Từ vụ bắt 'siêu trộm' tôm hùm ở Hà Nội: Người tiêu thụ tôm hùm có phạm pháp?

Sau khi 'siêu trộm' tôm hùm ở Hà Nội bị bắt giữ, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, những người tiêu thụ con tôm hùm này có phạm pháp?

Mới đây, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Thanh Tú (38 tuổi, trú tại Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nghi phạm gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản, trong đó có vụ trộm tôm hùm gần 10 triệu đồng tại cửa hàng ở quận Cầu Giấy. Sự việc được camera ghi lại và người dân đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Về hành vi trộm cắp tài sản, theo luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, người nào thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác từ 2 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này bị phạt cải tạo không giam giữ thời hạn lên đến 3 năm hoặc phạt tù có thời hạn từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội có tổ chức; Có tính chuyên nghiệp…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Đối tượng Nguyễn Thanh Tú - nghi phạm gây ra vụ trộm tôm hùm gần 10 triệu đồng tại cửa hàng ở quận Cầu Giấy.

Đối tượng Nguyễn Thanh Tú - nghi phạm gây ra vụ trộm tôm hùm gần 10 triệu đồng tại cửa hàng ở quận Cầu Giấy.

Như vậy, với hành vi lấy trộm con tôm hùm, do vật bị trộm cắp có giá trị lên tới gần 10 triệu đồng nên đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội trộm cắp tài sản. Con tôm hùm được coi là tài sản do trộm cắp mà có.

Cá nhân mua, bán, trao đổi, cho, tặng, sử dụng, tiêu thụ tài sản này mà biết rõ chúng do trộm cắp mà có thì có thể bị xử lý hình sự về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Điều 323 BLHS 2015 nêu rõ, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Thực tế cho thấy, việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường được thực hiện bởi các hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, …

Việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ tiêu thụ tài sản mà người đó phạm tội mà có. Trường hợp có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là người này thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản thì sẽ tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thì lúc này người tiêu thụ tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm của người giao tài sản chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Người tiêu thụ tài sản phải biết rõ tài sản mà mình thực hiện việc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có. Đối tượng phạm tội là tài sản do phạm tội mà có. Việc định tội danh không cần xác định giá trị của tài sản này mà chỉ cần xác định được đó là tài sản do phạm tội mà có - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-vu-bat-sieu-trom-tom-hum-o-ha-noi-nguoi-tieu-thu-tom-hum-co-pham-phap-post582356.antd