Tư vấn việc làm cho người cao tuổi
Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng dẫn đến tỷ lệ người cao tuổi (NCT) có lương hưu, trợ cấp xã hội đã thấp lại càng thấp hơn trong thời gian tới. Số người không có lương hưu sẽ buộc phải tiếp tục làm việc. Thực tế này đặt ra vấn đề về tư vấn việc làm cho NCT nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sau độ tuổi lao động.
Nỗi lo ngày càng hiện hữu
Về hưu với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Huy Giáp (Hà Nội) phải xin làm bảo vệ theo hợp đồng để có thêm tiền trang trải sinh hoạt. Làm bảo vệ tuy nhàn nhưng căng thẳng và mất thời gian, mỗi ngày ông phải trông xe từ 8 giờ sáng và tan làm lúc 17h giờ. Sau 6 tháng đi làm ông đành xin nghỉ vì lý do sức khỏe. “Nghĩ cũng tiếc lắm vì đi làm như thế mỗi tháng cũng được 7 triệu đồng, lại còn được nuôi bữa trưa. Có số tiền này cộng với lương hưu mỗi tháng tôi cũng để dành được 5 triệu đồng đề phòng khi ốm đau. Thế nhưng tuổi già không thể ngày nào cũng đứng ở đường được. Có nhiều công việc phù hợp hơn nhưng để làm được phải đi học nghề ngắn hạn, nhưng cũng không dễ vì muốn học cũng chưa chắc có người, có nơi dạy cho NCT”- ông Giáp chia sẻ.
Trường hợp như ông Giáp hiện không hiếm. Theo đánh giá hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, theo báo cáo của Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT công bố mới đây cũng cho thấy, phần lớn NCT nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%).
Đứng trước thực tế trên, tại Quyết định số 2156 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT, giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT cũng đã được đưa vào. Theo đó mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025 có ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Giai đoạn 2026 - 2030 có ít nhất 70% NCT có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Mặc dù vậy, theo đánh giá vấn đề dạy nghề cho NCT cũng gặp những rào cản do định kiến xã hội. Đa số quan niệm NCT cần nghỉ ngơi, không phải là đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề.
Hiện hầu như không có trường chuyên nghiệp nào thực hiện các hoạt động đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề cho người cao tuổi. Rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiến hành đào tạo, dạy nghề cho đối tượng là NCT.
Cần có chính sách hỗ trợ nghề đặc thù
Đề cập đến vấn đề hỗ trợ nghề cho NCT, ông Phan Văn Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam cho rằng, nhiều người lao động sau khi về hưu nhưng không chọn lối sống nghỉ ngơi mà tiếp tục khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình. Do vậy, cần xóa bỏ định kiến khởi nghiệp chỉ dành cho thanh niên hay người trung tuổi.
Theo ông Hùng, cả nước hiện có 221.000 NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, độ tuổi 60 - 69, có 50,4% NCT vẫn đang lao động, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình. Ở độ tuổi 70-79, con số này là 19,4%.
Thống kê trên không bao gồm NCT vẫn đang làm các công việc như chăm sóc cháu nhỏ, vườn tược, các công tác xã hội tình nguyện tại địa phương. Tuy nhiên, NCT chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức (81,4%) và trong ngành nông lâm thủy sản (90%). Chất lượng việc làm của NCT còn thấp, 58,8% lao động cao tuổi là lao động giản đơn. Thu nhập của NCT làm công hưởng lương chỉ bằng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường. Chính vì vậy, cần xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ NCT khởi nghiệp; cần tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn tín dụng và huy động vốn xã hội.
Đại diện Hội NCT tại các địa phương cũng cho rằng, cần hỗ trợ NCT vay vốn để phát triển sản xuất. Các cơ quan chức năng cũng cần sớm triển khai các dự án giáo dục để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm giàu cho NCT.
“Việc hỗ trợ NCT đào tạo nghề không chỉ góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho NCT mà còn giảm gánh nặng ngân sách về an sinh, do đó việc hỗ trợ đào tạo nghề cho NCT có ý nghĩa rất lớn. Trước mắt cần có những chính sách thực hiện thí điểm mô hình đào tạo nghề riêng biệt, phù hợp với năng lực, tâm lý của NCT”- ông Vũ Bá Rồng - đại diện Hội NCT Bắc Ninh đề xuất.
Đánh giá việc triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NCT, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận, hiện nay số NCT được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại Việt Nam không nhiều. Các chính sách hiện nay tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc sức khỏe cho NCT, hiếm có quy định cụ thể về các chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm.
Chính vì vậy, ông Dũng cho rằng, cần có chính sách bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, vừa góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-van-viec-lam-cho-nguoi-cao-tuoi-5739839.html