Tuấn Anh - chấm phá khác biệt của tuyển Việt Nam
Tuấn Anh là điểm khác biệt lớn của tuyển Việt Nam quá khứ và đội bóng hiện tại ở Vòng loại World Cup 2022, một đội tuyển đã đạt tới đẳng cấp châu Á.
Nửa năm sau ngày lá thăm đưa tuyển Việt Nam vào một trong những bảng đấu khó nhất, 2 tháng sau khởi đầu chật vật trước Thái Lan trên đất khách, không nhiều người dám tin rằng thầy trò Park Hang-seo sẽ làm tốt đến vậy ở Vòng loại hai World Cup 2022 khu vực châu Á.
Khép lại lượt đi, tuyển Việt Nam là đội dẫn đầu bảng G, có 10 điểm, nắm trong tay rất nhiều lợi thế trên chặng đường còn lại.
Chiến thắng trước đệ tứ anh hào châu Á UAE tối 14/11 tiếp tục khẳng định: tuyển Việt Nam đã bước lên một đẳng cấp khác ở châu Á.
Đẳng cấp khác của tuyển Việt Nam
Đẳng cấp châu Á nghĩa là gì? Trong bóng đá, đẳng cấp nghĩa là đạt được kết quả tốt nhất trong điều kiện ngặt nghèo nhất, có lợi thế thì nhất định phải thắng, gặp bất lợi cũng không thể chịu thua. Đẳng cấp là gặp đội mạnh vẫn có thể vượt qua, gặp đội yếu thì không bao giờ mắc sai lầm. Đẳng cấp là tự mình đoạt được mọi thứ, không trông chờ hỗ trợ từ bên ngoài. Đẳng cấp là đá sân khách cũng đường hoành giành điểm, thiếu trụ cột vẫn không suy giảm sức mạnh.
Đẳng cấp đó là thứ tuyển Việt Nam đang có tại bảng G vòng loại hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Nếu chia triều đại Park Hang-seo thành hai thời kỳ trước và sau Asian Cup 2019, ta sẽ thấy rõ sự thay đổi lớn về đẳng cấp.
Tại Asian Cup, tuyển Việt Nam không thể tự quyết định được số phận của mình dù nắm trong không ít lợi thế. Thầy trò Park Hang-seo không thắng được Iraq dù 2 lần dẫn trước, không ghi đủ số bàn trước Yemen, phải nhờ tới kết quả những bảng khác để có vé vớt vào vòng 1/8.
4 trận trước UAE, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, tuyển Việt Nam thủng lưới 1 bàn.
Ngày nay, tuyển Việt Nam hiên ngang dẫn đầu bảng G. Quang Hải và đồng đội buộc Thái Lan chia điểm trên sân khách, tận dụng sân nhà để hạ UAE, không cho Malaysia và Indonesia cơ hội tạo ra bất ngờ.
Làm được những việc đó một lần là may mắn, nhiều lần là đẳng cấp.
10 điểm ở vòng loại sau 4 trận là kết quả rất ít người nghĩ tới. Tuy nhiên, nó là phần thưởng xứng đáng với những gì thầy trò Park Hang-seo đã thể hiện trong 3 tháng qua. Với 10 điểm ấy, mục tiêu 17 điểm để đảm bảo suất đi tiếp với tư cách đội nhì bảng hay nhất đã nằm trong tầm tay. Nhưng thật ngớ ngẩn khi nói về điều đó vào lúc này, bởi giờ đây, ngôi đầu bảng mới là đích nhắm của tuyển Việt Nam.
Thành tích của những chàng trai áo đỏ càng ấn tượng hơn bởi tuyển Việt Nam đã khởi đầu hành trình World Cup trong bảng đấu khó nhất châu Á. Bảng G là nơi duy nhất hiện diện hai đội tuyển trong tốp 8 Asian Cup trong đó UAE là đệ tứ anh hào. Đội kế tiếp là Thái Lan cũng vượt qua vòng bảng Asian Cup. Chiến thắng ở bảng này nghĩa là tuyển Việt Nam thừa sức thách thức mọi bảng khác, nghĩa là đã tiến rất gần nhóm 12 cường quốc châu Á.
