Tươi mát sông Bồ

Có những lần ghé thăm thấy bạn đang ngồi ngắm sông vào buổi chiều tà. Bạn nói sống với sông quen rồi. Dù thu nhập không cao nhưng lấy gió sông, nước sông làm vui

Đó là một buổi sáng đầu xuân năm tôi học lớp 8. Tôi cùng ba lên chuyến đò về Tứ Hạ để theo học lớp chuyên văn sau khi đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi văn huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế năm đó. Chuyến đò đó là chuyến đò của xã chở những tân binh nhập ngũ, xuất phát từ bến Đình của làng tôi. Buổi chia tay có nhiều nước mắt tiễn đưa của những người mẹ, người chị, người em. Nhìn cảnh ấy tôi cũng buồn lắm vì cũng như những anh bộ đội trẻ, tôi bỗng dưng xa trường, xa bạn đi học một nơi khác.

Sông Bồ êm đềm chảy qua làng quê trù phú

Sông Bồ êm đềm chảy qua làng quê trù phú

Không biết đò chạy theo hướng nào trên sông nước của dòng Ô Lâu. Tôi chỉ nhớ chừng 2 tiếng đồng hồ sau, đò rẽ vào một nhánh sông và bác chủ đò nói đò đã bắt đầu vô sông Bồ rồi.

Sông Bồ có lẽ khác sông Ô Lâu ở chỗ làng mạc hai bên bờ sông trù phú hơn, những rặng tre dày soi bóng xuống dòng sông và những vườn bắp, luống đậu, những vườn cây trái trĩu quả xanh miên man... Nhà cửa của những làng quê ven sông Bồ cũng nhiều hơn và đẹp hơn những ngôi nhà bên dòng Ô Lâu quê tôi...

Trường mới tôi theo học cũng gần một bến sông Bồ. Những ngày học đầu tiên, tôi đến sớm, chưa quen ai nên chỉ biết ra ngồi ở bến sông hóng mát. Mới học lớp 8 và chẳng mấy khi đi xa khỏi nhà nên nhìn cảnh những bà mẹ đang tắm cho con và những đứa bé đang ngụp lặn thỏa thích cùng nước mát sao lại giống bến sông Ô Lâu quê tôi và làm tôi nhớ nhà, nhớ lớp học cũ cồn cào.

Thầy giáo dạy chuyên văn của tôi đầu đội mũ bêrê, thầy dạy thiệt hay nhưng cũng chỉ hơn một tuần, tôi quyết định bỏ lớp chuyên về lại trường làng vì quá nhớ nhà, nhớ bạn. Ký ức còn lại của tôi trong những ngày ngắn ngủi ở lớp chuyên văn trường huyện là chuyến đi trên sông Bồ, bến sông quê gần gũi và cái sân trường đất đỏ...

Sông Bồ thật đẹp như câu hát của bác sĩ Trần Hữu Dàng: "Đi từ Trường Sơn về Tam Giang mênh mang câu hát/ Có tự bao giờ ơi con sông Bồ/ Bên lở bên bồi bên nhớ bên thương"... Tôi đã được lên tận đầu nguồn sông Bồ ở núi Khe Trái và cũng như bao con sông khác, ở nơi ngọn nguồn sông Bồ hoang dã và trong trẻo suối nguồn. Bắt nguồn từ vùng núi A Sầu ở dãy Trường Sơn, thuộc xã A Roàng, huyện A Lưới. Theo sử sách, tên của con sông này được đặt theo tên của các vùng đất mà nó chảy qua, đầu tiên (thế kỷ XV) là Đan Điền, sau đó là Phú Ốc, Hiền Sĩ, Cổ Bi. Tuy nhiên, trong dân gian, sông được gọi tên là sông Bồ. Theo tài liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho rằng vì ở thượng nguồn của con sông này mọc nhiều cây bồ (còn gọi là cây lác, nguyên liệu dệt chiếu) nên tên sông được gọi là sông Bồ.

