Tức giận ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Giận dữ hay tức giận là một trong những cảm xúc xa xưa nhất của con người với nhiều mức độ khác nhau. Ở đàn ông và phụ nữ, tần suất cũng như sự thể hiện khi tức giận không giống nhau.

Theo tờ Guardian của Anh, giận giữ (anger) là thuật ngữ nói về cảm xúc xa xưa nhất của con người và các loài vật với cung bậc khác nhau. Từ nhẹ tới căng thẳng hay còn gọi là phản ứng cảm xúc liên quan đến tâm lý con người khi bị đe dọa.

Nhiều nhà khoa học phân tích tức giận theo 3 phương thức, gồm nhận thức, phản ứng tình cảm và hành vi. Theo Bách khoa thư mở, các biểu hiện bên ngoài của sự tức giận thường thấy trong nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, phản ứng sinh lý và có lúc trở thành hành vi gây hấn. Con người nói riêng và loài vật nói chung thường hét to, căng cơ, nhe răng và nhìn chằm chằm vào đối thủ. Các hành vi liên quan với sự tức giận được thực hiện nhằm cảnh báo đối phương ngừng ngay hành vi đe dọa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiếm khi một cuộc ẩu đả thực sự xảy ra mà trước đó không có biểu hiện của sự giận dữ của ít nhất một trong những người tham gia. Trong khi hầu hết những người nóng giận giải thích hưng phấn của họ như là một kết quả của "những gì đã xảy ra", các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng một người tức giận có thể bị nhầm lẫn bởi tức giận làm giảm sút khả năng tự giám sát và khả năng quan sát khách quan.

Giới khoa học tin rằng khả năng nổi giận đã được “nhúng” sâu vào bộ não của con người sau hàng trăm triệu năm tiến hóa. Nó hình thành một phần của bản năng chiến đấu, bản năng mang tính công cụ giúp chúng ta đối phó với những mối nguy và tranh giành nguồn tài nguyên, đồng thời khẳng định những chuẩn mực xã hội.

Về bản chất, cơn giận dữ có nguồn gốc sâu trong hệ thống phần thưởng của não bộ, một nhóm cấu trúc thần kinh đảm nhiệm chức năng tạo ra sự khích lệ, quá trình này có thể diễn ra cả ở trong tiềm thức. Một khi có sự bất đồng trong những gì con người mong đợi và hiện thực, nhóm cấu trúc thần kinh nói trên sẽ truyền gửi cảnh báo, đồng thời kích hoạt vùng hạch hạnh nhân của não hoạt động.

Cơn giận giữ sau đó sẽ kích hoạt, tạo ra phản ứng có tên “chiến đấu hay bỏ chạy”, lúc này tuyến thượng thận sẽ bài tiết hàng loạt hormone căng thẳng như adrenaline và testosterone vào máu, nhằm giúp chúng ta chuẩn bị cho những thao tác va chạm vật lí.

Hành động cuối cùng của cơn giận được kích hoạt bởi vùng não thứ hai, đó là vùng vỏ não trước, nơi chịu trách nhiệm ra quyết định. Vùng não này sẽ cân nhắc về cơn giận và nhắc nhở con người hành xử trong giới hạn theo với thực tế có lợi, đây chính là hạn bản năng nguyên thủy của loài người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tác động của tức giận tới sức khỏe

Sự tức giận thường đi kèm những thay đổi về sinh lý như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng nồng độ adrenaline và noradrenaline trong máu. Một số người coi tức giận như là một cảm xúc gây nên một phần của phản ứng hoặc chiến đấu hay bỏ chạy. Tức giận có thể gây nhiều hậu quả về thể chất và tinh thần. Cơn giận dữ có thể khiến chúng ta trở nên dũng cảm hoặc liều lĩnh hơn.

Nghiên cứu của Đại học Cambridge cho hay những người mắc phải bệnh sa sút trí tuệ thường trở nên hung hăng, cau có và tức giận hơn bình thường. Nó còn khiến người bệnh dễ bộc lộ sự khó chịu của mình ra ngoài hơn, đồng thời làm tăng tính hung hãn.

