Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ với phụ nữ
Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người đã từng khẳng định: 'Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ'.
Anh hùng Ngô Thị Tuyển, dân quân Nam Ngạn vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV, Hà Nội ngày 30- 12- 1966.
Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ tột cùng mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng CNXH thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.
Ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày mùng 6-1-1946, Hồ Chủ Tịch tuyên bố: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Và Người vui sướng nhận ra rằng “Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn luôn dành cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam sự quan tâm đặc biệt.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng và Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Bác nêu nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh của phụ nữ vì Tổ quốc như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ buổi bình minh của lịch sử và kêu gọi chị em đoàn kết lại ra sức gánh vác công việc chung. Trong diễn ca “Lịch sử nước ta”, Người đã khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Vì thế, Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng... Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.
Người thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ... đều do các chị, các mẹ gánh vác. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Người nhận thấy phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, nhiều người rất giỏi, ưu điểm của cán bộ nữ là “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy Bác nhắc nhở Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình. Người cũng thẳng thắn phê bình một số cán bộ của Đảng chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ và xem đây như một “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là một tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ, vì thế Người yêu cầu phải kịp thời sửa chữa. Bác không chỉ đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không nên chỉ trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ thật nhân ái bao la.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 4 lần về thăm Thanh Hóa. Trong lần cuối cùng về thăm Thanh Hóa (từ ngày 10 đến ngày 12-12-1961), khi về thăm xã Yên Trường (Yên Định), Bác đã khen chị em phụ nữ có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, như: “Cô An đã làm được 100 mét khối thủy lợi (khi bình quân đầu người trong xã mới 18 mét khối), làm được 140 tạ phân và 300 ngày công”. Người không chỉ trực tiếp về thăm mà còn nhiều lần gửi thư biểu dương, khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Năm 1967, biết tin các trung đội nữ dân quân Thanh Hóa như trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc), Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Hà Tiến (Hà Trung)... lập thành tích bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Bác đã viết thư khen ngợi: “... Cùng với thành tích to lớn chống Mỹ, cứu nước của phụ nữ cả nước ta, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu”. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta. Người đã dành trọn vẹn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước. Trước khi vĩnh biệt chúng ta về với “thế giới người hiền”, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc lịch sử. Trong đó Người không quên nhắc tới phụ nữ: “...Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ. Công tác tuyển dụng, quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hội, đoàn thể từng bước được quan tâm. Không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Người; sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, những năm qua, chị em phụ nữ đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chính trị gia, nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và doanh nhân thành đạt là phụ nữ. Trong gần 20 năm qua, phụ nữ liên tục giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, như: Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; bộ trưởng; thứ trưởng; tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội ngày càng tăng. Trong phát triển kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% ở các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trên lĩnh vực khoa học, công nghệ phụ nữ tham gia tới gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%... Tại Thanh Hóa, hiện nay, toàn tỉnh có 710 cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp (trong đó có 1 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 31 chị là giám đốc, phó giám đốc các sở và trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; 87 chị là trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương. Cấp huyện, có 44 nữ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 163 chị là trưởng, phó các phòng, ban và tương đương; cấp xã có 384 chị là bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn). Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV đạt 28,75%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 17,89%, cấp huyện đạt 25,88%, cấp xã đạt 23,68%...
Mặc dù công tác phụ nữ và cán bộ nữ đã được quan tâm, tỷ lệ cán bộ nữ cơ cấu trong các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, tham gia lãnh đạo, quản lý tại các sở, ban, ngành, cán bộ khoa học nữ tuy có tăng qua từng năm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ còn nhiều bất cập, nguồn cán bộ nữ còn thiếu. Nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm sâu sắc đối với công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ.
Để phong trào phụ nữ và công tác cán bộ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, chị em phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và hội liên hiệp phụ nữ các cấp cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tình cảm, sự tin yêu, kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu.
Bài viết có tham khảo “Những mẫu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ” của trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư liệu của đồng nghiệp.