Tư vấn phong thủy: Trang hoàng cho an hòa

Dù theo tôn giáo nào hay không, thì đa số mọi người đều có thói quen sửa sang, trang hoàng nhà cửa vào dịp Giáng sinh, tết Dương lịch. Không gian sống được tươi mới hơn, đón nhận những lời chúc phúc an lành, đón chào năm mới yên vui... là mong ước mang tính truyền thống Việt, không câu nệ tôn giáo, tín ngưỡng, luôn hướng đến sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Cũng từ văn hóa sống đó mà các cách thức trang hoàng nhà cửa cũng luôn biểu hiện tính linh hoạt, tổng hợp, cũng như tính tâm linh, các thành tố cốt lõi của phong thủy Á Đông. Thời hiện đại, chỉ cần quan tâm chăm chút, chọn lựa cách thức phù hợp là có thể trang hoàng nhà cửa đón năm mới vui tươi, may mắn, mà không quá phức tạp và tốn kém, không tạo ra các sai lệch về nội khí cho không gian sống.

Cây thông, lò sưởi, hang đá, lều cỏ... là những chi tiết trang trí sinh động, mang tính Hỏa, phù hợp cho mùa lễ hội cuối năm, giữ ấm ngọn lửa tình thân trong gia đình.

Cây thông, lò sưởi, hang đá, lều cỏ... là những chi tiết trang trí sinh động, mang tính Hỏa, phù hợp cho mùa lễ hội cuối năm, giữ ấm ngọn lửa tình thân trong gia đình.

Trang hoàng để an hòa, ổn định

Luôn có nhiều phong cách, ý tưởng trang hoàng nhà cửa đón năm mới khác nhau được tham khảo trên mạng cũng như xuất phát từ sở thích, gu thẩm mỹ của từng gia đình.

Với những ai xem trọng lối sống hòa hợp tự nhiên, thì việc bài trí nhà cửa theo thời điểm cần phải vừa thuận theo yếu tố thiên thời, theo tiết khí, theo thời điểm (như mùa đông cuối năm lạnh cần dùng thêm màu ấm, nóng); vừa phải thuận theo yếu tố địa lợi (hình thế nhà cửa cuộc đất, mặt bằng); đồng thời đảm bảo tính nhân hòa cho các thành viên gia đình quây quần sum vầy đều hài lòng.

Để được như vậy, câu triết lý “less is more-ít là nhiều” trong kiến trúc hiện đại khá phù hợp, vì các bài trí ít gây xáo trộn nội thất, ít ảnh hưởng kết cấu, ít tốn kém… sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn.

Cách thức trang hoàng nên có sự gia giảm theo nguyên tắc cân bằng âm dương, cụ thể là những vị trí ít đi tới, ít sử dụng, thiếu ánh sáng... sẽ cần dọn dẹp, làm sạch, trang hoàng thêm để có thể “kích hoạt” nguồn khí trì trệ. Qua việc xếp đặt kết hợp bổ sung chiếu sáng cho phần âm, khuất, tối… và ngược lại, giảm bớt, che chắn các mảng thuần dương khác, nội khí của không gian sống sẽ được điều chỉnh tốt hơn.

Ví dụ như nhà có khoảng sân hàng ngày nhiều mưa nắng chói chang, thì có thể đặt bộ bàn ghế có dù che, tạo vùng râm mát để quây quần bạn bè, là giải pháp giảm bớt dương thịnh. Hoặc như nhà ống có khu gầm cầu thang vốn ít sử dụng nên khá tối tăm, dịp lễ cuối năm cần gia chủ dọn dẹp quang đãng, xếp đặt thêm tiểu cảnh trang trí, người có khả năng sắp đặt có thể làm một tiểu cảnh, một “lò sưởi” trang trí bằng vật liệu nhẹ, gắn đèn dây nhấp nháy… tạo nên một điểm nhấn thú vị trong nhà mà không ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường nhật khác.

