Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Nói đến tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo thì chúng ta nói đến tư tưởng của Người về văn hóa; có lẽ hiếm có một lãnh tụ cộng sản nào mà nhìn tôn giáo dưới góc nhìn đạo đức như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhớ lại trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3.9.1945, Bác đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết, trong đó có một nhiệm vụ rất quan trọng là tự do, tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết lương - giáo cùng xây dựng chế độ mới.

Tư tưởng tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Bác là tự do có đạo và tự do không có đạo. Theo Bác, người cộng sản theo quan điểm duy vật, nhưng không bao giờ bài xích tôn giáo, mà tôn trọng nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân. Đảng ta bây giờ còn kết nạp những người có đạo vào Đảng nếu như họ đủ tiêu chuẩn và tuân thủ đường lối, tư tưởng của Đảng.

Một câu chuyện cảm động của Bác với linh mục Phạm Bá Trực; ông là người tu hành theo đạo Thiên chúa, ông cũng là người yêu nước, thương dân và có uy tín trong xã hội... nên Bác và Đảng ta đã bố trí để linh mục Phạm Bá Trực lên chức Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trong một phiên họp rất khuya, Bác gặp linh mục Phạm Bá Trực nói: “Thưa cha, bây giờ khuya quá rồi, xin cha nghỉ lại đêm nay ở đây, ngày mai có người đưa cha về sớm cho an toàn”. Vị linh mục xúc động đến mức tưởng chừng không đứng nổi, không ngờ một lãnh tụ vĩ đại như Bác mà đối xử với một tu sỹ tôn trọng và chân thành đến như vậy. Ông Phạm Bá Trực xúc động, cả đêm không ngủ. Ông nhìn sang phòng, thấy Bác chưa ngủ, vẫn còn ánh đèn làm việc của Bác, nghe rõ cả tiếng đánh máy lách cách. Ông đến tận cửa phòng Bác nói: Ngài quả là một vị thánh. Bác dừng bút và nói chuyện với linh mục một cách rất chân thành - Không, ở đây cả tôi và ngài không có ai là thần thánh cả, chúng ta là những con người chỉ vì việc lớn mà chúng ta phải hy sinh. Ngài chăm sóc phần hồn cho các con chiên, còn chúng tôi làm cách mạng, lo cơm ăn, áo mặc cho đồng bào; phần xác có no đủ, phần hồn mới thong dong được. Cho nên: “Kính chúa yêu nước”, “đẹp đời tốt đạo”, “đạo phép dân tộc” luôn đồng hành cùng chủ nghĩa xã hội là những tư tưởng rất lớn của Hồ Chí Minh, nó phản ảnh chủ nghĩa nhân văn, cách mạng của Bác trong ứng xử với tôn giáo.

Một người được xếp vào hàng “Khai quốc, công thần” cũng theo đạo Thiên chúa là cụ Ngô Tử Hạ. Chúng ta nhớ lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946, cụ Ngô Tử Hạ, một điền chủ đồng thời là một chủ nhà in ở Ninh Bình, thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội lúc này. Ông bị ảnh hưởng từ Bác nên đi làm cách mạng, làm kháng chiến và tham gia xây dựng chế độ mới. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội năm đó, cụ kéo xe bò, đội khăn xếp, mặc áo the đi vòng quanh phố Tràng Tiền, bên cạnh Nhà hát lớn thành phố. Mọi người ở hai bên đường theo lời kêu gọi của Bác và theo cử chỉ gương mẫu của cụ Ngô Tử Hạ, người nắm đỗ, người nắm lạc, người nắm gạo đổ vào chiếc xe bò. Đó là hình ảnh cho thấy sự đoàn kết trong nhân dân để cứu tế, gây dựng chế độ. Thanh niên mới chạy ra giúp cụ kéo chiếc xe bò đầy ắp lương thực về trước cửa Nhà hát lớn. Bác đến tận nơi và nói: Đây mới thực sự là gạo đại đoàn kết dân tộc.

Tấm lòng của mọi người dành cho chế độ thể hiện sự yêu nước và sự kết nối cộng đồng cả lương lẫn giáo. Đó là những chuyện mà trong cuộc đời có những lần Bác đã rất ân cần, chu đáo với các vị linh mục. Vì qua linh mục sẽ đến với giáo dân, qua các vị hòa thượng sẽ đến với các phật tử, nên Bác rất chú trọng những thủ lĩnh tôn giáo. Sau này thực dân Pháp đã lôi kéo cụ Ngô Tử Hạ về phía họ; bằng uy tín và sự tin tưởng của mình, Bác đã tạo mọi điều kiện để cụ sang Thụy Sỹ. Hòa bình lập lại, phái đoàn ngoại giao của chúng ta lại đón cụ về và cụ tiếp tục làm việc cho Quốc hội.

Đặc biệt, một người đứng đầu Đảng như Bác không bao giờ quên gửi thư chúc mừng các giáo dân theo đạo Thiên chúa trong ngày Lễ Nô en; chúc mừng các phật tử trong ngày Lễ Phật đản. Ngược trở lại lịch sử ta không thể quên cử chỉ của Bác, đích thân Bác vẽ tượng phật trên vách núi cho dân thờ ở Pác Bó (Cao Bằng) năm 1941, bên cạch việc đặt tên núi Các Mác, suối Lê Nin. Ở Thái Lan Bác từng mặc áo cà sa đi khất thực; Bác ngủ trong chùa như một phật tử. Đó là cách Bác làm dân vận đoàn kết lương và giáo; tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Bác chỉ đạo Quốc hội đưa tư tưởng này trong Hiến pháp đó là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Bác cho rằng người có đạo hay không có đạo đều có chung một tình cảm đó là yêu nước, thương dân và ý thức tự tôn dân tộc.

Phong cách của Bác cũng rất hiện đại, thư gửi cho giáo dân Bác đều kết thúc bằng một câu: Cầu chúa ban phúc lành cho chúng ta; ủng hộ chúng ta kháng chiến kiến quốc đến ngày thắng lợi. Điều đó cho thấy Bác là một người cộng sản rất hiện đại, thể hiện tình cảm rất tinh tế, sâu sắc về tôn giáo, đều hướng mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/media-bhg/201911/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-tu-do-ton-giao-tin-nguong-752043/