Nhớ sông Bồ là nhớ đến câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền thoại của bà Tơ. Bà Tơ tên đầy đủ là Trần Thị Tơ, người dân sông nước vùng Quảng Điền với tài bơi thuyền rất giỏi. Câu chuyện về sự tích miếu bà Tơ được xem là một giai thoại đẹp về những ngày đầu mở xứ phía Đàng Trong của Chúa Nguyễn Hoàng.

Trong một lần Chúa Nguyễn Hoàng đi cùng đoàn tùy tùng trên thuyền ra khơi vượt phá Tam Giang từ ngoài Bắc vào Huế, khi đến đoạn biển dữ thuyền suýt lật, may mắn có bà Trần Thị Tơ chèo thuyền đến chỉ đường cho thuyền Chúa thoát sóng dữ và vào bờ an toàn. Cảm kích tấm lòng của người phụ nữ dũng cảm, Chúa Nguyễn đã trọng thưởng bằng một hình thức rất lạ kỳ. Trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng, Chúa cho thả bã mía từ sông Bồ, phía trước làng Bác Vọng. Bã mía trôi theo dòng nước chảy, dạt vào bờ ở chỗ nào thì chỗ đó được xác định là nơi xa nhất trong giang phận thuộc quyền canh tác và khai phá của làng Bác Vọng…

Sau khi bà Tơ mất, Chúa Nguyễn còn cho xây miếu thờ bà Tơ. Từ đó đến nay, người dân Quảng Điền xem bà như một vị thần chuyên phù trợ vượt qua hiểm nguy mỗi khi có việc ra biển. Tưởng nhớ công lao của bà, cả trên sông Bồ lẫn phá Tam Giang, dân làng Bác Vọng vẫn tổ chức cúng tế thường niên vào dịp Minh niên nhằm ngày 11 - 12 tháng giêng và húy nhật nhằm ngày 18 tháng 5 âm lịch.

Bạn tôi học ngành giao thông ra trường mấy năm thì theo nghiệp đường sông và từ đó gắn bó với sông Bồ. Những ngày sông Bồ nước lụt tràn dâng hay những ngày sông khô hạn trơ đáy, bạn đều có mặt trên sông. Cơ quan của bạn nằm ngay chân cầu Tứ Phú có thể quanh năm nghe sông Bồ rì rào sóng vỗ. Có những lần ghé thăm thấy bạn đang ngồi ngắm sông vào buổi chiều tà. Bạn nói sống với sông quen rồi dù thu nhập không cao nhưng lấy gió sông, nước sông làm vui. Ly bia chiều thấm đậm hơn khi nghe bạn ôm đàn hát: "Có từ ngày nao dòng sông quê miên man câu hát/ Có tự bao giờ ơi con sông Bồ/ Nước chảy đôi bờ thành điệu dân ca/ Sông Bồ ơi sông Bồ/ Ta hát lời mải mê...".

Thơm ngọt thanh trà

Sông Bồ chảy xanh mát qua những làng quê của thị xã Hương Trà, các huyện Phong Điền, Quảng Điền và chia thành nhiều nhánh sông nhỏ tên sông cũng là tên làng rồi hợp lưu với sông Hương ở ngã ba Sình, cuối cùng xuôi dòng đổ ra phá Tam Giang. Nếu như phù sa sông Hương ưu ái cho vùng Nguyệt Biều, Lương Quán để có những vườn thanh trà thơm ngọt, phù sa sông Ô Lâu cũng bồi đắp màu mỡ cho những vườn thanh trà Phong Thu thì ven sông Bồ cũng có đất làng Lại Bằng nổi tiếng cũng với vị thanh ngọt của trái thanh trà. Nếu có ai đó hỏi thanh trà 3 địa danh trên chỗ nào ngon nhất thì chắc là khó trả lời...

Bài và ảnh: PHI TÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tuoi-mat-song-bo-2020030720222127.htm