Tương lai

Tương lai là gì? Định nghĩa Tương lai thế nào?

Theo Từ điển tiếng Việt do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2014 ở trang 1.184 thì: “Tương lai là sắp đến, sẽ tới, sắp tới. Thí dụ: Bước tương lai. Một ngày tương lai gần đây. Xem tương lai ra sao?”.

Trong đời sống hàng ngày Tương lai được sử dụng rất rộng rãi, lúc thì đóng vai danh từ, lúc thì đóng vai tính từ, phần nhiều theo nghĩa mơ hồ, không chính xác. Vài thí dụ thường gặp:

- Cháu nhà tôi tuy mỗi năm lên được một lớp, nhưng cứ theo tình hình học tập vất vả thế này thì không biết tương lai cháu sẽ ra sao?

- Cám ơn chú đã hỏi thăm, anh chú tuy đã ngồi dậy được, nhưng liệt nhẹ tay phải, chân phải, miệng nói còn ngọng nên chưa biết tương lai sẽ ra sao!

Bài viết này xin đề cập đến một góc nhìn khác, đó là tên gọi của Tương lai qua các danh ngôn thế giới.
Trước hết xin được trân trọng giới thiệu cách đặt tên cho Tương lai của Đại văn hào Pháp, Victor Hugo (1802 – 1885). Đây là cách định nghĩa, cách đặt tên hay nhất, bao quát nhất cho “Tương lai” và càng có độ lùi thời gian càng đáng trân trọng, càng đáng tham khảo. Victor Hugo viết: “Tương lai có rất nhiều tên. Với kẻ hèn yếu, nó là Điều không thể đạt được. Với kẻ hay sợ hãi, nó là điều chưa biết. Còn đối với người dũng cảm, nó là Cơ hội”.

Qua cuộc sống vất vả diễn ra hàng ngày, càng thấy những nhận xét trên là quá đúng.

Sợ nhất là bàn việc gì với những người lười biếng, ham chơi, họ chỉ toàn bàn lùi, tức là vẽ ra bao chông gai, bao khó nhọc để đi đến kết luận là: Bỏ quách đi, đừng học, đừng làm, đừng theo đuổi nữa. Victor Hugo gọi bọn này là hèn yếu vì chúng bỏ mất cơ hội để người khác đạt mất, giành mất, đoạt mất.

Còn đối với những người cái gì cũng sợ, sợ vất vả, sợ hại sức khỏe, sợ ốm, sợ đau, sợ va chạm người này, người khác, thế là họ mất hết cơ hội, lại trở về với “số 0” tròn trĩnh, nghèo khổ vẫn hoàn nghèo khổ.

Vậy thì, còn ai sẽ đoạt được tương lai? Victor Hugo gọi tên những người đó là những người dũng cảm, can đảm, dám xông pha, dám đương đầu để tiến lên, để giành lấy ngày mai. Những người này biết rõ rằng cơ hội đâu đến nhiều lần, nên phải tranh thủ ngay, phấn đấu ngay để giành lấy cơ hội. Thậm chí, đối với nhiều người, họ phải đợi cơ hội hàng nhiều năm mới có, mới xẩy đến, nên có ai dám bỏ qua!

Nhà triết học Mauvezin lại có cách nhìn khác về những người sẽ có tương lai tốt đẹp khi ông viết: “Cái tương lai không phải thuộc về người thông minh nhất mà nó thuộc về kẻ siêng năng và cần cù nhất”.

Qua thực tế cuộc sống thì thực ra cách nói, cách gọi tên của Mavezin và Victor Hugo đều thống nhất, đều đánh giá đúng về những con người có tương lai, đó là những người bắt buộc phải có lòng can đảm, có lòng dũng cảm để đủ sức chịu đựng mọi gian khổ. Ai chẳng muốn có cuộc sống nhàn rỗi, ung dung, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Nhưng trong thực tế, cuộc sống ấy không có. Ai cũng phải “hai sương một nắng”, ai cũng phải “cổ cày vai bừa” mới hy vọng có được hạt thóc, hạt gạo lúc ngày mùa. Vì thế có thể viết thành công thức đơn giản:

Người dũng cảm có tương lai tốt đẹp = Người (siêng năng + cần cù)

Có tác giả lại dự báo được một tương lai tốt đẹp thường giành cho những người có quá khứ tốt đẹp. Em bé học giỏi từ năm lớp 1, rồi liên tục đứng đầu lớp đến tận lớp 12, có nhiều khả năng thi đỗ vào trường Đại học hay Cao đẳng. Anh thanh niên nông thôn quen nắng mưa dầu dãi, nay đi xuất khẩu lao động chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn, kiên trì hơn mấy chàng trai thành phố quen “ăn trắng, mặc trơn”, ít đủ sức chịu mưa, chịu nắng. Thành ra, triết gia Jean de Rotrou (năm 1609 – 1650) rất có lý khi ông tổng kết: “Người ta có thể tham khảo quá khứ để đoán trước được tương lai”. Những tham khảo, những xem xét quá khứ của một con người chính là việc nghiên cứu của Phòng Nhân sự các cơ quan, các công ty, các doanh nghiệp để sắp xếp công việc cho hợp lý. Từ đó mới có khẩu hiệu: “Đúng người, đúng vị trí làm việc”. Thử hỏi, nếu không dựa vào lý lịch, không dựa vào phỏng vấn về quá khứ của một ứng viên thì làm sao biết được họ là ai, xếp việc gì cho đúng với khả năng của họ?

