Tục thay cát cho bát hương của người dân làng biển

Thờ cúng tổ tiên là một mỹ tục của người Việt. Trong mỗi nếp nhà, gia chủ luôn dành không gian trang trọng nhất để đặt bàn thờ tổ tiên hoặc thờ vọng. Và bát hương luôn được đặt ngay ngắn chính giữa bàn thờ. Trong không khí giao mùa của những ngày cuối năm, người dân ở vùng Đông Gio Linh rủ nhau lên đồi cát phía bìa làng, mang về những túi cát vàng mịn, sạch tinh tươm để 'làm mới' bát hương trên bàn thờ tổ tiên.

 Thờ phụng, tri ân người đã khuất là một mỹ tục của người Việt Nam - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Thờ phụng, tri ân người đã khuất là một mỹ tục của người Việt Nam - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Chiều 30 Tết, sau khi bày biện xong xuôi lễ cúng tất niên, ông Bùi Ổn ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh kính cẩn thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên. 3 cây hương được cắm nhẹ nhàng lên lớp cát vàng mịn vừa được thay mới trước đó ít ngày. “Theo phong tục từ xa xưa, đón năm mới thì cái gì cũng phải mới. Người đang sống mua sắm áo quần, đồ dùng trong nhà thì ông bà tổ tiên đã khuất cũng cần có đồ mới vậy. Từ giữa tháng Chạp, tôi đã bắt đầu việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Và phòng thờ, bàn thờ luôn là nơi được thực hiện đầu tiên, sau đó mới lau chùi những nơi khác trong nhà. Có thể nói, việc thay cát mới cho bát hương rất quan trọng trước khi đón Tết”, ông Ổn cho hay.

Để có cát sạch thay cho bát hương, từ trung tuần tháng Chạp, những người già đã rục rịch bảo con cháu trong nhà chuẩn bị túi sạch đi lấy cát. Dụng cụ lấy cát chỉ đơn giản là túi nilon và một cái xẻng nhỏ, hoặc có thể đào bằng tay không. Vị trí lấy cát được các bậc cao niên chọn sẵn từ nhiều năm trước. Đó là đồi cát cao ráo nằm ở phía Tây của làng. Cát đẹp nhất, sạch nhất là loại cát có màu vàng ruộm, cách mặt đất khoảng 0,5 - 1 mét.

Giữa không gian khoáng đạt trên đồi cát cao, ông bà vừa lấy cát, vừa chậm rãi kể cho con cháu nghe những câu chuyện về gia đình, dòng họ và không quên căn dặn con cháu chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì lấy ở nơi sạch sẽ, khô ráo nên cát sau khi đem về sẽ được đổ ngay vào bát hương đã được lau chùi từ trước. Lớp cát mịn màng, vàng ruộm nằm gọn trong bát hương được người lớn thành kính đặt lên vị trí cũ trên bàn thờ tổ tiên, xem như việc chuẩn bị đón Tết cho người đã khuất phần nào trọn vẹn.

“Cũng có nhiều gia đình ở gần biển, vì cuối năm bận rộn với công việc nên không đi lấy cát vàng trên đồi cao được. Có một giải pháp khác là đi ra biển, chọn nơi sạch sẽ đào xuống vài tấc đất, lấy lớp cát vàng mịn lên. Cát biển sau khi mang về sẽ được rửa nhiều lần qua nước sạch rồi phơi khô, sau đó cho vào bát hương”, ông Ổn nói.

Việc thay cát mới cho bát hương trên bàn thờ tổ tiên được nối truyền từ đời này sang đời khác và thực hiện vào trước tết Nguyên đán mỗi năm. Đây được xem là công việc bắt buộc trước khi đón Tết của mỗi gia đình. Ban đầu, mỗi nhà chỉ lấy cát về thay bát hương trong gia đình mình. Qua thời gian, trước nhu cầu của nhiều gia đình không có thời gian đi lấy cát hoặc ở vùng đất ruộng, đồi núi… nhiều người ở vùng cát có thêm một nghề mới là bán cát vào dịp tết Nguyên đán. Khoảng 10 năm trở lại đây, cứ đến cuối tháng Chạp là chị Trần Thị Thể lại đi lấy cát rồi đem lên chợ huyện bán. Mặc dù thu nhập không cao nhưng việc này giúp chị có thêm đồng ra đồng vào, mua sắm tết cho gia đình. “Cứ đến ngày 20 tháng Chạp hằng năm, tôi và chồng lên đồi cát phía sau làng lấy về thật nhiều cát sạch rồi đem lên chợ bán cho khách. Mỗi bao cát tôi bán với giá khoảng 10-15 ngàn đồng. Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng có việc để làm thì cũng vui”, chị Thể bộc bạch.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân vùng Đông Gio Linh lại tất bật vệ sinh nhà cửa, thay bát hương mới cho bàn thờ tổ tiên như đời trước. Bây giờ và đời sau vẫn thế.

Trần Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=164241&title=tuc-thay-cat-cho-bat-huong-cua-nguoi-dan-lang-bien