Xét tương quan ngũ hành thì nội thất cần hòa trộn đầy đủ các mối quan hệ, tránh thiên lệch. Nhà dùng nhiều Mộc thì nên thêm Kim lấp lánh, Thổ thâm trầm. Nhà có nhiều máy móc kim loại thì yếu tố Hỏa (màu đỏ, ánh sáng rực rỡ) sẽ bổ sung, và cũng nên đặt khúc cây, lò sưởi, thảm mềm... để khắc chế tính Kim khô lạnh. Thị trường bán đồ trang trí Giáng sinh và năm mới luôn có khá đầy đủ các dải màu sắc, chất liệu cho chọn lựa theo ngũ hành không gian và ngũ hành bản mệnh của mọi người.

Cần hiểu rằng hành gì đã có nhiều rồi thì dùng hành tương khắc để hạn chế, hành gì đang thiếu thì dùng hành sinh để kích hoạt. Các bộ ba liền nhau trong ngũ hành khá phổ biến và dễ sử dụng, như Mộc - Hỏa -Thổ, hoặc Kim - Thủy - Mộc…

Kích hoạt nội khí nhờ chăm chút những góc khuất, góc “chết” nơi gầm cầu thang, khuất nẻo… sẽ tạo thêm các góc quây quần ấm cúng mà không ảnh hưởng đến cấu trúc sẵn có.

Lưu tâm những giá trị hoài niệm

Xu hướng tìm về những giá trị mang tính hoài niệm đang mở ra nhiều cách thức trang trí nội thất thuộc diện “cũ mà mới” thú vị. Đó là sử dụng những hình ảnh, họa tiết, phong cách một thuở trong quá khứ để trang trí cho không gian hiện tại, trong đó có thể kể đến bộ ba “lò sưởi, cây thông và hang đá” là 3 thành phần tạo nên không khí mùa giáng sinh, đồng thời cũng có tác dụng phong thủy đến nội thất.

Ý nghĩa phong thủy của lò sưởi (hoặc các trang trí mang tính ngọn lửa, biểu tượng ánh sáng) đó là sự nuôi dưỡng, tăng năng lượng kết nối, và phát huy tính quây quần hội tụ. Lò sưởi như một chi tiết vừa có tính cố định, vừa là một dạng phụ kiện nội thất linh hoạt, mùa hè làm chỗ trang trí, mùa đông thành nơi quây quần, miền cao để sưởi ngày giá lạnh, miền xuôi để làm… tủ trưng bày đồ đạc. Những đường nét và vật liệu sử dụng quanh lò sưởi cần hài hòa theo dáng vẻ chung của không gian căn phòng, có tính ảnh hưởng nhất định đến những loại tủ kệ mảng miếng trang trí khác.

Cây thông Giáng sinh và hang đá vốn là những nét văn hóa Tây phương rõ nét, khi du nhập vào Việt Nam cũng có biến tấu cho hợp với tinh thần bản địa. Cây thông vốn thuộc Mộc, hang đá thuộc Thổ, với hình dáng tháp nhọn thiên về Hỏa, và màu sắc đi kèm sẽ cộng thêm yếu tố khác như Kim (màu trắng, xám, bạc), Thủy (màu xanh biển hay đen) hay Thổ (vàng) tùy mẫu. Một không gian có nội khí bình lặng, sẽ được cải thiện đáng kể với sự xuất hiện của cây thông hay hang đá, đi cùng đèn lấp lánh, trái châu, ngôi sao, và những âm thanh vui tai của âm nhạc, của chuông gió hoặc lục lạc treo bên cạnh.

Về ngũ hành tương hòa theo phương vị, tiểu cảnh mang nhiều yếu tố mang hành Kim sẽ thích hợp đặt ở hướng tây, bắc và tây bắc; mang tính Thổ thích hợp với hướng tây nam, đông bắc và trung tâm; mang nhiều Mộc sẽ hợp hơn với hướng đông, đông nam và nam. Ánh sáng vàng ấm áp thuộc Hỏa là yếu tố không thể thiếu.

