Tự ý thỏa thuận phân định ranh đất…gây tranh chấp về sau
Sở TN&MT xác định, vụ việc tranh chấp đang đề cập là tranh chấp về đất đai, thẩm quyền giải quyết cấp sơ thẩm thuộc TAND huyện Gò Dầu.
Trong quá trình sử dụng đất, các hộ giáp ranh đã tự ý thỏa thuận xây dựng tường rào không khai báo với chính quyền địa phương, không có sự tham gia của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, làm thay đổi ranh thửa đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã được cấp, dẫn đến việc tranh chấp đất đai kéo dài.
Tự thỏa thuận xây rào phân ranh
Báo Tây Ninh nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Nhàn và chồng là ông Nguyễn Thanh Lâm. Gửi đơn với nội dung tương tự còn có bà Đặng Thị Thanh Xuân, hàng xóm giáp ranh với nhà bà Nhàn và ông Lâm. Cả hai hộ cùng ngụ tổ 14, ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.
Theo nội dung chính của hai đơn thư nêu trên, năm 2005, ông Tạ Duy Khương (nhà giáp ranh với hộ bà Xuân; bà Nhàn và ông Lâm) được UBND huyện Gò Dầu cấp GCNQSDĐ lần đầu số H00007… thửa đất số 138, tờ bản đồ số 10 (bản đồ 2000), diện tích 514m2.
Đến năm 2017, ông Khương xin cấp đổi GCNQSDĐ và được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh - Chi nhánh Gò Dầu (VPĐKĐĐ) cấp đổi giấy trên, sang bản đồ lưới năm 2005. Đất sau khi được cấp đổi thuộc thửa số 03, tờ số 39, diện tích 419,2m2 (diện tích giảm do trừ hành lang đường QL22B - công chức địa chính xã Cẩm Giang giải thích), đất tọa lạc tại địa chỉ như trên.
Thực tế, đất của ông Tạ Duy Khương giáp với đất của bà Nguyễn Thị Nhàn phía trước nhà (gần đường QL22B), giáp với đất của bà Đặng Thị Thanh Xuân tại đoạn ranh phía sau nhà. Năm 2018, ông Tạ Duy Khương làm thủ tục tặng cho QSDĐ nêu trên cho con trai là Tạ Duy Phúc.
Vợ chồng bà Nhàn và bà Xuân cho rằng, tại thời điểm năm 2018, khi thực hiện thủ tục bước đầu để cấp GCNQSDĐ từ ông Khương sang ông Phúc, công chức địa chính xã Cẩm Giang không đo đạc thực tế, không lấy ý kiến tứ cận giáp ranh đúng người… làm phát sinh việc cấp GCNQSDĐ cho ông Phúc chồng lấn diện tích sang thửa đất của bà Nhàn 5m2, sang thửa đất của bà Xuân 3,3m2.
“Trong khi, trước đó, gia đình ông Phúc, gia đình tôi và gia đình bà Nhàn đã có sự thống nhất trong việc phân ranh sử dụng đất bằng tường rào kiên cố bề dày 20cm (có đoạn rào lưới kẽm B40), do chính bên phía gia đình ông Phúc xây dựng. Có tường rào phân định ranh, đất của bên nào thì bên đó sử dụng, nhưng về mặt giấy tờ sau này mới phát hiện diện tích đất của ông Phúc đã có sự chồng lấn ranh như trên. Dẫn đến việc gia đình tôi và bà Nhàn không thực hiện được thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ”- bà Đặng Thị Thanh Xuân trình bày.
Bà Nguyễn Thị Nhàn cũng cho hay: “VPĐKĐĐ có Thông báo số 178 ngày 3.7.2020 từ chối giải quyết hồ sơ xin cấp đổi GCNQSDĐ của tôi. Lý do, ông Phúc không đồng ý với hiện trạng sử dụng đất như vậy, ông đề nghị phải giải quyết dứt điểm tình trạng diện tích đất bị chồng chéo ranh... Nay tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của công chức địa chính xã Cẩm Giang tại thời điểm cấp GCNQSDĐ cho ông Phúc, đồng thời thực hiện cấp đổi giấy GCNQSDĐ theo yêu cầu của gia đình tôi và bà Xuân”.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND xã Cẩm Giang đã có văn bản trả lời cho hộ bà Nhàn và bà Xuân, đại ý khẳng định, việc cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Tạ Duy Khương từ hệ thống bản đồ năm 2000 sang bản đồ 2005 là khớp với ranh giới thửa đất, ranh thửa không thay đổi và trùng khớp với ranh trên bản đồ đã được 3 cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hơn nữa, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Khương, sau đó là ông Phúc đã được VPĐKĐĐ thẩm định, thực hiện.
