Từ ngày 1-1-2020: Chủ phương tiện thủy có thêm nhiều trách nhiệm
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 39 quy định trách nhiệm của chủ phương tiện thủy, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa. Theo đó, từ ngày 1-1-2020, chủ phương tiện thủy có thêm nhiều trách nhiệm so với hiện nay.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 39 quy định trách nhiệm của chủ phương tiện thủy, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa. Theo đó, từ ngày 1-1-2020, chủ phương tiện thủy có thêm nhiều trách nhiệm so với hiện nay. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết:
- Thông tư 39 nêu rõ, chủ phương tiện thủy chịu trách nhiệm về điều kiện hoạt động của phương tiện theo quy định của pháp luật; thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo quy định của pháp luật về đăng kiểm phương tiện; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thu gom, lưu trữ và chuyển chất thải đến nơi tiếp nhận để xử lý theo quy định; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức diễn tập các tình huống khẩn cấp cho thuyền viên và người tập sự thuyền viên.
Đồng thời, thông tư cũng quy định rõ hơn trách nhiệm hiện nay của chủ phương tiện như: lập sổ danh bạ thuyền viên, nhật ký phương tiện, được bố trí các lao động khác ngoài thuyền viên, bố trí lao động phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Đối với thuyền viên, quy định mới cũng bổ sung quy định thuyền viên có trách nhiệm hướng dẫn hành khách cách sử dụng các thiết bị chữa cháy, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm và thoát hiểm; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thu gom, lưu trữ và chuyển chất thải đến nơi tiếp nhận để xử lý theo quy định.
Thuyền viên phải chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh trong khi làm việc, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp, thực hiện đầy đủ thủ tục giao nhận ca, ghi chép nhật ký đầy đủ, rõ ràng; chỉ rời phương tiện khi được phép của người chỉ huy cao nhất trên phương tiện hoặc chủ phương tiện.
- Thưa ông, việc áp dụng Thông tư 39 vào thực tế trên địa bàn tỉnh có điểm gì cần lưu ý?
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1- 2020, bãi bỏ Thông tư số 47 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa và Thông tư số 04 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47.
Thông tư này quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của chủ tàu thuyền, cũng như thành viên trên phương tiện: thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó và ngay cả hành khách đi trên phương tiện. Đối với một địa phương như Khánh Hòa có lượng phương tiện chở khách lớn lưu thông trên các tuyến đảo thì các quy định này rất cần thiết. Từ đây sẽ xác định được trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan khi có sự cố xảy ra trong quá trình phương tiện hoạt động.
Không chỉ vậy, thông tư còn nêu rõ định biên an toàn tối thiểu chức danh thuyền viên trên phương tiện phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn để điều khiển phương tiện theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Các phương tiện được phân nhóm theo công suất, tải trọng, loại hình… tương đương với đó là định biên trên phương tiện. Điều này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng tại địa phương thuận lợi hơn trong việc giám sát hoạt động của phương tiện thủy nội địa, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm của từng nhóm phương tiện và chủ tàu thuyền.
- Xin cảm ơn ông!
MẠNH HÙNG (Thực hiện)