Riêng với tiểu cảnh có nước chảy tuần hoàn thuộc Thủy thì văn hóa phương Đông lại chỉ ra kinh nghiệm truyền thống là nên đặt tại vị trí ngăn chặn trực xung vào nhà (hành lang, cửa chính hay tiền sảnh), đóng thêm vai trò chiêu tài, có lợi cho các cơ sở làm ăn.

Gia tăng sinh khí bằng nhiều cách thể hiện, như cây cối, ánh sáng, sắp đặt… cho nội thất cuối năm lung linh hơn.

Gia tăng sinh khí bằng nhiều cách thể hiện, như cây cối, ánh sáng, sắp đặt… cho nội thất cuối năm lung linh hơn.

Sỏi đá giúp chuyển hóa không gian

Trong các cách thức trang hoàng nhà cửa, đá cảnh, non bộ cũng là dạng xếp đặt mà gia chủ Việt ưa thích, nhất là với nhà có diện tích hoặc dùng sân trong, hàng hiên là nơi thư giãn, quây quần. Tính chất các mảng trang trí tiểu cảnh có sỏi đá vốn thuộc hành Thổ và một phần Thủy, Mộc, do vậy cần tìm chỗ bố trí Tương Sinh như khu vực trung tâm của nhà, giếng trời đón nhiều nắng hay ban công.

Có nhiều mức độ đưa sỏi, đá, cát… vào nhà tạo nên tiểu cảnh trang trí hợp phong thủy, tùy theo đặc tính môi trường và đặc trưng Ngũ Hành, Âm Dương của gia chủ. Chú ý tránh dùng các loại có cạnh sắc nhọn, bề mặt quá thô ráp hay quá nặng dễ bong tróc… sẽ gây bất lợi trong sử dụng và tạo cảm giác đè nén. Nên hình dung các góc tiểu cảnh là một khung tranh 3 chiều, cần khống chế các góc nhìn sao cho thưởng ngoạn được tốt nhất, tránh tình trạng xếp sỏi đá tràn lan, thiếu trọng tâm và không đạt thẩm mỹ.

Khi không gian và màu sắc trong nhà ngả về tối, đậm màu (tĩnh, âm) thì nên chọn sỏi đá có màu sáng để cân bằng. Ngược lại, nhà hay khoảng vườn thừa ánh sáng, chói chang quá thì phải dùng sỏi đá và cây lá có màu sẫm, ken dày hơn để giảm bớt khí Dương. Cần phải hình dung trước, thậm chí chấp nhận “thử và sai” để gia giảm cho vừa, tránh tình trạng lạm dụng sỏi đá khiến nội thất trở nên tối tăm, xù xì và ẩm thấp, đồng thời cũng phải tùy theo khí hậu, cấu trúc và cảm thụ nghệ thuật của gia chủ mà áp dụng cho phù hợp.

Ví dụ, đá ong là vật liệu có bề mặt xốp, nhiều lỗ rỗng và màu sắc chuyển từ xám đen đến vàng sậm nên muốn dùng trong nhà cần có không gian đủ rộng, có khoảng lùi để ngắm cũng như khoảng trống để thoát ẩm. Hoặc sỏi trắng vốn hay bám bụi nên cần trang trí tại những không gian sạch sẽ ít có sự va chạm hàng ngày như hồ cảnh nhỏ, góc phòng ít qua lại.

Tránh lạm dụng một loại sỏi đá sẽ gây cảm giác đơn điệu nhàm chán, nhưng cũng tránh phối hợp quá nhiều chủng loại sẽ gây rối mắt phức tạp.

Tại các điểm nhấn cần sự tạo sự nổi bật thì dùng đá với gạch gốm màu nóng (Hỏa sinh Thổ) sẽ hợp ngũ hành tương sinh. Đây cũng là giúp chuyển hóa đặc tính của không gian mà nếu khéo dùng sẽ tạo nên điểm nhấn thú vị, hợp tinh thần sống gần gũi thiên nhiên của người Việt.

Bài: KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-van-phong-thuy-trang-hoang-cho-an-hoa-42048.html