Từ vụ tài xế gây tai nạn thảm khốc ở Sơn La nghĩ về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Tài xế Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trước khi điều khiển xe gây tai nạn khiến 8 người thương vong, Hà đã uống khoảng 10 chén rượu. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đây là hành vi coi thường pháp luật, tài xế có thể phải chịu hình phạt đến 10 năm tù giam.
10 chén rượu và nỗi đau của nhiều gia đình
Một ô tô đầu kéo lưu thông trên quốc lộ 6 trong đêm 5/5 bất ngờ lao vào hàng tạp hóa ven đường khiến 1 người chết, 7 người bị thương ở Sơn La.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho biết, theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là vụ TNGT nghiêm trọng có lỗi của người điều khiển phương tiện khi không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường dẫn đến tai nạn.
Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người lái xe để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, lái xe trong tình trạng có rượu bia gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt có thể tới 10 năm tù, theo quy định tại khoản 2, Điều 260 bộ luật hình sự.
Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ trên cơ sở kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người làm chứng, giám định dấu vết trên phương tiện giao thông, xác định lộ trình hành trình của phương tiện, vẽ sơ đồ hiện trường và thực hiện các thủ tục tố tụng khác để làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi và lỗi của người điều khiển phương tiện, xác định hậu quả đã gây ra để xử lý hình sự lái xe.
Đồng thời, cũng sẽ tiến hành giám định thương tích đối với nạn nhân bị thương để tính tổng tỷ lệ thương tích, làm căn cứ xác định hậu quả để áp dụng pháp luật đối với tài xế.
Ngoài phải chịu hình phạt có thể lên đến 10 năm tù, lái xe Nguyễn Mạnh Hà (tài xế điều khiển xe đầu kéo trong vụ tai nạn) còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân.
Trong đó, các thiệt hại bao gồm chi phí sửa chữa tài sản bị hư hỏng, chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút trong quá trình nạn nhân điều trị và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần.
Đối với nạn nhân tử vong, còn phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương và tiền cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Điều đáng chú ý trong vụ án này là người điều khiển phương tiện đã uống quá nhiều rượu trước khi điều khiển phương tiện dẫn đến không làm chủ được hành vi của mình gây TNGT.
Theo hồ sơ điều tra, tại cơ quan công an, tài xế Hà khai nhận, khoảng 19h ngày 5/5 đã điều khiển xe đầu kéo BKS 26C - 037.37 di chuyển trên QL6 hướng Sơn La đi Hà Nội.
Trong khi dừng ăn cơm với bạn tên là S (công dân bản Sốp Sạng, Chiềng Pằn, Yên Châu) tối 5/5, Hà có sử dụng rượu, khoảng 10 chén nhỏ. Đến khoảng 22h cùng ngày, tài xế điều khiển xe di chuyển hướng Hà Nội. Khoảng 30 phút sau, tài xế gây ra vụ tai nạn.
"Đây là ý thức coi thường pháp luật, vi phạm luật phòng chống tác hại rượu bia và vi phạm luật giao thông đường bộ, cũng là căn cứ để chuyển sang khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt mà tài xế này phải đối diện sẽ rất nghiêm khắc.
Đây cũng chính là bài học cho nhiều người khi điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có nồng độ cồn. Chỉ 10 chén rượu cùng với sự bất cẩn, chủ quan, sự coi thường pháp luật, tài xế Hà đã cướp đi mạng sống của ít nhất một người, khiến 7 người khác bị thương tính đến hiện tại, kèm theo đó là nỗi đau, gánh nặng kinh tế của nhiều gia đình bị hại, trong khi bản thân tài xế vướng vòng lao lý, gia đình chính tài xế này cũng sẽ lao đao vì những gánh nặng mà họ mang lại", luật sư Cường nhấn mạnh.
Để "ma men" lái xe là thảm họa
Theo thống kê của Bộ Công an, 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5, lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra, xử lý 21.369 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Có thể thấy, dù lực lượng chức năng vẫn duy trì kiểm tra quyết liệt xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ thời gian qua, song số lượng người vi phạm vẫn ở mức cao.
Trong đó, không ít tài xế vi phạm là lái xe kinh doanh vận tải như tài xế Nguyễn Mạnh Hà trong vụ TNGT ở Sơn La nêu trên. Hay trong ngày 1/5 vừa qua, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã kiểm tra ô tô khách giường nằm mang BKS 36F-005.89, phát hiện tài xế T.V.V không chỉ chở quá 31 người so với quy định mà còn vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,099 mg/l khí thở.
Xe kinh doanh vận tải một khi gây tai nạn giao thông sẽ để lại hậu quả khủng khiếp bởi xe có trọng tải lớn, thậm chí chở trên xe rất nhiều hành khách.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) cho biết, qua thực hiện khảo sát 100 người từng bị TNGT thông liên quan rượu bia điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, có đến 46% trả lời vẫn sẽ tự lái xe máy chạy về sau khi sử dụng rượu bia, 20% còn lại cho biết sẽ tự lái ô tô thay vì xe máy.
"Điều này chứng tỏ dù đã suýt mất mạng vì TNGT liên quan nồng độ cồn nhưng họ vẫn không sợ", PGS TS Tuấn nói và cho rằng, cần thiết giữ quy định nồng độ cồn bằng 0.
Lý giải nguyên do kiên quyết giữ quy định nồng độ cồn bằng 0, Bộ Công an cũng cho biết, rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người.
Thời gian qua, cơ quan chức năng ghi nhận những con số đáng báo động về tác hại của rượu, bia. Điển hình như từ tháng 6/2022-12/2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra.
Trong số đó, 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Hơn 22 nghìn phạm nhân cũng đang chấp hành án phạt tù do gây ra những hành vi phạm tội sau khi sử dụng rượu, bia.
Cũng theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn.
Với điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam, thực sự rất cần quy định nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện. Bởi lẽ, điều kiện giao thông ở nước ta hiện nay có nhiều đặc thù, đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Theo Bộ Công an, việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.
Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý.
Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia). Đây là tỷ lệ rất đáng báo động.
Rượu bia còn là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm TTATGT còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Với những lý do nêu trên và tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ Công an khẳng định, việc cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông dần hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Sợ phạt nên không uống, chứ không phải sợ tai nạn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng) cho rằng quy định kiểm soát nồng độ cồn bằng 0 hiện nay ở Việt Nam bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, nếu không có kiểm soát của lực lượng chức năng, nhiều người vẫn chưa tuân thủ. Điều này chứng tỏ, có người chỉ đang sợ bị phạt nên không uống, còn ý thức không lái xe khi đã sử dụng rượu bia thì chưa hình thành thói quen.
Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Ông Cường cho rằng, về lâu về dài khi người dân có ý thức chấp hành nghiêm túc quy định về nồng độ cồn thì lúc đó có thể cân nhắc việc cho phép một giới hạn nhỏ, còn trong giai đoạn hiện nay cần phải giữ nguyên quy định như trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đang được Bộ Công an xin ý kiến Quốc hội.