Từ vụ sạt lở lấp xe khách ở Hà Giang: Cách xử lý hội chứng vùi lấp?

Tại Hà Giang mới đây xảy ra sạt lở đất lấp xe khách khiến nhiều người tử vong. Sau vụ việc đáng tiếc này, chuyên gia khuyến cáo cách xử lý hội chứng vùi lấp.

Nhận định của giới chuyên gia, nguy cơ lớn nhất của người bị vùi lấp là ngạt, tiếp đến là hội chứng đè ép, chảy máu nhiều, gãy xương. Nếu xử trí không đúng cách có thể khiến họ bị tử vong hoặc tàn phế.

Sạt lở ở Hà Giang có độ dốc lớn nên công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn. Ảnh: Hoàng Tuyến

Sạt lở ở Hà Giang có độ dốc lớn nên công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn. Ảnh: Hoàng Tuyến

Tham vấn trên Vinmec.com, bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc - cho biết: Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của hội chứng vùi lấp rất cao. Biện pháp quan trọng nhất có thể được thực hiện để giảm tỷ lệ tử vong trong những tình huống như vậy là bắt đầu điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị truyền thống như truyền dịch, lợi tiểu, và chạy thận nhân tạo không đủ khả thi để tiến hành tại hiện trường thảm họa. Do đó những cấp cứu cơ bản ban đầu rất quan trọng.

Bệnh nhân phải được đánh giá phù hợp, phân loại mức độ nghiêm trọng để được cấp cứu kịp thời: Đánh giá hô hấp, tuần hoàn; theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và mức độ bão hòa oxy.

Đồng quan điểm với bác sĩ Võ Hà Băng Sương, nhiều ý kiến bày tỏ, cách sơ cứu người bị vùi lấp rất quan trọng. Người sơ cứu, phải quan sát xung quanh hiện trường để đánh giá mức độ xảy ra tai nạn, thảm họa, ước đoán số nạn nhân bị nạn. Sau đó, tìm cách loại bỏ những nguy hiểm tại hiện trường, di chuyển nạn nhân khẩn cấp ra nơi an toàn để sơ cứu.

Nhanh chóng phán đoán, định hướng nơi nạn nhân có thể bị vùi lấp rồi khẩn trương, nhẹ nhàng đào bới, tránh gây tổn thương thêm. Nếu cảm thấy đã gần tới thì nên dùng tay moi. Khi đã thấy nạn nhân, nhanh chóng làm lộ phần đầu cổ. Nếu bới thấy chân thì phải đổi chiều để tìm phía đầu.

Khi đã lộ phần đầu, cần moi hết đất cát trong mũi miệng, kiểm tra xem nạn nhân còn tự thở được không, nếu không thì phải thổi ngạt ngay. Trong khi đó, những người khác tiếp tục bới để giải phóng phần ngực, kịp thời bóp tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngừng thở, tim không đập. Tiếp tục bới cho tới khi cơ thể nạn nhân được giải phóng hoàn toàn. Tuyệt đối không được lôi kéo khi một phần cơ thể còn đang bị vùi lấp.

Để đề phòng hội chứng đè ép chân tay do bị vùi lấp kéo dài, khi đào bới đến phần tay hoặc chân, nếu thấy vật nặng đè chẹn lên thì phải garo phía trên chỗ đó một chút (không chặt quá). Mục đích là để ngăn chất độc ở phần chi bị đè ép (được sinh ra do tế bào thiếu dưỡng khí) nhiễm vào các phần khác của cơ thể. Sau đó, tiêm thuốc trợ tim (nếu có) rồi từ từ nhấc bỏ vật đè và tiếp tục đào bới.

Sau khi đã đào bới xong, đặt nạn nhân nằm ngửa ở nơi đất phẳng, tiếp tục thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực cho đến khi nạn nhân tự thở lại được. Việc này có khi kéo dài đến 2-3 giờ.

Chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện, nhất là nếu có đặt garo. Phần chân tay có garo phải được để lộ, không ủ ấm ngay cả khi trời lạnh. Để tránh hoại tử chi, cần nới garo 30-60 phút một lần.

Trường hợp bị động đất hay vùi lấp do sạt lở cần nhớ phải lắng nghe mọi tiếng động khác lạ. Gọi lớn cho người bị nạn trả lời hoặc nạn nhân tự gõ gây tiếng động.

Bác sĩ Võ Hà Băng Sương cũng lưu ý thêm trong theo dõi và điều trị bệnh nhân với hội chứng vùi lấp, đó là: Lượng nước tiểu nên được duy trì ở mức 300 ml/giờ cho đến khi hết myoglobin niệu. Bên cạnh đó, việc tăng kali máu sẽ cần được điều trị. Đông máu rải rác nội mạch sẽ cần được điều trị bằng huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-vu-sat-lo-lap-xe-khach-o-ha-giang-cach-xu-ly-hoi-chung-vui-lap-332102.html