Tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao gần đây tiếp tục khẳng định lập trường của Việt Nam là tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện biện pháp hòa bình để giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Phiên họp lần thứ 15 các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN

Phiên họp lần thứ 15 các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN

Giữ vững môi trường hòa bình

Theo giới chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng khó khăn hơn do dịch Covid-19, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông sẽ trở thành vấn đề “nóng” trên nghị trường quốc tế. Bởi lẽ, vận tải thông qua Biển Đông chiếm tới gần 2/3 lượng vận tải thương mại trên thế giới bằng đường biển. Cùng với đó, nền kinh tế của nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đông Á phụ thuộc chủ yếu vào các tuyến hàng hải qua khu vực Biển Đông. Mặt khác, nhiều quốc gia ngoài khu vực Biển Đông cũng coi đây là khu vực chiến lược mang tính sống còn của mình, điển hình như Mỹ.

Từ lâu, Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các nước trong khu vực và cả các cường quốc thế giới. Lợi ích ở Biển Đông là rất lớn và ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của nhiều nước. Chính vì lẽ đó, đa phương hóa quan hệ ngoại giao và đa dạng hóa lợi ích trên các vùng biển của Việt Nam là những định hướng quan trọng để bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển của nước ta trên Biển Đông theo cách tiếp cận hòa bình.

Liên quan tới tình hình đối ngoại và công tác Biển Đông, hải đảo trong thời gian gần đây, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định, dù phải ứng phó với nhiều thách thức mang tầm quốc tế, Việt Nam vẫn luôn giữ vững được môi trường hòa bình thuận lợi và an toàn để phát triển.

Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ tốt với các nước lớn, nước láng giềng, khu vực, từ đó nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã là minh chứng rõ nét cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Đối với những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam kiên quyết, kiên trì, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ theo luật pháp quốc tế; kết hợp giữa đấu tranh với hợp tác bảo đảm lợi ích dân tộc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, kể từ đầu năm tới nay, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã và đang khiến thế giới tiến tới bờ vực suy thoái kinh tế, nhưng nhìn ở góc độ lạc quan, đây cũng là động lực quan trọng để điều trình quá trình toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng cân bằng, bền vững hơn trước. Đó cũng chính là thách thức và cơ hội của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, cần có giải pháp ngăn chặn việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tăng cường quản lý các tàu cá để tránh vi phạm vùng biển nước ngoài, ngoài vấn đề kinh tế, nhiệm vụ này còn là vấn đề về an ninh. Mặt khác, hiện cũng cần có giải pháp phát triển kinh tế biển, đa dạng hóa nguồn khách du lịch đến các địa phương vùng biển nhằm tận dụng các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
ASEAN là “nòng cốt”
ASEAN được quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công và đoàn kết hàng đầu trên thế giới hiện nay. Trái ngược với xu hướng chia rẽ nội bộ trong các tổ chức quốc tế, ASEAN đang khẳng định tinh thần đoàn kết ngày một tăng cao, nhất là trong năm 2020 khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN. Giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, ASEAN thành công và đoàn kết bởi chính từ sức mạnh nội lực cũng như lập trường nhất quán, đó là: Hòa bình và ổn định; đoàn kết và thống nhất; thịnh vượng và bền vững. Đây là mục đích, bản sắc và cũng là mục tiêu phấn đấu của ASEAN, từ đó tạo dựng được vị thế, hình ảnh và vai trò, trách nhiệm trên trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) ASEAN của Việt Nam, ASEAN hiện là nòng cốt, giữ vai trò trung tâm trong kết cấu an ninh ở khu vực, hình thành và dẫn dắt các cơ chế mà có sự tham gia của rất nhiều nước lớn tham gia. Trên thực tế, ASEAN đang đẩy mạnh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông (COC).

Dù phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19, cũng như thế giới và khu vực xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp và thách thức an ninh, ASEAN vẫn hoạt động tham vấn để phát huy vai trò trung tâm ở mức cao nhất. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, dù tác động của dịch Covid-19 là rất lớn đối với ASEAN, nhưng hòa bình và an ninh vẫn luôn là nghị sự ưu tiên và quan trọng hàng đầu của ASEAN. Trong đó, duy trì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông luôn là quan tâm ưu tiên của ASEAN. Những nguyên tắc của ASEAN nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đảo Trường Sa Đông của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đảo Trường Sa Đông của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nổi bật là 3 nguyên tắc cơ bản gồm: Đảm bảo cho được hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an toàn và tự do hàng hải; tất cả các nước phải tôn trọng pháp luật quốc tế; các nước phải thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận của ASEAN cũng như ASEAN-Trung Quốc về thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); các nước có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy những nguyên tắc chuẩn mực ở khu vực, thực hiện DOC và xây dựng COC.

Các diễn biến phức tạp trên ở Biển Đông có thể gây xói mòn lòng tin, khi khu vực đang rất cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để tập trung phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, ASEAN và từng nước thành viên đều cần phải có tiếng nói, cần phải khẳng định thêm nữa việc tôn trọng các nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tuan-thu-luat-phap-quoc-te-trong-giai-quyet-tranh-chap-tren-bien-dong-post429829.html