Tuổi thọ tăng, tăng tuổi hưu là xác đáng?

Bạn đọc đề nghị việc xác định tuổi nghỉ hưu của người lao động nên xem xét một cách khoa học và mềm dẻo, phù hợp với điều kiện đất nước và nhu cầu của người lao động trong từng thời kỳ.

Phát biểu góp ý cho Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại nghị trường, khi đề cập đến vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (tỉnh Bình Dương) cho biết qua lấy ý kiến, đại đa số công nhân (CN) trực tiếp không đồng tình với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo và đề nghị giữ nguyên quy định hiện nay. "Với tính chất, điều kiện làm việc nặng nhọc, lao động chân tay là chủ yếu, CN trực tiếp sản xuất sẽ không đủ sức khỏe để làm việc nếu tăng tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) cũng không muốn sử dụng lao động lớn tuổi, vì năng suất lao động giảm và khó thích nghi với cải tiến, đổi mới trong thời gian tới. Chính vì vậy, QH cần cân nhắc thận trọng để quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp cho một số nhóm đối tượng, ngành và lĩnh vực" – bà Hạnh, bày tỏ. Còn theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, toàn bộ công chức cần tăng tuổi nghỉ hưu (trừ lực lượng vũ trang); một bộ phận lớn viên chức cũng cần tăng tuổi nghỉ hưu, còn đối với NLĐ cần phải nghiên cứu, cân nhắc kĩ là có tăng tuổi nghỉ hưu hay không và nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của NLĐ.

2 ý kiến trên cho thấy sự băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về những căn cứ của ban soạn thảo Bộ Luật Lao động khi đề xuất tăng tuổi hưu, đặc biệt là vấn đề tuổi thọ và sức khỏe của NLĐ. Nhiều bạ đọc Báo Người Lao Động cũng có cùng nhận định này. Bạn đọc Nguyễn Thế Việt góp ý: "Xin lỗi 50 tuổi trở đi thì còn gì đầu óc đâu mà sáng tạo với kiến tạo, chắc cũng với mấy cái kiểu gọi là có kinh nghiệm thôi. Vả lại, hiện nay con trẻ nó được học hành và đào tạo trong môi trường đầy đủ vật chất và kỹ thuật thì tại sao lại không để cho lớp trẻ làm chủ cuộc sống bằng khoa học và kỹ thuật...".

Mong mỏi của công nhân trực tiếp sản xuất là giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu

Mong mỏi của công nhân trực tiếp sản xuất là giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu

Bạn đọc Lại Thúy Giang thì dẫn chứng cụ thể: "Chúng tôi là những người làm trong ngành giáo dục, nếu nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu xin thưa rằng chúng tôi lên lớp nhìn học sinh ở xa không rõ mặt, chữ nhìn không rõ, viết không chuẩn, chưa kể đến các loại bệnh khác. Thử hổi chúng tôi lúc đấy đào tạo ra một thế hệ học trò thế nào trước ngưỡng cửa đại học?". Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Lâm Thảo, bày tỏ: "Đặc thù ngành nghề giáo viên chúng tôi có lẽ là hs không thích học thầy cô lớn tuổi vì họ khó, nghiêm khắc, nề nếp... Mà cũng hợp lý thôi vì chúng ta đã đuối sức, không thích ồn ào, hoc sinh nhảy nhót tưng bừng, la hét om sòm... Cho nên dẫn đến chai lỳ, thiếu năng động. Rất mong Quốc hội đừng biểu quyết tăng tuổi nghỉ hưu, hãy cho nữ giới 55 ruổi được về hưu và còn hưởng thụ không khí gia đình, du lịch chút ít khi chưa muộn. Chứ 60 tuổi về hưu thì lúc đó con đường đi nhiều nhất là từ nhà đến bệnh viện".

Một bạn đọc tên Nhuận tha thiết giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu, bởi nếu tăng thì có nhiều người buồn vì bệnh tật quá nhiều, còn không bệnh tật thì muốn có tí sức khỏe quây quần bên con cháu, không thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Một bạn đọc tên Hoàng, cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu phải đi đôi với việc kiểm soát môi trường làm việc và nâng cao thể trạng, sức khỏe của NLĐ. Nếu chỉ nói nước này, nước kia có tuổi nghỉ hưu ngoài 60 mà không xem họ kiểm soát môi trường làm việc và nâng cao thể trạng, sức khỏe của NLĐ của nước họ như thế nào thì không ổn. Một môi trường làm việc áp lực làm hết giờ nhưng không hết việc và thể trạng sức khỏe không tốt thì có bao nhiêu phần trăm người Việt nam ngoài 60 tuổi có thể còn tiếp tục làm việc tốt".

