Từ va chạm giao thông đến cửa nhà tù

Cự cãi, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay sau khi xảy ra va chạm giao thông là chuyện diễn ra phổ biến trên đường. Nhiều người khi đối diện với vòng lao lý mới ân hận, nhưng đã muộn.

Sáng 30/10, báo chí đồng loạt đưa tin về một vụ việc xảy ra rạng sáng cùng ngày ở ngã tư Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Ban đầu, đó chỉ là một vụ va chạm nhẹ giữa một xe tải và xe bán tải. Nhưng ngay sau đó, hai tài xế xảy ra cự cãi. Hậu quả, tài xế xe tải đâm tài xế xe bán tải nguy kịch. Nạn nhân được đưa vào viện cấp cứu, chưa rõ sống chết ra sao.

Tài xế xe bán tải biển số TP.HCM bị đâm nguy kịch sau va chạm với xe tải ở ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức).

Tài xế xe bán tải biển số TP.HCM bị đâm nguy kịch sau va chạm với xe tải ở ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức).

Giữa rất nhiều tin tức nóng hổi khác, có lẽ bản tin về vụ việc trên không thu hút sự quan tâm của quá nhiều người. Việc cự cãi, ẩu đả, thậm chí gây án mạng sau va chạm giao thông đã không còn là chuyện gì quá lạ lẫm. Nhưng xâu chuỗi lại những vụ tương tự đã xảy ra trước đó, mới thấy thật bất thường.

Tại sao trong một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật vẫn xảy ra chuyện này? Không ít người đã mất mạng, không ít người mang thương tật suốt đời, chỉ vì va chạm giao thông, trong đó có những va chạm rất nhỏ.

Tại sao như vậy? Thói hung hăng này từ đâu mà ra, được nuôi dưỡng thế nào mà con người ta sẵn sàng hành xử vô pháp chỉ vì lý do không đáng như vậy? Tôi cũng quan tâm và tìm đọc khá nhiều, nhưng chưa thấy có một nghiên cứu nào đầy đủ, cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể lý giải phần nào nguyên nhân của những vụ việc như thế. Đó có thể là khả năng kiềm chế, thương lượng của một bộ phận người cầm lái quá kém; khả năng nhận biết đúng – sai càng tệ; nhiều người kiến thức pháp luật không đầy đủ, hành xử theo các quy tắc và chuẩn mực đạo đức thông thường cũng chẳng khá hơn…

Thói hành xử vô pháp của không ít người có thể cũng đã được dung dưỡng từ khi còn trẻ, với đủ thứ tác động, từ gia đình cho đến xã hội.

Thậm chí, ngay trong môi trường giáo dục, bạo lực học đường đã trở thành nhức nhối ở không ít nơi. Một bộ phận phụ huynh khi thấy con bị đánh thì dạy dỗ "nó đánh mày thì mày phải đánh nó". Ra đường thì cứ phải "mạnh được yếu thua", "nắm đấm to hơn cái mồm"!.

Trên báo chí và mạng xã hội, hàng ngày chúng ta đều bắt gặp rất nhiều video clip ghi lại những cảnh trái khoáy trên đường, nhất là cách hành xử vô lý, dị thường của một số người tham gia giao thông. Trong đó có những người nhìn qua thì thấy họ rất văn minh, lịch sự.

Trong nhiều vụ việc, nhiều người thường dùng "luật rừng" để hành xử, thay vì dùng thái độ ôn tồn, lời lẽ có văn hóa để giao tiếp, trước khi có sự phân định đúng - sai của cơ quan chức năng. Và thực tế, việc xử lý chưa đến nơi đến chốn một vài vụ việc cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến chuyện này còn tiếp diễn.

Đã có rất nhiều trường hợp, chỉ vì vi phạm giao thông thông thường, song cách hành xử bất chấp pháp luật đã khiến họ phải trả giá rất đắt.

Và khi đối diện với vòng lao lý, họ mới cảm thấy ân hận vì những phút giây dại dột, bột phát của mình. Từ va chạm giao thông, đường đến cửa nhà tù của họ thật ngắn.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-va-cham-giao-thong-den-cua-nha-tu-192241030151503702.htm