Từ nghệ thuật thắng từng bước đi đến tổng tiến công giành thắng lợi hoàn toàn
'Thắng từng bước' là một phương pháp cách mạng, một tư tưởng lớn đầy sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sản phẩm của sự kết hợp những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản, biện chứng và khoa học của học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh với sự tổng kết, khái quát những bài học kinh nghiệm đặc sắc và phong phú trong truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đó là sự kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước: "Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều", "Lấy đoản binh thắng trường trận"… của dân tộc, trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), trước đội quân đế quốc đầu sỏ, có nền kinh tế, khoa học, công nghệ phát triển và tiềm lực quân sự hùng mạnh, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân ta thực hiện phương châm "đánh lâu dài" và nghệ thuật "thắng từng bước", từ đó để ta có điều kiện xây dựng, từng bước phát triển lực lượng; đồng thời khoét sâu được mâu thuẫn nội bộ địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng về chiến lược, chiến dịch và cách đánh. Theo thời gian, ta sẽ buộc Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta; triệt để khai thác điểm yếu cốt tử của quân Mỹ là sợ đánh lâu dài, từ đó làm suy yếu tinh thần của lính Mỹ.
Để đánh thắng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ, ta đã lần lượt đánh bại các biện pháp chiến lược, chiến thuật của địch, tiêu diệt từng đơn vị quân đội ngụy, làm cho chúng hao hụt quân số, sa sút tinh thần chiến đấu, không phát huy được vai trò "nòng cốt" của cuộc chiến tranh như Mỹ kỳ vọng, đồng thời làm phá sản quốc sách ấp chiến lược, giải phóng nhân dân, giải phóng đất đai, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch.
Trước nguy cơ bị phá sản của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu trên bộ vào miền Nam và thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc. Từ đây, phạm vi chiến tranh nhanh chóng lan ra cả nước Việt Nam, với hai hình thức chiến tranh khác nhau ở hai miền Nam-Bắc; đối tượng tác chiến là quân Mỹ, ngụy quân Sài Gòn và quân đội các nước đồng minh của Mỹ. Trước bối cảnh đó, nghệ thuật thắng địch từng bước đã chuyển sang thực hiện phương châm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Điều đó có nghĩa là, quân và dân ta phải đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, làm cho đế quốc Mỹ thấy rằng, nếu tiếp tục chiến tranh, chúng sẽ phải chuốc lấy thất bại thảm hại hơn và nhất định phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Thực hiện phương châm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", ở miền Nam, quân và dân ta đã liên tục tiến công địch, giành thế chủ động trên chiến trường, lần lượt đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ-ngụy. Đặc biệt, đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Quân Giải phóng đã bất ngờ mở cuộc tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam; đánh thẳng vào các cơ quan đầu não, khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn choáng váng; làm sụp đổ kế hoạch chiến tranh của chính quyền Tổng thống Johnson và gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân Mỹ.
Ở miền Bắc, quân và dân ta đã đập tan cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất của Mỹ (từ ngày 5-8-1964 đến cuối năm 1968), góp phần quan trọng cùng quân và dân miền Nam buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh với ta tại Paris (Pháp). Bằng nghệ thuật thắng từng bước, nhân dân ta không chỉ lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh, các thủ đoạn tác chiến của quân đội Mỹ-ngụy và quân đội đồng minh mà còn đẩy đối phương vào tình thế bị động về chiến lược, phải leo thang từng bước để ta có đủ thời gian củng cố, xây dựng lực lượng đánh thắng các bước leo thang của chúng. Tiếp đó, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi các chiến dịch năm 1972, đặc biệt là đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác, làm nên chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước, công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam.
Trên cơ sở thế và lực của ta, đến giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, quân và dân ta thực hiện chuyển phương châm tác chiến từ "thắng từng bước" sang nỗ lực "giành thắng lợi quyết định, rồi tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn". Thực hiện phương châm mới, quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lần lượt giành chiến thắng trong các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi 30 năm chiến tranh giải phóng, thu giang sơn về một mối.
Thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết quả cuối cùng của cả một quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ, quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trên cả hai miền Nam-Bắc nhằm từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy. Đó là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng quân sự tiên tiến của thời đại vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam; phát huy và nâng nghệ thuật quân sự truyền thống của cha ông, trong đó có nghệ thuật thắng từng bước, tiến tới tổng phản công lên tầm cao mới.