩm phân bón hữu cơ từ lục bình cũng mang lại hiệu quả tích cực. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp nhiều đơn vị quảng bá sản phẩm phân lục bình hữu cơ này nhằm giúp nông dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.

Biến vỏ tràm thành phân bón hữu cơ

Dự án sản xuất phân hữu cơ từ vỏ tràm của anh Trần Minh Phát là 1 trong 5 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-luc-binh-den-phan-bon-huu-co-a183713.html