Tuấn Anh - người bắn hạ những siêu sao
Trên hành trình mới ấy của tuyển Việt Nam, không thể quên cái tên Nguyễn Tuấn Anh. Chàng “Nhô” cũng là sự khác biệt lớn nhất của tuyển Việt Nam trước và sau Asian Cup.
Tiền vệ quê Thái Bình trở lại đội tuyển từ King’s Cup. Anh nhanh chóng xua tan những hoài nghi và đánh chiếm vị trí chính thức chỉ sau vài trận bằng phong độ đỉnh cao và lối chơi khác biệt.
Trước UAE tối 14/11, Tuấn Anh ở vị trí tiền vệ lùi sâu đã góp công lớn vào việc vô hiệu hóa Cầu thủ hay nhất châu Á năm 2016 Omar Abdulrahman. Trước đó, anh cũng là người phong tỏa đáng kể tầm hoạt động của Chanathip Songkrasin khi Việt Nam gặp Thái Lan hồi tháng 9. Sang tháng 10, tiếp tục là Tuấn Anh nhảy múa trước tuyến tiền vệ mạnh của Malaysia ở Mỹ Đình.
Ý định quy hoạch Tuấn Anh thành “thợ săn ngôi sao” của ông Park đã thành công mỹ mãn. Anh luôn làm tốt nhiệm vụ của mình trước những cầu thủ hay nhất bên phía đối thủ, hạn chế họ, bảo vệ vùng giữa sân đồng thời kiêm luôn cả nhiệm vụ phát động từ xa.
Sự xuất sắc của Tuấn Anh trực tiếp khiến cơ hội ra sân của bộ ba Phạm Đức Huy, Nguyễn Huy Hùng và cả Lương Xuân Trường giảm đi đáng kể. Mới trở lại từ tháng 6, Tuấn Anh đã chơi 3 trong số 4 trận có thể cho tuyển Việt Nam (vắng mặt trước Indonesia vì chấn thương).
Nhờ Tuấn Anh, ông Park có một tiền vệ “hai trong một” ở vùng giữa sân. Anh tranh chấp giỏi, phòng ngự tốt, tấn công không tệ bằng cả khả năng phát động, đi bóng lẫn sút xa. Cùng với Hùng Dũng, đây có lẽ là cặp tiền vệ toàn diện nhất Đông Nam Á hiện nay.
Trước Tuấn Anh, hiếm có ai được ông Park dành cho những lời này: “Ngày 14/11 của 2 năm trước là trận đấu ra mắt của tôi gặp Afghanistan. Sau trận đó, tôi đã luôn dõi theo các trận cầu có mặt Tuấn Anh. Tôi biết Tuấn Anh rất tài năng nhưng rất tiếc, mỗi lần tôi muốn gọi, cậu ấy đều chấn thương”.
“Tôi không hồi sinh Tuấn Anh mà đó là năng lực của cậu ấy. Bản thân Tuấn Anh là cầu thủ tài năng còn tôi chỉ là người gọi cậu ấy lên tuyển. Cậu ấy không chỉ xuất sắc mà còn có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ”, ông Park nhấn mạnh.
Lần gần nhất tuyển Việt Nam biết tới thất bại là ngày 24/1 trước Nhật Bản. Hôm ấy không có Tuấn Anh.
Những chiến thắng 1-0 và sự ổn định của hệ thống Park Hang-seo
Trước UAE, đây là lần thứ 4 liên tiếp bộ tứ hàng thủ Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh và Bùi Tiến Dũng cùng xuất trận ở vòng loại World Cup. 4 trận ấy, tuyển Việt Nam giữ sạch lưới 3 lần, 3 lần thắng với tỷ số 1-0. Một chuỗi trận như thế thì không hề tình cờ.
Khác với những chiến thắng thót tim ở U23 châu Á, bản sắc riêng của tuyển Việt Nam đang định hình ngày càng rõ ràng. Đó là lối chơi phòng ngự phản công với nền tảng 3 trung vệ cùng một thủ thành chống bóng bổng tốt, là những chiến thắng tối thiểu nhưng chắc chắn, là sự vững vàng về tâm lý, sự ổn định cao về phong độ.
