Tuổi thơ chưa biết đến iPad của thế hệ 8X, 9X ngập tràn trò vui mà giờ có muốn cũng chưa chắc đã được trải nghiệm
Chúng tôi lớn lên với những trò chơi này, một vài sợi dây, một vài viên đá nhỏ. Chúng tôi giống như có cả thế giới trong tay, thật đơn giản và đẹp đẽ.
Khi chúng ta còn nhỏ, không có điện thoại di động, không có máy tính, cũng không có ipad. Chỉ khi bố mẹ đi ra ngoài, chúng ta mới dám mở TV một cách bí mật. Trước khi họ quay về, phải nghĩ cách làm mát TV và phải chuyển lại kênh bố mẹ xem trước đó để không bị phát hiện.
Vào thời điểm đó, những trò chơi thú vị nhất không phải là trò giả làm vua hay hoàng hậu, mà chính là trò chơi với mấy mẩu sắt vụn, vài tờ giấy cùng những đứa hàng xóm nghịch ngợm mà thôi.
Máy bay giấy
Chỉ cần một miếng giấy mỏng, gấp nếp này nếp kia, có thể thành nhiều hình dáng máy bay khác nhau. Sau đó bám vào bờ tường hay treo lên cây để phóng nó lên bầu trời. Chiếc máy bay nhẹ nhàng thuận theo chiều gió mang theo những giấc mơ thời thơ ấu của chúng ta.
Trò nhảy lò cò
Chỉ cần một viên phấn nhỏ trên mặt nền bê tông, hay là một nhành cây vẽ trên nền cát. Vẽ một ngôi nhà gồm 7 ô vuông và nửa hình tròn làm mái; đánh số 1, 2, 3,... Bạn dùng một viên đá nhỏ thảy vào từng ô, nhẹ nhàng nhảy đi và về vào ô không có viên đá. Không dễ chút nào đâu, vì trẻ con đâu dễ giữ thăng bằng và còn phải cảnh giác khi bên cạnh là lũ nhóc nghịch ngợm thích gian lận nữa, sẵn sàng đá bay đi viên đá của bạn bất cứ lúc nào.
Rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là một trong những trò chơi phổ biến nhất của trẻ em ngày xưa. Cách chơi chắc ai cũng biết, và bài đồng dao mà đứa trẻ nào cũng thuộc.
"Rồng rắn lên mây
Có cây núc nắc
Có nhà điểm binh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?"
Đến khi thầy thuốc trả lời có ở nhà.
"Rồng rắn đi đâu?"
Người đứng làm đầu của rồng rắn trả lời:
"Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.
Con lên mấy?
Con lên một
Thuốc chẳng hay
Con lên hai.
Thuốc chẳng hay."
Cho đến khi:
"Con lên mười.
Thuốc hay vậy.
Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi:
Xin khúc đầu.
Những xương cùng xẩu.
Xin khúc giữa.
Những máu cùng me.
Xin khúc đuôi.
Tha hồ thầy đuổi."
Sau đó thầy thuốc đuổi sao cho bắt được đuôi con rồng và trò chơi lại tiếp tục cho đến khi bắt được hết người. Có những đứa trẻ nghịch ngợm dù đã bị bắt rồi nhưng vẫn cố đứng lẫn vào hàng để lượt thầy thuốc đó phải đuổi đến ná thở.
Đá gà
Khi còn nhỏ, bọn trẻ đồng quê chúng tôi khi không kiếm được thứ gì đó chơi được, chúng tôi lại chơi trò đá gà. Đó là đứng thăng bằng trên một chân, hai tay nắm lấy cổ chân kia, và sử dụng đầu gối làm vũ khí để chiến đấu với nhau. Đứa nào thả chân ra hay là ngã xuống trước là xử thua. Dù lúc về nhà, mẹ thấy quần áo mặt mũi lấm lem, chân bầm tím, bạn lại bị mắng té tát nhưng con nít mà, nghịch ngợm mới vui.
Đông Tây Nam Bắc
Mặt trước viết Đông, Tây, Nam, Bắc; lật ngược phía sau là 8 khối nhỏ, viết các hành động mà bạn muốn người kia thực hiện. Sau đó để bên kia chọn một hướng, rồi chọn một số ngẫu nhiên, ví dụ như "Đông, 7 lần’. Đóng mở 7 lần và nhìn vào hướng Đông. Ngày xưa chẳng hiểu quy luật gì cả, cũng chẳng biết đứa bạn đã cố tính viết tất cả các mặt giấy đều giống nhau hay không, vậy mà ta vẫn cứ tin, cứ chơi mặc cho những thắc mắc vẫn cứ quẩn quanh trong đầu, thậm chí khi chọn phải một nhân vật hay hành động mình không thích, còn cảm thấy hậm hực đòi chơi lại đến khi nào vào cái mình thích mới thôi.
Ná thun
Ná thun là thứ không thể thiếu được với những đứa trẻ nghịch ngợm. Chắc bạn cũng đã bị bố mẹ, thầy cô tịch thu nhiều lần rồi đúng không? Những đứa trẻ lớn hơn cũng hay cướp của bạn nữa.
Nhưng vì cách làm rất đơn giản, chỉ cần một đoạn dây thun và một mẩu gỗ hình chữ Y, khéo léo một chút là chúng ta đã có một cái ná mới và xách ra đường cùng một túi đá dăm bắn cả thế giới.