Từng bị đuổi việc vì mắc lỗi với ông Trump, vẫn đắc cử ở địa phương
Bà Juli Briskman, người trở nên nổi tiếng và sau đó bị đuổi việc vì giơ ngón tay giữa về phía đoàn xe Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2017, vừa được bầu vào hội đồng địa phương ở bang Virginia.
1. Bà Briskman sử dụng chính bức ảnh nổi tiếng hồi năm 2017 để làm tư liệu chính cho chiến dịch tranh cử của mình và đã thành công sau khi đánh bại ứng viên đương nhiệm thuộc đảng Cộng hòa.
Trong bức ảnh đó, bà Briskman đạp xe và giơ ngón tay giữa (ngón tay này được cho là cách nhục mạ) về phía đoàn xe chuyên dụng chở Tổng thống Donald Trump. Giờ đây bà Briskman sẽ làm việc trong hội đồng địa phương của quận Loudoun, bang Virginia, nơi mà một phần câu lạc bộ Golf Trump National của Tổng thống Trump tọa lạc.
Bà Brickman là người có lập trường chống quyết định của ông Trump bãi bỏ chuơng trình DACA, chính sách của Tổng thống Barack Obama cho hoãn trục xuất di dân theo gia đình xâm nhập Hoa Kỳ khi là vị thành niên. Sau khi bức ảnh lan truyền nhanh chóng mặt trên mạng xã hội năm 2017, bà Briskman đã bị Công ty Akima LLC đuổi việc. Bà Briskman từng đệ đơn kiện vì cho rằng mình bị đuổi việc một cách sai trái nhưng không được chấp nhận. Những người ủng hộ đã đóng góp tiền cho bà để thanh toán án phí. Sau khi mất việc, đã có rất nhiều công ty khác mời bà làm việc.
2. Người dân ở ngôi làng Cottingham, East Yorkshire (Anh) vẫn biết bà Audrey Mosey là cụ già nhỏ nhắn, sống đạm bạc trong một ngôi nhà nhỏ. Bà thích hát trong lúc cho chim ăn. Qua đời được hơn một năm, người dân làng Cottingham mới biết bà là một triệu phú khi để lại gia sản 1,3 triệu bảng Anh (khoảng 40 tỷ đồng) cho các hoạt động thiện nguyện tại làng.
Đây là lý do mới đây, quỹ từ thiện mang tên bà - I Audrey Mosey đã được thành lập. Giờ đây, hàng nghìn người dân và các tổ chức, doanh nghiệp xã hội, trường học sẽ có cơ hội được nhận hỗ trợ từ quỹ này. Mục đích của quỹ là giúp người trẻ nhận ra tiềm năng của họ, tăng cường hiểu biết, có thêm kinh nghiệm và kiến thức.
Khi sống, bà chỉ là một người bình thường ở làng. Tuy nhiên, thông tin về quỹ I Audrey Mosey đã khiến người quá cố trở thành một phụ nữ nổi tiếng khắp vùng. Ngoài ra, khi sống bà Audrey cũng gửi vài khoản quyên góp cho các tổ chức từ thiện khác, trong đó có Dove House Hospice và chi nhánh của ngân hàng RSPCA ở địa phương.
3. Trong thời gian đồng hành cùng #KuToo - chiến dịch chống lại đạo luật bắt buộc phụ nữ Nhật Bản đi giày cao gót, nhà báo Ikuko Takeshita của tờ Business Insider nhận được nhiều phản hồi khác về việc bị cấm sử dụng kính cận khi đi làm, đặc biệt đối với nhân viên nữ.
Lý do chính khiến cho cộng đồng mạng “dậy sóng” thời gian gần đây là các nhà hàng Nhật Bản cho rằng kính cận không phù hợp với trang phục kimono. Không ít nhà hàng ở Nhật Bản cấm nhân viên, đặc biệt là nữ, đeo kính cận với lý lẽ họ có thể làm rơi vào đồ ăn của thực khách hoặc tạo ra ánh nhìn thiếu tôn trọng.
Sau khi những chia sẻ trên lan truyền trong cộng đồng mạng, làn sóng phản đối quy định về trang phục nói chung và kính cận nói riêng của các nhà hàng xứ sở hoa anh đào xuất hiện. Nhiều người cho rằng Nhật Bản đang quá coi trọng hình thức bên ngoài của các nhân viên nữ thay vì năng lực và kinh nghiệm của họ. Đồng thời, vấn đề này thể hiện việc phân biệt đối xử đối với phái nữ tại nơi làm việc trong xã hội Nhật Bản.