Tương lai của 'bom nợ' Evergrande và khả năng tác động đến thị trường
Vấn đề nợ nần của Tập đoàn bất động sản China Evergrande đang làm rung chuyển các thị trường tài chính ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Nhưng làm thế nào mà nó lại rơi vào hoàn cảnh bi đát thế này và tương lai như thế nào?
Những ngày qua, Tập đoàn bất động sản China Evergrande trở thành mối quan tâm rất lớn của giới đầu tư kinh doan bất động sản không chỉ của Trung Quốc mà còn cả thế giới. Lý do là bởi đây là một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc và nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng lại đang gánh khoản nợ tới hơn 300 tỷ USD.
Dưới đây là bốn điều cần biết về nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Evergrande và mối quan hệ chính trị của người sáng lập Xu Jiayin như thế nào?
Một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc, Evergrande được thành lập vào năm 1996 tại thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc. Khởi đầu là một hoạt động nhỏ với ít hơn một chục nhân viên đã tạo dựng được chỗ đứng với những căn hộ chung cư nhỏ, giá cả phải chăng, và thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản vào những năm 2000.
Năm ngoái, công ty đạt doanh thu 507,2 tỷ nhân dân tệ (78,4 tỷ USD) và đứng thứ hai trong nước nếu tính theo diện tích sàn bán được.
Khoản nợ cao ngất ngưởng của Embattled Evergrande Group đã gây ra tình trạng bán tháo trên khắp các thị trường toàn cầu. Ảnh: Reuters
Người sáng lập kiêm Chủ tịch Xu Jiayin - được biết đến với cái tên Hui Ka Yan trong tiếng Quảng Đông - đã tham gia thành lập một công ty kinh doanh bất động sản vào những năm 1990 và gặt hái được thành công đáng kể với nhà ở cho giới trung lưu. Ông Xu đã sử dụng bí quyết này để thành lập Evergrande, nơi ông đặt ra các quy tắc nội bộ về thiết kế và mua nguyên vật liệu để giảm chi phí.
Xu dẫn đầu danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2017 của Hurun Report, với tài sản 290 tỷ nhân dân tệ. Năm 2018, ông được Đảng Cộng sản Trung Quốc công nhận là một trong 100 doanh nhân tư nhân xuất sắc nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện chính sách "cải cách và mở cửa".
Khi tên tuổi nổi lên trong thế giới kinh doanh, ông Xu đã được mời tham gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn hàng đầu và được tập trung vào chính trị. Ông đã đóng góp tích cực vào nỗ lực chống đói nghèo của Trung Quốc và các sáng kiến nhà nước khác, đồng thời đầu tư vào ngành công nghiệp và giáo dục trong khu vực, xây dựng mối quan hệ với các chính trị gia trong quá trình này.
Sau thành công trong lĩnh vực bất động sản, Xu đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Evergrande sở hữu đội bóng đá Guangzhou FC, đội từng hai lần vô địch AFC Champions League. Các lợi ích kinh doanh của công ty hiện nay bao gồm từ công viên giải trí đến xe điện.
Nhưng nợ nần chồng chất đã khiến tình hình tài chính của Evergrande trở nên lung lay.
Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Xu Jiayin dẫn đầu danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2017 của Hurun Report, với tài sản 290 tỷ nhân dân tệ. Ảnh: Reuters
Tại sao Evergrande gặp rắc rối?
Vào mùa hè năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã soạn thảo "ba ranh giới đỏ" cho các nhà phát triển bất động sản: tỷ lệ nợ trên tài sản tối đa là 70%, giới hạn tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu là 100% và tiền mặt ít nhất phải bằng vay ngắn hạn. Các công ty không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ phải đối mặt với những hạn chế trong việc vay vốn từ ngân hàng.
Evergrande đã cố gắng điều chỉnh tài chính của mình để đáp ứng các quy định này. Họ đã giảm giá các căn hộ chung cư để bán chúng nhanh hơn và thu về tiền mặt, đẩy giá trung bình của các bất động sản của mình xuống 14% trong năm xuống còn 8.055 nhân dân tệ mỗi mét vuông vào tháng 7 vừa qua.
Trong khi tập đoàn này đã xoay sở để trả một số khoản nợ thì sự cải thiện vẫn còn chậm. Evergrande vẫn không đáp ứng được hai trong số các ranh giới đỏ vào cuối tháng 6, theo Viện nghiên cứu Beike.
Các công ty xây dựng và nhà cung cấp kinh doanh với Evergrande đã lên tiếng về việc thanh toán chậm. Một ngân hàng khu vực đã đóng băng các khoản tiền gửi do Evergrande nắm giữ do các vấn đề với khoản vay.
Tại sao những rắc rối của Evergrande lại ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán toàn cầu?
Quy mô nợ phải trả, tác động đối với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua khoản nợ nước ngoài 20 tỷ USD của công ty và quan điểm cho rằng tình hình đặt ra một thử nghiệm khác đối với các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình đều đóng vai trò quan trọng.
Trong bối cảnh các dấu hiệu rắc rối ngày càng gia tăng, Evergrande đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 13/9 nói rằng họ phải đối mặt với "những khó khăn chưa từng có". Trong khi phủ nhận tin đồn về việc phá sản, sự thừa nhận về mức độ nghiêm trọng của tình hình đã làm dấy lên cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Evergrande.
Tổng nợ phải trả của công ty là 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ - tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của Trung Quốc. Xử lý sai tình huống có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống tài chính của đất nước.
Sự chú ý đã chuyển sang việc liệu Evergrande có vỡ nợ đối với một số khoản thanh toán nợ đến hạn vào cuối tháng này và sau đó hay không.
Mối quan tâm đến số phận của nó vượt ra ngoài thế giới tài chính. Một cuộc khủng hoảng tiền mặt hơn nữa có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng các chung cư đã được người tiêu dùng thanh toán, điều này sẽ đặc biệt có vấn đề ở một quốc gia nơi nhà ở chiếm phần lớn tài sản của nhiều người.
Evergrande sẽ phá sản?
Nếu không thể tự xoay chuyển, tái cấu trúc phá sản là một trong những lựa chọn. Nếu các chủ nợ đồng ý, họ sẽ xóa lãi cho các khoản nợ trong khi công ty hoạt động để vực dậy tình hình. HNA Group đã bắt đầu quá trình này vào tháng Hai.
Một câu hỏi lớn chưa được trả lời là liệu chính phủ có can thiệp để cứu công ty hay không.
Hu Xijin, tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, nói trên mạng xã hội rằng Evergrande không nên tính đến một gói cứu trợ và rằng vào thời điểm khi chính phủ đang thực hiện những thay đổi đối với ngành, họ sẽ không bảo vệ các công ty. Điều này cho thấy vấn đề của Evergrande nghiêm trọng như thế nào.
Khi ông Tập đẩy mạnh chiến dịch vì "sự thịnh vượng chung", ngành bất động sản đã được nhắm mục tiêu với các quy định mới nhằm giải quyết tình trạng giá nhà đất tăng vọt, được coi là nguyên nhân sâu xa của sự gia tăng bất bình đẳng. Việc giải cứu Evergrande sẽ làm mờ đi thông điệp của Bắc Kinh, nhưng chính phủ cũng không thể đánh giá thấp tác động của sự sụp đổ đối với nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Mai Bùi (theo Nikkei)