Tự truyện 'Đóa hoa vô thường': Nơi gửi lại tình yêu của nữ nhà báo bị ung thư

Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào chia sẻ, cuốn sách 'Đóa hoa vô thường' như là một món quà để chị để gửi lại nụ cười và tình yêu trước khi bước lên chuyến tàu cuối cùng của mình và bước sang một 'sân ga mới'.

71 lần điều trị hóa chất…

Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào - một bệnh nhân đã 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú đã ra mắt cuốn sách “Đóa hoa vô thường”. Buổi ra mắt sách diễn ra chiều tối 8/6 tại một hội trường nhỏ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nơi chị Cẩm Bào đang nằm điều trị.

Gói gọn trong khoảng một tiếng đồng hồ, buổi ra mắt cuốn sách “Đóa hoa vô thường” có cả những nụ cười và cả những giọt nước mắt xúc động. Vì điều kiện sức khỏe, các bác sĩ chỉ cho phép thời gian một tiếng để chị Bào tham dự buổi ra mắt cuốn sách viết về cuộc đời mình. Chính bản thân chị cũng không tin được mình có thể làm được điều này vì ngay trước đó chị vẫn còn bị sốt và phải dùng thuốc giảm đau mới có thể ngồi dậy được.

Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào trong vòng tay bạn bè, người thân trong buổi chia sẻ ra mắt sách.

Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào trong vòng tay bạn bè, người thân trong buổi chia sẻ ra mắt sách.

Chị Trần Thị Cẩm Bào quê ở Huế, là Phó Ban Thư ký Tòa soạn của Tạp chí Trí thức Công nghệ. Chị phát hiện mình bị ung thư vú vào năm 2012, khi bước sáng tuổi 38. Trong những đợt truyền hóa chất đầu tiên, chị phải vào viện cấp cứu liên tục và chết lâm sàng tới 3 lần. Sau 7 năm chiến đấu với ung thư, chị đã phải trải qua 71 lần truyền hóa chất. Dù mang trọng bệnh, nhưng chị vẫn cùng bạn bè lập ra Câu lạc bộ Hoa Ưu Đàm, không ngừng nâng cao nhận thức của bệnh nhân điều trị ung thư để họ tin vào việc điều trị đúng, để họ giữ được tinh thần và sự lạc quan chiến đấu với bệnh tật, và tặng rất nhiều xe lăn cho những bệnh nhân cần. Giờ đây bệnh của chị đã tới giai đoạn cuối, di căn gan, ổ bụng nhưng chị chưa bao giờ bỏ cuộc.

Đầu năm 2019, khi thấy bệnh tình của mình trở nặng, chị Cẩm Bào đã ngỏ lời nhờ cây bút Hoàng Thị Diệu Thuần ghi lại toàn bộ câu chuyện cuộc đời mình trước chuyến đi xa. Hoàng Thị Diệu Thuần cũng là một bệnh nhân ung thư và là người đã truyền cảm hứng và động lực sống mạnh mẽ cho rất nhiều bệnh nhân ung thư qua chính cuộc đời mình và 2 cuốn sách nổi tiếng Như hoa hướng dương và Muôn ánh mặt trời. Thế nhưng, ban đầu Diệu Thuần đã từ chối đề nghị của chị Cẩm Bào vì nghĩ mình không đủ sức. Nhưng rồi, theo như Diệu Thuần chia sẻ, chính sức mạnh của chị Cẩm Bào đã giúp cô thực hiện cuốn hồi ký chỉ trong 1 tuần.

“Khi các bạn đến tiễn tôi hãy mang theo nụ cười”

Chị Cẩm Bào chọn cái tên Đóa hoa vô thường cho cuốn sách của mình theo một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hồi ký ghi lại hành trình và trải nghiệm của Cẩm Bào từ những ngày đặt chân đến Hà Nội. Cô gái xứ Huế mà mạnh dạn, kiên cường tìm thấy tình yêu của đời mình rồi quyết định ở lại Thủ đô lập nghiệp. Bên cạnh đó là những cảm xúc xen lẫn nỗi đau đớn về thể xác trong suốt hành trình chống chọi với bạo bệnh của Cẩm Bào.

Ngoài ra, chị Cẩm Bào còn ghi lại hành trình thiện nguyện và giúp đỡ đồng bệnh suốt 7 năm qua. Khi nhìn thấy những bệnh nhân đồng bệnh vượt lên được căn bệnh ung thư, tuân thủ phác đồ của bệnh viện, sống khoa học chính là niềm động viên lớn lao. Đối với chị, cho đi không phải để nhận lời cảm ơn, mà cho đi để thấy được nụ cười và thái độ sống tích cực của những người đang mang căn bệnh giống như mình.

