Tưới xăng đốt vợ nhưng chưa chết: Tù tối đa bao nhiêu năm?

Do nạn nhân chưa chết nên hành vi tưới xăng đốt vợ chỉ có thể đối diện với hình phạt tối đa là 20 năm tù.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tạm giữ hình sự Nguyễn Phước Chung (51 tuổi, ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) để điều tra về hành vi giết người.

Thông tin ban đầu, do ghen tuông nên Chung và vợ là bà HTCN thường cự cãi nhau. Khoảng 10 giờ ngày 1-11, Chung nhậu một mình và tiếp tục xảy ra mâu thuẫn với vợ.

Sau đó Chung khóa cửa rào và cửa nhà không cho vợ và cháu ngoại 7 tuổi ra ngoài.

Sau khi uống rượu xong, Chung lấy mền trùm lên người bà N. đang nằm ngủ giữa nhà, rồi lấy thớt tấn công vào đầu vợ. Chưa dừng lại Chung còn lấy xăng tưới lên mền và phóng hỏa đốt bà N..

Người dân thấy khói bốc lên từ nhà Chung nên phá cửa sổ vào giải cứu cháu bé và đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Hiện công an đang tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định.

Nghi phạm Nguyễn Phước Chung tại cơ quan công an. Ảnh: QM

Nghi phạm Nguyễn Phước Chung tại cơ quan công an. Ảnh: QM

Trao đổi với PLO, ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM nhận định nghi phạm có hành vi cố ý tước bỏ mạng sống của nạn nhân.

Nghi phạm thực hiện hành vi dùng thớt tấn công vào đầu vợ, sau đó lấy xăng tưới lên mền và phóng hỏa đốt vợ. Khi thực hiện chuỗi hành vi này, nghi phạm nhận thức được khả năng cao sẽ làm chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện đến cùng hành vi.

“Việc người vợ không chết nằm ngoài ý muốn của nghi phạm. Do đó, hành vi mà người này thực hiện có dấu hiệu phạm tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS)” - ThS Thanh Thảo nói.

Nhận định thêm, ThS Thanh Thảo cho rằng tình tiết tưới xăng không được coi là tình tiết định khung tăng nặng nhưng hành vi của nghi phạm trong trường hợp này có thể bị xem là “giết người có tính chất côn đồ” được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Theo đó, khung hình phạt tối đa có thể lên đến tử hình.

Cũng theo ThS Thanh Thảo, nếu nghi phạm bị áp dụng khung hình phạt tại khoản 1 Điều 123 BLHS nhưng hậu quả chết người không xảy ra (tức thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt) thì căn cứ theo khoản 3 Điều 57 BLHS, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với Chung là 20 năm tù.

Nếu hậu quả chết người xảy ra, tức tội phạm hoàn thành thì mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với nghi phạm là tử hình.

Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Trích Điều 57 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

MAI LINH - MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tuoi-xang-dot-vo-nhung-chua-chet-tu-toi-da-bao-nhieu-nam-1025884.html