Từng bước khôi phục chăn nuôi
Sau những đợt lũ chồng lũ vừa qua, toàn tỉnh đã có hơn 556.000 con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; nhiều chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng hoàn toàn. Để kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, ngay sau khi nước rút, cùng với người dân, các địa phương và ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm sau lũ cũng như sẵn sàng cho việc tái, nhập đàn mới.
Huyện Triệu Phong là một trong những địa phương có số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại nhiều nhất trong các đợt mưa lũ vừa qua với hơn 211.000 con bị chết và cuốn trôi. Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Triệu Phong Trần Thanh Sơn thì cùng với những thiệt hại nặng nề trước mắt, các địa phương trên địa bàn huyện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bởi mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, cộng thêm ngập lụt làm vật nuôi bị trôi, chết… là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, phát triển.
Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh kịp thời sau mưa lũ, Trạm CN&TY đã tăng cường cán bộ về tận các thôn, xã cùng với lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao…; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.
Cũng theo ông Sơn, sau mưa lũ, nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm rất khan hiếm do ngập úng lâu ngày làm các đồng cỏ bị hư hỏng, dập nát, ô nhiễm; các loại thực ăn chăn nuôi bị ngâm nước làm ẩm mốc… Để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, Trạm CN&TY đã hướng dẫn người dân tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như chuối, rơm, thức ăn dự trữ…, các nguồn thức ăn này phải đảm bảo được rửa sạch để phòng tránh những mầm bệnh có thể có; đồng thời bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Huyện Hải Lăng là địa phương có nhiều vùng thấp trũng dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ kéo dài, ảnh hưởng để sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng cho biết, ngay sau mưa lũ, Trạm CN&TY đã kịp thời cấp 192 lít Iodine cho các xã, thị trấn để tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Cử cán bộ về các địa phương để hướng dẫn người dân cách chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn trâu bò sau thời gian mưa lũ kéo dài, đồng cỏ khan hiếm để hạn chế vật nuôi mắc bệnh. Chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở quản lý tốt tổng đàn gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra việc nhập con giống vào địa bàn để chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm. “Sau khi dọn dẹp, khử trùng chuồng trại, tại một số địa phương người dân đã bắt đầu chọn mua con giống, nuôi nhốt, quây úm tại các vị trí cao, khô ráo… để chuẩn bị cho việc tái đàn sản xuất”, ông Lượng cho hay.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An, sau mưa lũ, việc chăm sóc, khôi phục đàn vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thức ăn xanh cho gia súc, gia cầm bị ngập nước, hư hỏng. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do số lượng vật nuôi bị chết nhiều. Trong khi đó, mầm mống các loại dịch bệnh như lở mồm long móng trên đàn gia súc; tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi và cúm gia cầm đang tồn tại trong môi trường và sẽ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nền nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm như hiện nay.
Do đó, để đảm bảo cho việc tổ chức tái đàn, khôi phục chăn nuôi nhằm sớm ổn định sản xuất, đáp ứng nguồn thực phẩm vào dịp cuối năm thì công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi là khâu quan trọng nhất. Để công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng được triển khai tốt, Chi cục CN&TY đã kịp thời hỗ trợ 5.000 lít hóa chất Iodine cho các địa phương; tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Trung ương hỗ trợ 50 tấn Chloril, 30.000 lít Iodine để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản sau mưa lũ, trước khi nuôi mới. Cử cán bộ thú y bám sát địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng hơn 400.000 liều vắc xin cúm gia cầm H5N6 để tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát thiệt hại về chăn nuôi, đề xuất hỗ trợ vật nuôi, con giống, kinh phí sản xuất… nhằm sớm khôi phục sản xuất.
Đối với người chăn nuôi, ông An đề nghị cần khẩn trương tu sửa, vệ sinh chuồng trại, che chắn kín gió, tăng cường chất độn chuồng, tránh để gia súc, gia cầm nằm nơi ẩm ướt. Tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm ở những khu vực bị ô nhiễm; không cho gia súc, gia cầm ăn các loại thức ăn bị ngập nước, nấm mốc, uống nước bị nhiễm bẩn. Khi phát hiện vật nuôi bị ốm, chết… không được tự ý giết mổ mà phải báo ngay cho lực lượng thú y để kiểm tra, xử lý. Tổ chức tiêm phòng bổ sung một số bệnh có khả năng xảy ra sau mưa lũ trên đàn vật nuôi như bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cúm gia cầm… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh có thể phát sinh. Tăng cường chăm sóc, bổ sung khoáng chất vào khẩu phần thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tập trung khôi phục diện tích đồng cỏ bị thiệt hại do mưa lũ, tăng cường trồng mới để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc trong mùa giá rét sắp tới. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống ở những đơn vị cung ứng uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Đồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, có phương án bảo vệ sản xuất, gia cố chuồng trại; bố trí khu vực sơ tán vật nuôi, tránh thiệt hại khi mưa bão, lũ lụt có thể tiếp tục xảy ra.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152743