Hoàng Thị Diệu Thuần (1987), cô gái nhỏ nhắn có nét mặt đầy cương nghị, người đã chắp bút cuốn sách “Đóa hoa vô thường” cho chị Cẩm Bào chia sẻ rằng, cô đã rất sợ và ban đầu còn từ chối lời đề nghị viết sách giúp chị. Cũng là một người kiên cường chống chọi với ung thư máu trong suốt những năm qua Diệu Thuần xúc động nói: “Chị đã đạt được tâm nguyện của mình. Cẩm Anh bây giờ đã có đủ hành trang trên con đường trưởng thành. Đúng như tâm nguyện của chị, dù chị có đi đâu, đi xa thì Cẩm Anh vẫn luôn có cuốn sách sẽ như có chị ở bên cạnh. Khi đọc những trang sách đó, Cẩm Anh sẽ nhìn thấy những điều tốt đẹp mà chị đã trải qua, sẽ gặp rất nhiều người tốt, người tuyệt vời mà chị đã gặp”.

Đặc biệt, cuốn tự truyện được coi như một món quà chị dành tặng con gái trước lúc đi xa. “Cuốn sách này không cầu kỳ, không to lớn, mà mục đích của tôi là muốn tặng lại cho con gái Cẩm Anh. Tôi muốn đây là món quà tặng con gái. Tôi biết rằng khoảng cách tuy xa, nhưng tình thương ấy rất bao la. Tôi muốn, Cẩm Anh khi đọc cuốn sách này, con sẽ làm được những công việc tốt dù là nhỏ bé và Cẩm Anh sẽ trở thành người tốt, tiếp tục hành trình thiện nguyện giúp tôi”, chị Cẩm Bào xúc động chia sẻ.

Chị Cẩm Bào nhận mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian dù mắc phải ung thư mang đến nhiều nỗi đau, bởi: “Trong hành trình của mình, tôi tìm ra được rất nhiều điều hạnh phúc. Một cánh cửa đóng lại, một cửa sổ tâm hồn mới sẽ mở ra. Tôi rất mong muốn những người bệnh như tôi hãy cố gắng sống, sống vui và sống có ý nghĩa”, chị chia sẻ.

Và điều gửi gắm cuối cùng chị Cẩm Bào chia sẻ: Tôi rất mong muốn cộng đồng bệnh nhân ung thư hãy cố gắng sống, sống vui, có ý nghĩa. Nếu không may mắc phải bệnh ung thư thì đừng tuyệt vọng, mã hãy cố gắng điều trị. Còn đối với những ai chưa mắc căn bệnh này thì hãy chú ý bảo vệ sức khỏe, tầm soát ung thư. Phát hành cuốn sách Đóa hoa vô thường tôi cũng mong muốn góp phần vào thành lập Quỹ Hoa Ưu Đàm để cùng các nhà hảo tâm chăm sóc bệnh nhân K có hoàn cảnh khó khăn” - Nhà báo Trần Thị Cẩm Bào chia sẻ.

Câu chuyện cuộc đời của nhà báo Trần Thị Cẩm Bào được kể lại trong tự truyện Đóa hoa vô thường như một nguồn năng lượng tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng nói chung và cộng đồng bệnh nhân ung thư nói riêng. Được biết, lợi nhuận từ việc bán sách sau khi trừ đi các chi phí sẽ được dùng cho các hoạt động phục vụ cộng đồng.

Anh Phạm Trung Tâm, chồng của chị Cẩm Bào, người đã cùng con gái Cẩm Anh sát cánh bên vợ chống lại căn bệnh ung thư suốt những năm qua chia sẻ: Buổi ra mắt sách Đóa hoa vô thường không chỉ ghi dấu 7 năm vợ tôi phải chiến đấu với bệnh ung thư mà cũng là dịp để vợ tôi được gặp, tri ân với những người thân yêu đã cùng đồng hành trong suốt chặng đường đã qua. Mỗi người, mỗi nghề nghiệp khác nhau như bác sĩ, doanh nhân, nhà báo, nhà văn, nhà giáo… tới các bệnh nhân, các em sinh viên, tình nguyện viên… nhưng tất cả đều có một điểm chung là luôn sẵn lòng giúp đỡ các bệnh nhân hiểm nghèo, yếu thế trong xã hội. Tất cả cùng nhau truyền năng lượng tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng nói chung và cộng đồng bệnh nhân ung thư nói riêng.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-truyen-doa-hoa-vo-thuong-noi-gui-lai-tinh-yeu-cua-nu-nha-bao-bi-ung-thu-92393.html