Tuy nhiên, quá khứ tốt là một chuyện, còn cần phải có sự phấn đấu liên tục, lâu dài mới làm cho con người ngày càng hoàn thiện, ngày càng vững vàng hơn.

Thế còn những người có quá khứ không tốt liệu có thể có tương lai tốt không? Người nói không, người nói có. Thậm chí có người ác cảm với phụ nữ lại cho rằng: “Nếu người đàn bà có quá khứ không hay về đạo đức thì khó có một gia đình hạnh phúc trong tương lai”. Nhưng vì cuộc đời không quá tốt, cũng không quá xấu như người ta tưởng, nên vẫn có chỗ đứng cho những người có quá khứ không hay.

Nhà thơ W.C.Bryant (1794 – 1878) đã động viên con người có quá khứ lầm lỗi: “Tôi không than thở những năm tháng đã qua. Nhưng tôi hết sức chú trọng những năm dồn dập sắp tới”. Trong các gương người tốt việc tốt ở khu phố, ở thôn xóm cũng có không ít người đã từng bị đi cải tạo, đi tù vì những lỗi lầm không nhỏ. Nhưng nhờ cải tạo tốt, lao động sản xuất trong tù tốt, nên khi được hết hạn cải tạo họ đã cố gắng làm lại từ đầu và nhanh chóng được bà con cộng đồng chấp nhận, yêu mến. Có người đã trở thành đội trưởng sản xuất, tổ trưởng dân phòng bảo vệ khu phố. Nếu những người này cứ mặc cảm mãi với những lầm lỗi cũ, cứ than ngắn thở dài luyến tiếc hay ngậm ngùi mặc cảm vớ vẩn thì thử hỏi làm gì có ngày mai, làm gì có tương lai cho chính mình.

Có một ngạn ngữ La Tinh cổ cũng nhắc nhở những người lầm lỗi rất dễ hiểu: “Ta hãy nhìn thẳng vào tương lai, đừng nhìn lại quá khứ làm gì”. May mắn thay cho những ai biết khép lại quá khứ để mạnh bước đến tương lai!

Sang một góc nhìn khác về Tương lai. Có người đặt câu hỏi: “Tương lai ở đâu mà tìm? Con đường dẫn đến Tương lai ở đâu?”.

Vừa qua, trong tổng kết phong trào “Xây dựng nông thôn mới” ở Việt Nam, các chuyên gia có những số liệu thú vị sau đây:

- Từ những bức tường làng rêu phong, lở loét gạch vữa chỗ còn chỗ mất, từ những đường làng lầy lội ngoằn ngoèo mấp mô, nay dân làng đã cải tạo lại: vẽ những bức tranh mầu khổ lớn lên hàng trăm mét tường làng, cải tạo con đường đi lại trong thôn, đổ đường bê tông, trồng hoa hai bên lối đi... Ai lâu mới về làng lại tưởng mình đi lạc lối. Đó là những Tương lai mới được tìm thấy ngay trên Quá khứ yếu kém. Điều này đã làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của con người.

- Vừa qua tại những vùng đất hạn mặn ở Nam Trung bộ, nông dân đã không trồng lúa nữa mà trồng cây ăn quả ngắn ngày, chịu được khô, chịu được mặn nên vẫn có thu nhập, vẫn có cuộc sống ấm no.

- Ở một số vùng đất xấu khó trồng lúa người ta đã đào ao nuôi cá sấu, cá nước ngọt nhập ngoại có năng suất rất cao, cải thiện rõ rệt đời sống bà con nông dân.

Trong phong trào sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã có những biện pháp cải tiến kỹ thuật, sáng tạo ra những sản phẩm mới bán chạy hơn trước. Thực ra, vẫn diện tích sản xuất ấy, vẫn những con người lao động ấy, nay quyết bỏ con đường mòn lạc hậu để phát huy mọi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có các nguồn thu nhập mới.

Tất cả những thí dụ kể trên chỉ để chứng minh cho danh ngôn về Tương lai đáng trân trọng của triết gia Wing Pinero (1855 – 1934): “Tôi tin rằng Tương lai chỉ lại là Quá khứ đi vào một cái cổng khác mà thôi”. Cá nhân nào, tập thể nào phát hiện ra “cái cổng khác” ấy là chắc chắn tìm được Tương lai!

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuong-lai-502604.html