Sau 4 trận tại vòng loại World Cup, ông Park đã tạo ra một cỗ máy Việt Nam gần như hoàn hảo, tối đa hóa công suất của mọi bộ phận, lập trình mọi thứ gần tới mức cực đoan. Hệ thống ấy cực đoan tới mức rất ít cầu thủ mới chen chân được vào. Trọng Hoàng chưa bình phục 100% chấn thương hay Văn Hậu không cần khỏe nhất vẫn luôn có suất đá chính vì họ quen thuộc và hiểu rõ hệ thống.
Từ chỗ liên tục thay đổi đội hình xuất phát ở U23 châu Á hay AFF Cup hồi 2018, đội hình tại vòng loại World Cup 2022 gần như cố định. Nhắm mắt, ta cũng đoán được thủ môn, bộ ba trung vệ, các cầu thủ chạy cánh... Đội hình này chính là kết tinh những gì tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, kết tinh công sức của ông Park và cả thế hệ trong 2 năm vừa qua.
Đến đây, cần nói về vai trò của Công Phượng, người đã nhận vô số chỉ trích sau trận đấu đêm 14/11. Một cầu thủ đã ra sân 3 trong 4 trận của tuyển Việt Nam tại vòng loại thì chắc chắn có chỗ trong tính toán của ông Park. Anh chỉ không có chỗ trong... suy nghĩ của các cổ động viên.
Những tình huống đi bóng “cắm đầu vào tường”, những pha để mất bóng, khuôn mặt bất lực sau mỗi thất bại khiến chúng ta hiểu nhầm về Công Phượng. Nếu để ý kỹ, người hâm mộ sẽ thấy Phượng gần như không được hỗ trợ trong mọi đường lên bóng. Bởi nhiệm vụ của Phượng không phải là tấn công ghi bàn. Ra sân ở phút 58, khi tỷ số là 1-0 và tuyển Việt Nam đã chuyển sang trạng thái phòng ngự, ông Park cần Phượng giữ bóng, cầm bóng thật nhiều, giữ bóng thật lâu, kéo dài thời gian, quấy rối đối thủ và giảm áp lực cho hàng thủ Việt Nam.
Với cách bố trí ấy, ông Park không kỳ vọng Phượng đi bóng vượt qua cả hàng thủ UAE (đương nhiên rồi). Anh ở trên sân để “ghim” các hậu vệ đối phương tại sân nhà, để nhắc họ nhớ rằng Việt Nam vẫn có một mối nguy hiểm thường trực, để họ không thể dồn hết người về phía khung thành Văn Lâm. Phượng là chiếc mỏ neo giữ đội bạn ở lại, là tấm khiên chắn đầu tiên của hàng thủ Việt Nam.
Công Phượng luôn là cầu thủ tấn công tôi tin tưởng.
HLV Park nói sau trận UAE tối 14/11
Trong bối cảnh ấy, những điều Phượng làm được đã vượt quá kỳ vọng của HLV. Anh có ba lần đột phá, hai lần đưa được bóng vào vòng cấm, kiến tạo cho Quang Hải dứt điểm chệch cột dọc ở phút 89. Những đóng góp ấy là “giá trị thặng dư” riêng mà Công Phượng đã dành cho đội tuyển chứ không phải “gánh nặng” hàng công như suy nghĩ của nhiều người. Thử đặt câu hỏi, nếu không phải Phượng, ai ở tuyển Việt Nam làm được như vậy thời điểm đó?
Người hâm mộ chưa hiểu Công Phượng nhưng HLV Park thì không quên anh. Trong phòng họp báo sau trận, ông bảo: “Kết quả hôm nay có được bởi cầu thủ đã thực hiện hết vai trò của mình ở các vị trí ban huấn luyện giao phó. Tôi muốn cảm ơn họ. Về Công Phượng, đó luôn là cầu thủ tấn công tôi tin tưởng”.
Chỉ trích Công Phượng nghĩa là không hiểu gì về nhiệm vụ của anh. Thất vọng về Công Phượng nghĩa là đã kỳ vọng sai về vai trò của anh. Với ông Park, Công Phượng vào sân để làm một việc khác và anh đã hoàn thành công việc ấy.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tuan-anh-cham-pha-khac-biet-cua-tuyen-viet-nam-post1013580.html