Trong các văn bản trả lời cho hộ bà Nhàn và bà Xuân, UBND xã Cẩm Giang cũng đã có nội dung hướng dẫn hai hộ về hướng giải quyết. Theo đó, các bên đều đã được cấp GCNQSDĐ, cần thiết thì thực hiện đo đạc theo diện tích thể hiện trên giấy và ngoài thực địa, xác định đất của ai đến đâu thì sử dụng đến đó. Trường hợp trong quá trình sử dụng đất có xảy ra sự chồng chéo về ranh thửa thì các bên nên thương lượng, nếu không thương lượng được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Dẫn đến tranh chấp dân sự về QSDĐ
Ông Nguyễn Thanh Sơn- công chức địa chính xã Cẩm Giang cho biết, việc cấp đổi GCNQSDĐ từ bản đồ lưới tọa độ HN72 sang hệ thống bản đồ lưới tọa độ VN2000 (được đo vẽ năm 2005, thường gọi là bản đồ năm 2005), căn cứ theo các thông tư hướng dẫn có liên quan thì việc cấp GCNQSDĐ lần đầu mới cần thực hiện thủ tục lấy ý kiến tứ cận giáp ranh để xác lập bảng mô tả ranh giới, mốc giới giáp ranh...
Riêng vấn đề sau này thực hiện chuyển đổi giữa hai hệ thống bản đồ với nhau trong khi các ranh đã trùng khớp thì việc lấy ý kiến tứ cận giáp ranh không còn là điều kiện cần thiết. Trong trường hợp này, giữa hai hệ thống bản đồ đã khớp ranh, các hộ liên quan cũng đã được cấp GCNQSDĐ nên cơ quan chức năng phải thực hiện chuyển đổi cho người dân theo đúng quy định.
Ông Phạm Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND xã nêu ý kiến, ranh tường rào, hàng rào được xây dựng như hiện trạng là do các bên tự ý thỏa thuận với nhau trong quá trình sử dụng đất, việc này không được sự chứng kiến của cơ quan hoặc người có thẩm quyền (cụ thể là công chức địa chính xã). Mặt khác, các bên tự thỏa thuận xây dựng tường rào để phân ranh như hiện trạng cũng chưa được thông qua thủ tục điều chỉnh biến động đất đai theo quy định, dẫn đến việc ranh đất trên thực tế không trùng khớp với ranh theo GCNQSDĐ đã được cấp.
Ông Phong còn cho hay, việc hộ bà Nhàn, bà Xuân yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với công chức địa chính tại thời điểm cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Khương, ông Phúc là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Vì công chức địa chính tại thời điểm đó đã thực hiện thủ tục cấp đổi giấy theo đúng trình tự quy định.
Qua kiểm tra hồ sơ địa chính cũng cho thấy ranh thửa đất không thay đổi, trùng khớp với ranh trên bản đồ đã được 3 cấp phê duyệt. UBND xã có tổ chức hòa giải nhưng không thành. Vụ việc đến đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Hiện ông Phúc cũng đã nộp đơn khởi kiện tại TAND Gò Dầu, để yêu cầu giải quyết tranh chấp về QSDĐ đối với hộ bà Nhàn và bà Xuân.
Hộ bà Nhàn, bà Xuân vẫn không đồng ý với hướng giải quyết của UBND xã nên tiếp tục gửi đơn đến một số cơ quan trong tỉnh. Trong đó, bà Nguyễn Thị Nhàn và ông Nguyễn Thanh Lâm có gửi đơn đến Sở TN&MT.
Ngày 7.1.2022, Sở TN&MT có Văn bản số 148 trả lời đơn cho vợ chồng bà Nhàn. Nội dung chính của văn bản này xác định việc thực hiện các thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Tạ Duy Khương là đúng theo quy định, đúng theo bản đồ lưới 2005 đã được phê duyệt ở 3 cấp có thẩm quyền. Việc ông Khương tặng cho QSDĐ cho ông Tạ Duy Phúc cũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo văn bản trả lời của Sở TN&MT, gia đình bà Nhàn và ông Phúc tự ý cắm ranh không khai báo với chính quyền địa phương, không có sự tham gia của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, làm thay đổi ranh thửa đất so với GCNQSDĐ đã được cấp, dẫn đến việc tranh chấp đất đai.
Căn cứ khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định về giải quyết tranh chấp đất đai đã được tổ chức hòa giải tại UBND xã nhưng không thành, thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án. Cụ thể là tranh chấp đất đai mà đương sự có GCNQSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.
Sở TN&MT xác định, vụ việc tranh chấp đang đề cập là tranh chấp về đất đai, thẩm quyền giải quyết cấp sơ thẩm thuộc TAND huyện Gò Dầu. Trong đơn khởi kiện, bà Nhàn và ông Lâm được quyền yêu cầu xem xét lại giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Tạ Duy Khương có đúng quy định pháp luật hay không.