Tục cúng ghe đầu năm ở Nam Bộ

Ngày Tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không thể không có một bàn thờ trên ghe với mâm ngũ quả, bình hoa, cặp bánh tét và nhang đèn.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc điểm cơ bản nhất là sông ngòi chằng chịt. Cứ bước chân ra khỏi cửa nhà là gặp ngay kinh, rạch. Từ đó, ghe xuồng được ví như đôi chân, giúp con người rong ruổi khắp đó đây từ việc mưu sinh đến các chức năng khác.

Người miền Tây Nam Bộ nói chung và người dân Hậu giang nói riêng coi ghe như nhà. Từ những chiếc ghe tam bản, xuồng ba lá dùng để đi lại hàng ngày cho đến những chiếc ghe chài, ghe mui lớn dùng để đi buôn bán, vận chuyển hàng hóa, chủ nhân của nó đều thờ, cúng ghe.

Đối tượng được dân đi ghe thờ là Bà Cậu. Tuy thần tích không rõ ràng, đối với người bình dân, Bà Cậu là thần tốt, thân thiện, còn Hà Bá là ác thần chuyên gây tai họa cho con người.

Về hình tượng Bà Cậu có nhiều giả thuyết, nhưng đa số chủ ghe thường truyền tụng đó là bà già và hai người con trai là cậu Trài (Tài) và cậu Quý, chuyên cứu giúp người trên sông nước. Thờ cúng Bà Cậu là hướng tới hai đối tượng có quan hệ mẹ - con. Tran thờ Bà có luôn hình “nhị vị công tử” được đặt trang trọng phía trước. Mặt Bà và hai Cậu thường nhìn ngang.

Nơi tran thờ lúc nào cũng có dĩa trái cây, ba chung nước. Hàng ngày các ghe đều thắp nhang đều đặn vào lúc chạng vạng và bình minh.

Đến ngày mùng hai và mười sáu hàng tháng thì cúng thêm dĩa bánh, kẹo, bó hoa tươi...

 Sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây. Ảnh: Q.M.

Sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây. Ảnh: Q.M.

Năm hết, Tết cận kề cũng là lúc người đi ghe xuồng tranh thủ kéo ghe lên bờ vừa chà rửa sạch sẽ vừa để sửa chữa, trét chai, lấp vò... Đây là lúc những chiếc ghe được... nghỉ ngơi.

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi cho rằng: “Ngày Tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không thể không có một bàn thờ Bà trên ghe tàu với mâm ngũ quả, bình hoa, cặp bánh tét và nhang đèn (đôi khi là đèn điện màu nhấp nháy). Vào ngày mùng ba, mùng bốn hoặc mùng năm Tết thường có một ngày họ dùng cặp vịt cúng Bà. Món vịt chế biến là luộc nấu cháo (Nguyễn Thanh Lợi (2015), Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Nam bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.10).

Tìm hiểu thực tế trong đời sống dân gian miệt Hậu Giang, chúng tôi nhận thấy nếu như người chăn nuôi cúng ông Chuồng, bà Chuồng, người đi ghe cũng Tết ghe, cúng Bà Cậu.

Tết nhà, Tết vườn cúng gà để năm mới lên gà (chỉ sự phát triển), theo cánh gà bay cao, thì người đi sông nước cúng vịt để ghe nổi và chuyện mua bán cũng nổi (mọi thứ đều trôi chảy hay chỉ sự phất lên nhanh chóng) như vịt bơi trên mặt nước.

Đây là cách chơi chữ hết sức thú vị phản ánh tính hài hước nhưng cũng đậm chất trí tuệ dân gian.

Hai con vịt chéo cánh được luộc trong nồi cháo. Khi cúng để vịt ra dĩa, hai con cùng nằm song song, miệng vịt có thể vắt thêm nhánh mai hay bông vạn thọ, bông cúc, cạnh đó là ba chén cháo, dĩa gạo muối, giấy tiền vàng mã, chai rượu đế, bình trà mới và mấy cái chung, có người còn thêm ba miếng trầu đã têm vôi, ba miếng cau để trong dĩa.

Mâm cúng được bày ngay trên sạp lái hoặc sạp mũi ghe, hoặc cũng có người để mâm cúng trên cái ghế đẩu, cặp bờ sông, mũi ghe xuồng được cúng đậu sát nơi đó. Chủ ghe van vái Bà Cậu phù hộ độ trì cho năm mới việc mua bán được thuận buồm xuôi gió; chuyện đi lại được xuôi chèo mát mái...

Khi cúng xong, người ta cũng dán trước mũi ghe, dán trên bánh lái, cặp chèo... những miếng giấy vàng bạc cho ghe, chèo... ăn Tết.

Gạo muối được rải hết đi, lui nhang, vịt đem lên nhà chặt ra trộn gỏi rồi chủ ghe dọn mời anh em, bạn bè đi ghe hay bà con lối xóm cùng nâng những chung rượu đầu năm với hy vọng một sự thành công mới sẽ đến.

Trần Minh Thương / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuc-cung-ghe-dau-nam-o-nam-bo-post1184158.html