Theo Baskin-Sommers, chuyên gia nghiên cứu về hành vi tội phạm và hành vi phản xã hội thì những trải nghiệm về cuộc sống cũng sẽ ảnh hưởng tới cách mà chúng ta cảm thấy tức giận. Những người với tuổi thơ phải đối mặt với bạo lực tuy vẫn có thể phân biệt được người tốt, người xấu, song họ không thể tin tưởng bất kì ai ngay cả khi người đó có hành động hết sức rộng lượng.

"Bạo lực đã định hình những người này ở sâu trong bản chất ở người ấy, khiến họ không thể phân biệt được ai là người mình nên tin tưởng. Những người này luôn cảm thấy mình như đang đứng bên bờ vực và không thể tìm ra được cách thức để họ có thể điều hướng được xã hội quanh mình", Baskin-Sommers lí giải.

Ảnh hưởng mạnh nhất đến hành vi bạo lực có nguồn gốc từ gene MAOA, nó có vai trò điều chỉnh cảm xúc. Những người có biến thể gene chức năng thấp có nhiều khả năng mất kiểm soát, đặc biệt là khi họ có một tuổi thơ đau thương. Ngược lại, những người có biến thể gene chức năng cao có thể gây bạo lực nhưng chỉ khi bị khiêu khích.

Tuy hại nhiều hơn nhưng giận dữ cũng có mặt tích cực. Trước tiên giận dữ có thể được xem là nguồn động lực mạnh mẽ. Trong một cuộc nghiên cứu thực hiện năm 2010, các nhà khoa học Hà Lan phát hiện những người tham gia nghiên cứu bày tỏ thích thú Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông tức giận về vụ scandal liên quan tới thực tập sinh Monica Lewinsky hơn là khi thấy ông bộc lộ tâm trạng buồn chán. Đôi khi bộc lộ sự tức giận trong một cuộc đàm phán, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn bởi chúng ta tỏ ra cương quyết, không nhượng bộ.

Tức giận dễ tác động xấu đến sức khỏe

Tức giận dễ tác động xấu đến sức khỏe

Tức giận mang tính văn hóa và giới tính

Nghiên cứu về tức giận, các nhà khoa học còn phát hiện thấy, trong khi nhiều bậc cha mẹ ở các nước phương Tây thường phản ứng bằng cách la hét nhưng ở những nơi khác lại có các phản ứng trái ngược. Ví dụ, các cộng đồng Inuit Bắc Cực coi việc la hét một đứa trẻ là hành vi tự hạ thấp người lớn. Các nhà tâm lý cho rằng, các bậc cha mẹ phương Tây phản ứng sự giận dữ một cách khá vất vả khiến trẻ lạnh lùng hơn, còn người Inuit lại nuôi dạy con cái bằng những biện pháp thanh thản hơn.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Southeast Missouri (Mỹ), phụ nữ giận dữ cũng có tần suất mạnh không kém gì cơn giận giữ của đàn ông. Kết luận của nghiên cứu được dựa trên khảo sát ở 200 phụ nữ và đàn ông. Kết quả, tần suất bộc lộ cơn giận giữ bằng hành động ở phụ nữ không hề thua kém đàn ông. Chỉ có điều khác là nam giới kìm nén cơn giận kém hơn phụ nữ, phụ nữ biết cách kiểm soát những hành động bốc đồng khi giận giữ xảy ra.

Theo nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania, do cặp vợ chồng nhà khoa học Ruben và Raquel Gur thực hiện thì hạch hạnh nhân ở não đàn ông và phụ nữ có kích thước bằng nhau, nhưng phần vỏ não trước ở phụ nữ lại lớn hơn. Tuy chưa hiểu ngọn ngành những tác động sinh lí của não đến việc hình thành các khác biệt giữa hai giới nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là khu vực đảm nhận chức năng xử lý hành động bốc đồng ở con người, và do kích thước lớn nên phụ nữ giỏi kìm chế con giận so với đàn ông.

Khắc Nam Guardian/Listverse

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/tuc-gian-anh-huong-the-nao-den-suc-khoe-post60553.html