Tư vấn pháp lý cho nữ lao động người dân tộc thiểu số

Ngày 25/10, tại UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội), Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức Chương trình 'Tư vấn chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, quyền của đồng bào dân tộc thiểu số' cho 200 đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng.

Buổi tư vấn miễn phí nằm trong Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” do Báo Kinh tế và Đô thị cùng tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, phối hợp triển khai tổ chức. Chương trình nhằm nâng cao hiểu biết về những vấn đề an sinh xã hội cho lao động nữ dân tộc thiểu số tại địa phương.

Tham dự Chương trình có ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông; ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban thư ký Chương trình và lãnh đạo UBND xã Khánh Thượng cùng hơn 200 bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

 Chương trình “Tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số”, hướng đến nâng cao hiểu biết các chính sách an sinh cho nữ lao động DTTS. (nguồn: Duy Khánh)

Chương trình “Tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số”, hướng đến nâng cao hiểu biết các chính sách an sinh cho nữ lao động DTTS. (nguồn: Duy Khánh)

Phát biểu tại chương trình, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam; Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” cho biết, với buổi tư vấn pháp lý này, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng nâng cao hiểu biết về các chính sách, pháp luật liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là các quyền của phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS.

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông. (nguồn: Duy Khánh)

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông. (nguồn: Duy Khánh)

Được biết, Khánh Thượng là một xã miền núi, với hơn 52% dân số là người Mường, Dao. Đại bộ phận người dân tộc ở đây đều thuộc khu vực lao động phi chính thức. Kế sinh nhai của họ chủ yếu là làm nông, trồng lúa, cây ăn quả, cây thuốc, chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,24 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù có mức thu nhập bình quân ở xã Khánh Thượng không quá thấp, nhưng số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn ít. Nhiều lý do như kinh tế, thiếu thông tin, kiến thức về bảo hiểm xã hội khiến người lao động DTTS chần chừ không tham gia. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ trong tương lai như chế độ hưu trí, thai sản,...

Đến với chương trình tư vấn, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, đối với vấn đề an sinh xã hội, nữ lao động người DTTS cần lưu ý một số vấn đề. Những lao động đang đi làm cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội. Với những cá nhân không còn đi làm nữa hoặc làm ở khối tư nhân phải lưu ý đến bảo hiểm y tế. Các lao động nữ phải quan tâm tới chế độ thai sản. Trong phạm vi gia đình, người lao động cần nắm được quyền hưởng thụ đất đai dành cho phụ nữ và phụ nữ DTTS.

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng. Ảnh: Duy Khánh

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng. Ảnh: Duy Khánh

Thông qua chương trình tư vấn pháp lý, các nữ lao động DTTS ở xã Khánh Thượng đã có thêm kiến thức về quyền và lợi ích hợp pháp của những vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội dành cho người DTTS.

Chị Nguyễn Thị Phượng (Chi hội trưởng thôn Khánh Chúc Đồi, xã Khánh Thượng) cho biết, sau buổi tư vấn chị có thêm rất nhiều thông tin hữu ích: “Tôi biết được những ưu thế về bảo hiểm xã hội cho người DTTS và nữ DTTS. Đây sẽ là động lực để tôi tham gia chế độ bảo hiểm xã hội trong tương lai sắp tới”.

Sau chương trình, các nữ lao động ở xã Khánh Thượng đã có thêm kiến thức về quyền và lợi ích hợp pháp của những vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội. (nguồn: Duy Khánh)

Sau chương trình, các nữ lao động ở xã Khánh Thượng đã có thêm kiến thức về quyền và lợi ích hợp pháp của những vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội. (nguồn: Duy Khánh)

Năm 2024, với việc đưa Cuộc thi Những cống hiến thầm lặng phát triển thành Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”, Ban Tổ chức gồm 3 đơn vị: Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) quyết định mở thêm rất nhiều hoạt động mới như: tổ chức cho các nhà báo đi thực tế tại các làng nghề, tư vấn pháp lý miễn phí qua các tác phẩm Podcast trên chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội; mở ra chuỗi hoạt động tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hướng đến các sinh viên…

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-van-phap-ly-cho-nu-lao-dong-nguoi-dan-toc-thieu-so-post529769.html