Tuần hàng nông sản Hà Nội: Tăng cường kết nối cung, cầu
Sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 7, vừa qua, Tuần hàng trái cây, nông sản tại Hà Nội (lần thứ 3) tiếp tục được Sở Công Thương Hà Nội triển khai và thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà phân phối tại các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, Tuần hàng được coi là một trong những sự kiện nhằm kích cầu tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền đến gần hơn với người tiêu dùng; kết nối các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đến với hệ thống bán lẻ hiện đại.
Tăng cường kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2020, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ các địa phương quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ trên 10.000 tấn sản phẩm dư cung, khó khăn tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như dưa hấu Gia Lai, cá nước lạnh Sapa, ngao hai cồi Quảng Ninh.
Hiện nay, khi dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát tốt, Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và giải pháp thúc đẩy kinh tế, thực hiện các chương trình thương mại tập trung khi kết hợp với Central Retail và MM Mega Market và siêu thị Co.opmart SCA Long Biên tổ chức 3 tuần hàng trái cây, nông sản vùng miền tại Hà Nội.
Đánh giá về cơ hội tại các tuần hàng, chương trình kết nối nông sản do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, đại diện tập đoàn Central Retail, MM Mega Market Việt Nam và đại diện siêu thị Co.opmart đều khẳng định, tuần hàng không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp, Hợp tác xã tiêu thụ hàng hóa mà còn là cơ hội để hệ thống siêu thị của các tập đoàn này tìm kiếm thêm các nhà cung cấp. Đồng thời, bổ sung thêm các sản phẩm nông sản là đặc sản vùng miền tại các địa phương trên các kệ hàng tại hệ thống bán lẻ hiện đại.
Bởi vậy, các đơn vị đều tổ chức kết nối tiêu thụ trực tiếp giữa bộ phận thu mua của hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart và MM Mega Market Việt Nam với các đơn vị tham gia tuần hàng. Đại diện siêu thị BigC khẳng định, thông qua các tuần hàng, hội chợ kết nối trực tiếp, BigC đã tìm kiếm thêm được nhiều mặt hàng để làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm của siêu thị, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Tham gia giới thiệu sản phẩm tại các Tuần hàng trái cây, nông sản do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, cũng như các nhà phân phối đều khẳng định, việc kết nối đối tác để tiêu thụ sản phẩm thông qua các tuần hàng khá hiệu quả. Tại Tuần hàng trái cây, nông sản do Sở Công Thương tổ chức lần thứ 2 năm 2020, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, chính nhờ việc tham gia các tuần hàng, các hội chợ kết nối mà các sản phẩm của Hợp tác xã Văn Đức đã vượt qua biên giới, tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài như Canada, Hàn Quốc...
“Chúng tôi tham gia các tuần hàng không nhằm mục đích bán hàng, mà nhằm gặp gỡ các đối tác để kết nối các kênh tiêu thụ mới, ngoài kênh tiêu thụ hiện có. Và hiệu quả mang lại rất lớn, chúng tôi đã liên kết được với rất nhiều đối tác tại các chương trình kích cầu như thế này, mà cụ thể, hiện các sản phẩm của Hợp tác xã Văn Đức đã được tiêu thụ ổn định tại các siêu thị của MM Mega Market và Aeon Việt Nam”, ông Minh cho hay.
Cũng giống như Hợp tác xã Văn Đức, ông Nguyễn Tuấn Sinh, nhà phân phối sản phẩm Cà gai leo cũng khẳng định, việc tham gia giới thiệu sản phẩm tại các tuần hàng không chỉ là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết với các đối tác; các hệ thống phân phối hiện đại tại thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhà phân phối đưa sản phẩm trực tiếp đến gần hơn với người tiêu dùng thủ đô.
Cơ hội kết nối trực tiếp với người tiêu dùng
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia tuần hàng, hội chợ đều không quá chú trọng đến việc bán hàng tại các sự kiện nhưng đều khẳng định, đây là cơ hội để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, có thêm một kênh truyền thông, marketing cho sản phẩm mà không phải lúc nào cũng có được vì đa phần đều phân phối sản phẩm cho hệ thống đại lý hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Văn Đức chia sẻ, chỉ khi trực tiếp gặp gỡ khách hàng, giới thiệu về quy trình canh tác, sản xuất sản phẩm, khách hàng mới cảm nhận được sự an toàn của sản phẩm. Hiện nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Văn Đức đã đạt tiêu chuẩn 4 sao của OCOP nên việc tham gia các tuần hàng là một cách để giới thiệu trực tiếp chất lượng sản phẩm rất hiệu quả đến người tiêu dùng và đối tác.
Từ ngày 3/10 – 7/10, tại siêu thị Co.opmart SCA Long Biên, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng với hệ thống siêu thị Co.opmart tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản Hà Nội năm 2020 (lần thứ 3). Sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố những tháng cuối năm 2020, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là sau đại dịch Covid 19...Đồng thời, mang các sản phẩm đặc sản vùng miền đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
“Bình thường người tiêu dùng chỉ thấy sản phẩm của chúng tôi qua các hệ thống siêu thị; vì thế, khi đến với các sự kiện tuần hàng kết nối, giao thương họ được gặp gỡ trực tiếp với những người sản xuất ra sản phẩm, chắc chắn họ sẽ tin tưởng và tìm mua sản phẩm nhiều hơn”, ông Minh khẳng định.
Ông Phan Trọng Tuệ, Hợp tác xã Nhung Lũy cũng xác định tham gia các sự kiện kết nối, các tuần hàng là cơ hội được giao lưu trực tiếp với khách hàng, để khách hàng hiểu hơn các sản phẩm của mình. Cơ hội tiêu thụ sản phẩm rất ít, thậm chí không đủ để bù lại chi phí nhân sự, vận chuyển trong mỗi sự kiện. Tuy thế, ông Tuệ vẫn khá chú trọng đến các sự kiện này bởi, thông qua các tuần hàng, hội chợ các sản phẩm của Hợp tác xã Nhung Lũy, cũng như các sản phẩm do Hợp tác xã này phân phối có cơ hội maketing trực tiếp đến các khách hàng của mình, qua đó để họ hiểu hơn các dòng sản phẩm của Công ty.
“Trước đây chúng tôi chỉ giới thiệu sản phẩm mì....tuy nhiên, sau khi thương hiệu gạo quốc gia ST25 được biết đến, chúng tôi đã tìm kiếm và phân phối các sản phẩm này đến trực tiếp với người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm gạo ST25 do chúng tôi phân phối cũng được đăng ký mã số, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, giá bán thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm ST25 cùng loại đang bán ra ngoài thị trường (giá bán 38.000 đồng/1kg) bởi chúng tôi tiết kiệm được các khâu trung gian, khâu phân phối. Nhờ đó, người tiêu dùng cũng được tiếp cận với sản phẩm chất lượng, mà giá thành lại hợp lý”, ông Tuệ cho hay.
Tham gia sự kiện quảng bá nông, đặc sản ở Hà Nội nhằm tăng cường sự kết nối giữa đơn vị sản xuất, nhà phân phối...cũng là ý kiến được bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp đưa ra. Theo bà Nga,các doanh nghiệp Đồng Tháp cũng đã tham gia giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu tại các tuần hàng trái cây, nông sản do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Đây là cơ hội cực lớn để Đồng Tháp giới thiệu các sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh thành khác, cũng như để người tiêu dùng quen dần với các sản phẩm nông sản, thương mại du lịch của Đồng Tháp.../.