Việc xác định tuổi nghỉ hưu của lao động nên xem xét một cách khoa học và mềm dẻo

Việc xác định tuổi nghỉ hưu của lao động nên xem xét một cách khoa học và mềm dẻo

Góp ý cho ban soạn thảo, một bạn đọc tên Hương, đã viết: "Nếu là NLĐ hưởng lương thì công chức hay viên chức đều không muôn tăng tuổi nghỉ hưu. Đề nghi Ban soạn thảo luật nên qui định quyền nghỉ hưu cho nữ từ tuổi 55 và nam ở tuôi 60. Đồng thời phải có qui định rõ khi đạt được 30 năm đóng bảo hiểm thì NLĐ có quyền nghỉ hưu như thế nào. Hiện tại chỉ căn cứ và tuổi để được nghỉ hưu là không thỏa đáng. Vậy những người tham gia đóng bảo hiểm từ rất sớm sẽ không được quyền nghi hưu sớm hơn sẽ rất vô lý.

Còn theo bạn đọc Trần Việt Thao, việc xác định tuổi nghỉ hưu của lao động nên xem xét một cách khoa học và mềm dẻo, năng động phù hợp với điều kiện đất nước và khả năng, nhu cầu của NLĐ trong từng thời kỳ. Trong Luật lao động nên xác định khoảng độ tuổi có thể nghỉ hưu cho từng nhóm đối tượng cho phù hợp chứ không nên quy định quá cụ thể trong Luật, như Nhóm đối tượng lao động nặng nhọc, độc hại; nhóm đối tượng có trình độ tay nghề cao, bằng cấp cao thuộc ngành quý hiếm chưa đào tạo kịp đang thiếu nhân lực; nhóm lao động thuộc các ngành đang thừa nhân lực,…"Việc xác định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng nhóm đối tượng, trong từng thời kỳ nên giao cho Chính phủ quyết định cụ thể qua việc ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Lao động trong từng thời kỳ vì Chính phủ là người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng lao động,…nên được quyền xác định độ tuổi lao động cụ thể sao cho phù hợp và đảm bảo nâng cao hiệu quả lao động trong từng thời kỳ" – bạn đọc này góp ý.

Đồng quan điểm với bạn đọc Trần Quang Em, nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Thực trạng rất nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trên 40 tuổi bởi lý do sức khỏe, năng suất thấp hơn lao động trẻ mà các chi phí doanh nghiệp phải trả theo lương cao hơn, chính vì thế không doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động mới trên 35 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân mà số lao động trên 35 tuổi khi mất việc làm không dễ gì tìm được công việc mới.

Phải công bằng với người lao động

Theo bạn đọc Damquanghau09, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng năm đóng BHXH 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam chỉ có lợi cho ngành BHXH không có lợi cho NLĐ. Ví dụ: Theo cách tính như vậy chỉ có một phần tư 1/4 trong tổng số NLĐ trên cả nước đủ điều kiện để nghỉ hưu được hưởng 75% lương. Bài toán đơn giản rất ít sinh viên học xong là có việc làm liền, mà một thời gian phải tìm việc làm hoặc như ngành y học 6 năm nếu học nâng cao mất thêm 3 năm là 9 năm khi đó đi làm đến lúc nghỉ hưu có đủ 35 đóng BHXH không? còn CN nam có làm đủ sức làm đến 60 tuổi không và đủ 35 năm đóng BHXH không? Bữ cũng vậy liệu có đủ sức làm đến 30 năm đóng BHXH và 60 tuổi nghỉ hưu không. Như vậy tăng 30 năm đóng BHXH đối với nữ và 35 năm đóng BHXH đối với nam và tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho ngành BHXH mà thôi.

Bài và ảnh: TRỰC NGÔN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tuoi-tho-tang-tang-tuoi-huu-la-xac-dang-20191025093107255.htm